Tiếng sóng bủa ghềnh của dì Bảy Huệ

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 01:41:57

Chiếc áo bà ba, mái tóc bạc trắng, gương mặt hồng hào, nụ cười hiền hậu là hình ảnh nhiều người bật nhớ ngay khi nhắc đến dì Bảy Huệ - Ngô Thị Huệ.

Dì Bảy Huệ - Ngô Thị Huệ - Ảnh tư liệu

Nhưng ấn tượng nhất là ánh mắt long lanh, cử chỉ mạnh mẽ, giọng nói sang sảng của bà khi đứng phắt lên từ chiếc xe lăn, kể cho đám trẻ xung quanh nghe những ngày cách mạng.

"Mục đích cuối cùng của cách mạng là công bằng, là dân giàu nước mạnh, là hạnh phúc cho mỗi người", cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người bạn đời của bà, từng nói vậy, không phải trong những cuộc họp đại hội Đảng mà là trong những cuộc trò chuyện vợ chồng, những lá thư Nam - Bắc. Họ đã gặp nhau, yêu nhau và cùng nhau đi qua cuộc đời trong lý tưởng ấy.

Nhưng với bà Bảy Huệ, bà đã chọn mục đích vì con người cho đời mình trước khi biết đến cách mạng rất lâu.


Cô Bảy kiên định

"Ngày nhỏ tôi ăn chay trường, lên núi Cấm vào chùa cầu nguyện, rồi sau này lại vào Thánh thất Cao Đài gần nhà. Ngày đêm tôi chỉ mong cầu một ước nguyện là làm sao cho má, cho gia đình, bà con xung quanh hết nghèo, bớt khổ.

Tiếng gọi ấy luôn rì rầm trong tôi như tiếng sóng bủa ghềnh", bà luôn bắt đầu câu chuyện như vậy và cũng đã dành nhiều trang hồi ký để kể về tâm tưởng muốn cống hiến vì mọi người của cô bé Bảy Ngỡi năm xưa trên cánh đồng miệt Mỹ Quới, Sóc Trăng.

Tâm nguyện ấy đã dẫn cô đến với lý tưởng của Đảng Cộng sản thật sớm, nhanh chóng trở thành một đảng viên nhiệt thành trên con đường đi tìm công bằng, hạnh phúc mọi người.

"Bà là người kiên định, rất kiên định với con đường mình đã chọn, chưa bao giờ có một phút nao núng từ ngày được giác ngộ cho đến cuối đời", bà Nguyễn Thế Thanh, một "đứa con miền Nam" thân thiết của dì Bảy, nhận định.

Từ ngày dì Bảy được giác ngộ - kết nạp Đảng ấy đến nay là 87 năm. 87 năm bà đi cùng Đảng qua những bước thăng trầm, để sau này ánh mắt hơn trăm tuổi vẫn cứ mãi long lanh sự nhiệt thành, tin tưởng khi kể chuyện cho đám trẻ.

Bắt đầu làm cách mạng từ cái nghề mà má cho đi học để mưu sinh, làm một cô thợ may, thợ thêu quanh xóm làng, cô Bảy tích góp từng cắc dành đóng góp "để các anh ấy mua xu xoa, mua giấy về in ấn tài liệu".

Những buổi họp, cô cố gắng nhớ từng bài giảng, thuộc từng bài thơ để đi tìm những người đồng cảnh, đồng ý hướng tuyên truyền, mở rộng cơ sở.

Đời tiến bộ có tay phụ nữ
Đời đau thương hỏi thử ai không?
Thế mà trăm cái bất công
Bấy lâu nữ giới thật không ra gì?!
Chị em hỡi dại chi chịu trói
Mình hãy mau tự cởi cho mình
Những trò bình đẳng trá hình
Tự do giả tạo, chúng mình đập tan

Đến với Đảng hồn nhiên như vậy nhưng lý tưởng vì con người thì đã ở trong tim từ rất lâu. Có vậy nên cô thôn nữ đã có gan từ chối cuộc hôn nhân được cả gia đình lẫn tổ chức sắp đặt để kịp chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Có vậy nên da thịt con gái đã chịu được đòn roi tra khảo, vượt qua được cả món tra tấn bằng hàng ngàn con kiến lửa. Có vậy nên trong tù ngục, cô Bảy đã thêu tấm khăn gửi người lãnh đạo - đồng chí đã hứa hôn với mình: "Đã trót chung vai thờ lý tưởng/ Bao nài tử biệt với sanh ly/ Mưu cho nhân loại đầy vui sướng/ Hạnh phúc riêng chờ để một khi...".

Ngày ấy cô Bảy còn trẻ lắm. Vị hôn phu mà cô thương kính chứ chưa kịp yêu cũng bị tử hình. Nhưng cô đã không một phút nao núng, ngược lại, cuộc thử lửa càng nung nấu thêm lòng tin lý tưởng.

87 năm, bà Bảy Huệ sắt son kiên định đi với Đảng từ trong bóng đêm cho đến ngày rạng rỡ, đồng hành với ông Mười Cúc từ lúc ông được đón về từ xà lim Côn Đảo cho đến khi ông trở thành Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Trải qua bao vị trí công tác, những ngày nghỉ hưu lại là những ngày bà thực hiện được nhiều điều nhất cho "tiếng sóng bủa ghềnh" của đời mình.

Rời khỏi Ban Tổ chức Trung ương, bà về TP.HCM lập tổ sử để viết sử, tổng kết phong trào phụ nữ Nam Bộ. Từ tổ sử này mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã hình thành, được xây dựng và phát triển.

Trên đường rong ruổi tìm lại nhân chứng lịch sử, về lại những khu hoạt động xưa, cuộc sống vẫn còn nghèo, vẫn còn khó của người dân lại tiếp tục day dứt bà.

Không thể ngồi cầu nguyện như cô bé Bảy Ngỡi khi xưa, bà đứng ra vận động để sáng lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Bệnh viện miễn phí An Bình... với những hoạt động thiết thực hiệu quả, phục vụ người nghèo đến hôm nay.

Dì Bảy Huệ trong một buổi họp mặt nhân chứng lịch sử năm 2015 - Ảnh: TỰ TRUNG


Dì Bảy bao dung

"Tôi không thể ngờ bà bình dị đến thế", nhà văn Trầm Hương nhắc lại ấn tượng đầu tiên dì Bảy để lại cho chị. Ngày nhận công tác về Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Trầm Hương đã "nghe đồn" người sáng lập chính là phu nhân đương kim Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Chị cầm quyết định rụt rè đến "ra mắt", lòng không mấy trông đợi một cuộc gặp suôn sẻ.

"Tôi đi vào, bảo tàng phía bên ngoài còn xây dựng ngổn ngang chưa hoàn thiện, vào bên trong không thấy ai. Đi ra phía sau, thấy một người phụ nữ cao cao, mặc bộ bà ba, đang xắn tay áo, lui cui rửa bộ ly tách. Tôi đến hỏi phòng dì Bảy Huệ. Bà cười: Tôi là Bảy Huệ đây, cô chờ xíu, tôi vừa tiếp khách, rửa bộ ly cho xong kẻo bể".

Từ đó Trầm Hương đồng hành với bà trên chặng đường đi tìm lại những bà má, người chị, những câu chuyện đời đã góp tay vào lịch sử.

"Được đi làm sử với dì Bảy, một nhân chứng lịch sử từ ngày đầu thì còn gì bằng. Nhưng điều đọng lại sâu sắc nhất trong tôi là sự bao dung, rộng lượng của bà. Cuộc đời trải qua nhiều đau đớn, nên bà rất chia sẻ, cảm thông với những nỗi niềm phụ nữ.

Có lúc tôi bị nhiều người nói ra nói vào, lúc tôi có con không hôn nhân, bà rất lo lắng - không phải xét nét mà lo sợ tôi không nuôi nổi con, không đảm đương nổi vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha. Đến khi thấy con tôi được nuôi nấng ăn học đàng hoàng, bà vui, mừng cho tôi lắm", Trầm Hương tâm sự.

Vì vậy sáng nay nghe tin bà ra đi, dù bà đã hưởng tuổi trời 105 năm, chị vẫn nghẹn ngào.

"Dì Bảy là người tình cảm, vô cùng tình cảm", bà Thế Thanh nhắc nhớ. Những năm tháng làm ở Vụ Tổ chức cán bộ tại Hà Nội thời chiến tranh và đến cả sau này, dì Bảy Huệ vẫn là người mà nhiều học sinh miền Nam trên đất Bắc tìm đến tâm sự mỗi khi có bức bối trong lòng, hay có khi chỉ là mè nheo chút tình cảm gia đình.

"Bà luôn rộng cửa, rộng lòng, và lúc nào cũng bao dung, vị tha với những vấp váp, có khi còn là sai lầm trong đường đời của những đứa con "ngang hông" này. Bà bảo làm cách mạng chúng ta có thể vị tha với cả đối phương, thì sao lại không bao dung được đồng đội? Miễn là tất cả chúng ta vẫn trên con đường tới tương lai tốt đẹp cho mọi người".

Dì Bảy Huệ là như vậy đó!


Biểu tượng đẹp

"Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, chị Bảy Huệ giữ nhiều trọng trách khác nhau, nhưng không ai thấy chị so đo hơn thiệt. Chị đã dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lợi ích cộng đồng không biết mệt mỏi, đặc biệt đến tận giờ, ở cái tuổi quá "cổ lai hy" của chị.

Dì Bảy Huệ và tấm ảnh của mình tại triển lãm ảnh ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ năm 2012 - Ảnh: THANH ĐẠM

Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trong gia đình, chị là người vợ, người mẹ, người chị tuyệt vời, đối với bạn bè đồng chí chị rất mực quý mến. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam Bộ, phụ nữ Việt Nam".

VÕ VĂN KIỆT

(trích lời tựa hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh - Ngô Thị Huệ)


Tuổi trời 105


Bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ) - cán bộ lão thành cách mạng, huy hiệu 85 năm tuổi Đảng, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã từ trần lúc 20h ngày 5-6-2022. Đại thọ 105 tuổi.

Tang lễ: tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM).

Lễ viếng: lúc 9h ngày 7-6.

Lễ truy điệu: lúc 8h ngày 9-6. An táng tại Nghĩa trang TP.HCM.

Bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Nguyễn Thị Nhiên) - cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - đã từ trần lúc 20h ngày 5-6-2022.

Chia sẻ Facebook