Tiếp cận gói vay rẻ: Vẫn là hy vọng mong manh
Động thái hạ nhiệt lãi suất cùng với room tín dụng được mở ở các ngân hàng giúp cho doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân nuôi hy vọng vào sự chuyển biến tích cực trong tương lai gần. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy mức giảm lãi suất chưa nhiều và chưa lan tỏa trên diện rộng, tiêu chuẩn tín dụng chưa nới lỏng khiến việc tiếp cận các gói vay rẻ vẫn khó khăn.
Tiếp cận gói vay rẻ: Vẫn là hy vọng mong manh
Lãi suất sẽ hạ nhiệt?
Cuộc cạnh tranh huy động vốn đầu vào gay gắt từ đầu quí 4 vừa qua đã kéo theo đợt nâng lãi suất cho vay mạnh mẽ ở các ngân hàng thương mại. Vào những tuần cuối của tháng 12, lãi suất huy động đã hạ nhiệt mang đến cơ hội giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại.
Theo số liệu cập nhật mới đây, đến ngày 21-12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ. Như vậy hạn mức tín dụng vẫn còn nhiều.
Còn tại riêng tại TPHCM, tín dụng ước tăng 14% so với cuối năm 2021, tức ước riêng tháng 12 tăng đến gần 1,4 điểm phần trăm, với ước tính khoảng gần 70% chảy vào các lĩnh vực sản xuất.
Chia sẻ bên lề cuộc họp báo triển khai kế hoạch ngành ngân hàng mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM, đánh giá con số tăng trưởng này cũng cho thấy dòng vốn chảy vào nền kinh tế rõ rệt hơn sau động thái nới room tín dụng và đồng thuận giảm lãi suất vừa qua.
Giữa tháng 12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát động chương trình đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tiền gửi và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng hội viên đồng thuận áp lãi suất huy động không quá 9,5%/năm tại tất cả kỳ hạn (đã bao gồm các khoản khuyến mại), đồng thời giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-2 điểm phần trăm tùy đối tượng và tập trung vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên.
Thông tin ngay sau đó cho thấy có khoảng 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng, mức lãi suất giảm 0,5-3 điểm phần trăm. Hiện nhiều ngân hàng đã giảm mức lãi suất huy động niêm yết, công bố các gói cho vay với lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh việc công bố tăng hạn mức tín dụng hồi đầu tháng 12 lên thêm 1,5-2%, các biện pháp hành chính cũng được giới quản lý thực hiện. “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này”, văn bản của Ngân hàng Nhà nước mới đây yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính và các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay.
Những động thái này cho thấy giới quản lý đang quyết liệt trong việc “dập tắt” kỳ vọng lãi suất tăng cao. Trước đó, mặt bằng lãi suất huy động trên 12 tháng thậm chí còn lên đến 11,5%/năm, có những khoản vay cá nhân được điều chỉnh lên gần 15%/năm theo đà tăng của lãi suất huy động.
Quyết liệt là thế nhưng khả năng đẩy vốn đến đâu và lãi suất ra sao vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong khi nhu cầu vốn cuối năm đang tăng cao theo mùa vụ, không phải người dân hay doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn.
Một trong những lý do là vì sức khỏe tài chính và khẩu vị khác nhau ở các nhà băng, nên không phải ngân hàng nào cũng sẽ giảm như nhau. Mặt khác, các lãnh đạo cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại luôn khẳng định rằng sẽ không thể giảm chuẩn cho vay.
Bên cạnh nguyên nhân ngân hàng từ chối giải ngân, mặt bằng lãi suất vẫn còn là một thách thức lớn, cộng thêm những lo ngại về tương lai khiến nhu cầu vay của thị trường giảm đi là điều có thể nhận thấy.
Theo ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ tại toạ đàm về vốn ngoại vào trung tuần tháng 12 vừa qua, câu chuyện hiện nay là nhiều cá nhân và doanh nghiệp giảm nhu cầu vay, vay để làm gì và tại sao phải vay ở lúc này. “Trừ khi chúng ta có những dự án, chúng ta có những kế hoạch kinh doanh. Nếu chúng ta thấy kế hoạch kinh doanh chưa khả quan thì chúng ta phải phòng thân một chút”, vị này chia sẻ.
Còn tại tọa đàm Dự báo Kinh tế – Vượt “cơn gió ngược” 2022 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng ở thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đang lập kế hoạch sẵn sàng về chỉ tiêu và chỉ chờ tháng đầu năm được cấp hạn mức tín dụng mới là lập tức giải ngân, nhất là giải ngân cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quí 2-2023. “Vấn đề lãi suất, tín dụng cuối năm nay sẽ được dần tháo gỡ vào năm sau”, ông Hiển nhận định.
Kỳ vọng mong manh của người mua nhà
Những thông tin về một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay khiến nhiều người lạc quan về việc tiếp cận tín dụng mua nhà. Số khác cho rằng những chính sách giảm lãi vay chỉ diễn ra nhỏ lẻ, chưa phải xu hướng, nên kỳ vọng vào việc giảm giá nhà do thanh khoản yếu.
Chị Bích Hiền (quận Gò Vấp) cho biết đã phải hoãn kế hoạch mua nhà gần nửa năm do lãi suất vay liên tục tăng cao, thông tin mới từ phía ngân hàng thắp lại hy vọng trong chị về việc sớm có chốn an cư.
Gần đây đã xuât hiện nhiều dự án bất động sản đưa ra các chương trình khuyến mãi bằng chiết khấu lớn để kích cầu. Nhưng giá trị tuyệt đối của sản phẩm nhà ở vẫn cao nên muốn mua vẫn phải vay ngân hàng. Sau thông tin nới room tín dụng, rồi tới nay là giảm lãi vay nên chị cũng ít nhiều kỳ vọng.
Làm việc với ngân hàng thời gian qua, chị Hiền được biết các khoản vay mua nhà vẫn có cơ hội được duyệt nhưng khách hàng phải chấp nhận rủi ro về lãi thả nổi tăng cao sau khi hết thời gian ân hạn. Tuy nhiên việc phê duyệt hồ sơ cũng khắt khe hơn trước, tùy thuộc vào dự án, sản phẩm mà khách hàng lựa chọn.
“Cơ hội để tôi được tiếp cận khoản tín dụng với lãi suất tốt cuối năm cũng chưa rõ ràng, nhưng tin rằng chính sách giảm lãi suất là tín hiệu về việc xu hướng tăng sẽ đảo chiều trong thời gian tới”, chị Hiền cho hay.
Tuy nhiên dưới góc nhìn chuyên gia thì việc các ngân hàng có động thái giảm lãi suất chỉ diễn ra nhỏ lẻ, không phải là xu hướng chung. Do chính sách nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng áp dụng có chọn lọc nên mỗi ngân hàng sẽ có một phương án phân bổ nguồn tiền được bổ sung khác nhau.
Trả lời báo chí mới đây, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, các ngân hàng sẽ không áp dụng giảm lãi vay đại trà mà chỉ hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất/ kinh doanh ưu tiên các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.
Do đó ông Thịnh cho rằng không có nhiều niềm tin về việc người mua bất động sản sẽ được hưởng lợi từ các chính sách giảm lãi vay nhỏ lẻ này. Những người có nhu cầu vay ngân hàng để mua nhà nên chờ đợi thêm một thời gian nữa để có diễn biến rõ ràng hơn.
Một ý kiến cũng được nhiều người ủng hộ đó là thời điểm lãi suất giảm, việc tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn thì các chủ đầu tư sẽ giảm các chính sách ưu đãi, chiết khấu, khi đó người có nhu cầu có thể vay mua nhà nhưng sẽ phải gánh khoản nợ lớn.
Thậm chí, khi tiếp cận dược khoản vay thì nhiều người cũng phải dễ đối diện với mức độ rủi ro cao hơn khi lãi suất thả nổi sau thời hạn ưu đãi. Việc chi trả khoản vay mua nhà sẽ diễn ra trong thời gian dài, trong khi lãi suất lại biến động liên tục nên khó lường trước được các tình huống có thể diễn ra, có nguy cơ vỡ kế hoạch tài chính.Nhiều người cho rằng thay vì trông chờ lãi suất thì nên theo dõi xu hướng giảm giá nhà trực tiếp của các chủ đầu tư để quyết định mua nhà đúng lúc.
Có thể tín hiệu giảm lãi suất mang lại tâm lý lạc quan cho các khoản vay mua nhà mới còn nhiều người đang các khoản vay cũ thì dấu hiệu tích cực vẫn chưa tới. Theo chị Quỳnh Trang (thành phố Thủ Đức), với khoản vay mua nhà của ngân hàng TPBank kể từ tháng 9 đến nay lãi suất đã tăng 4% (11% lên 15%) sau 3 đợt tăng lãi suất liên tục.
“Chỉ trong thời gian ngắn mức tăng lãi suất cao như vậy trong khi thu nhập ngày càng thu hẹp khiến tôi phải chật vật trong các phương án trả nợ. Tôi cũng trông chờ vào thông điệp kiểm soát đà tăng lãi suất của NHNN mới đây sẽ giúp lãi vay đảo chiều. Nhưng đà tăng đợt vừa rồi quá cao có lẽ mức giảm cũng khó trở lại mặt bằng trước đây”, chị Trang cho hay.
Các chính sách về lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ sở để các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay. Vời những động thái của Ngân hàng Nhà nước mới đây, nhiều chuyên gia nhận định đà tăng của lãi suất vay chung sẽ có khả năng chững lại và đảo chiều vào tháng 3-2023.
Song Dũng
TBKTSG