Tiếp nối con đường tỉnh thức
Một nhóm biên soạn ở Sài Gòn đã chọn lựa trong hàng trăm bài báo để làm nên cuốn sách Thích Nhất Hạnh - người thắp sáng con đường tỉnh thức.
Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ, bệnh tật, thất học, hòa giải được với người thân và tìm được nguồn vui sống.
Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch lúc rạng sáng ngày 22-1-2022, một ngày đầu mùa xuân Nhâm Dần này. Truyền thông Việt Nam và thế giới liên tục truyền đi những lời tâm niệm về cuộc đời của vị cao tăng Nhất Hạnh với những đóng góp to lớn cho Phật giáo và nhân sinh.
Theo GS Huỳnh Như Phương, thiền sư Nhất Hạnh đã đi trọn con đường hành hương xuyên qua hai thế kỷ đầy biến động của đất nước và nhân loại, để hoằng dương đạo pháp Phật giáo và xiển dương văn hóa Việt với thế giới. "Những di sản văn hóa của ông để lại có thể giúp chúng ta tìm câu trả lời cho những vấn nạn của thời đại hiện nay trong tâm thế của những người luôn đề cao sự đối thoại và hòa giải".
GS Hà Vĩnh Thọ, một người Việt ở Thụy Sĩ từng làm việc cho Trung tâm Hạnh phúc quốc gia Bhutan, cho biết những lời dạy của thiền sư Nhất Hạnh đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chương trình Tổng hạnh phúc quốc gia (với chỉ số GHN), và thực hành chánh niệm của thầy là một phần cốt lõi của chương trình này.
Ông Thọ rất tự hào vì người đã mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người trên thế giới là một người Việt Nam. Và không chỉ ông Thọ, vì nói như GS Cao Huy Thuần (Pháp), "người Việt Nam, dù phật tử hay không, và dù có đồng ý với Thầy hay không trên điểm này điểm nọ, đều có thể hãnh diện về con người ấy".
"Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian để cảm nhận, đánh giá tài năng, tư tưởng, và ảnh hưởng của thiền sư Nhất Hạnh, vì thiền sư là một người Việt Nam xuất sắc vượt khỏi tầm biên giới quốc gia, làm cho ngôn ngữ Việt ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới". TS Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh (Viện đại học Paris Sorbonne) đã nhận định như thế.
Nhà báo Pháp Marie-Laurence Cattoire gọi ông là "lão hiền triết Phật giáo" và đã viết một bài rất công phu đăng trên báo Le Monde ba ngày sau khi thiền sư qua đời. Dưới góc nhìn của nữ nhà báo này, "tất cả con người của ông và cả trí thông minh của ông cũng chỉ hướng vào một mục đích duy nhất là sáng tạo các phép tu mới, hầu đối phó với những khổ đau mới trong xã hội chúng ta ngày nay".
Tiếp nối tư tưởng của thiền sư, nhiều người trên thế giới vẫn đang thực hành chánh niệm để chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc và kiến tạo hòa bình. Và cuốn sách này ra đời cũng đã làm cái việc tiếp nối đầy ý nghĩa đó - nhắc người đọc thực hành tỉnh thức, nuôi dưỡng an lạc.
Sách do Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM ấn hành, gồm 31 bài viết của các tác giả là giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu... trong và ngoài nước. Đặc biệt, phần phụ lục công phu với niên biểu đầy đủ về cuộc đời thiền sư do nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh biên soạn và danh mục 195 tác phẩm của Thích Nhất Hạnh được xuất bản ở nhiều nước.
Trong Ân tình, ngoài lòng biết ơn Mẹ của một người con, lòng thương kính Thầy của người học đạo, tác giả Thích Chân Pháp Nguyện còn dành nhiều trang viết cho người trẻ với một cái nhìn trực diện, thấu hiểu và thương yêu.