Tiếng hét của Trương Phi mạnh cỡ nào? Đẩy lui vạn quân địch và sự thật Tào Tháo không ngờ

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 01:43:38

Rốt cục tiếng hét của Trương Phi mạnh cỡ nào mà có thể khiến mãnh tướng của Tào Tháo vỡ mật mà chết, đồng thời đẩy lui được hàng vạn quân địch?


Trong Tam Quốc, bên cạnh các mưu sĩ, quân sư, võ tướng được coi là trang bị cần phải có trên chiến trường. Cả ba thế lực mạnh nhất Tam Quốc là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô đều cố gắng chiêu mộ không ít binh hùng, tướng mạnh để thực hiện tham vọng thống nhất thiên hạ.

Ngoài những cuộc đấu trí căng thẳng với nhiều mưu kế có thể lật ngược thế cờ, những trận giao đấu giữa các mãnh tướng kiêu hùng trước hàng vạn quân địch luôn là chủ đề có sức hấp dẫn rất lớn trong Tam Quốc.

Trương Phi - kẻ thù của vạn người


Trong Tam Quốc diễn nghĩa , có không ít mãnh tướng có khả năng đơn đả độc đấu. Trương Phi, mãnh tướng của Lưu Bị, là một ví dụ điển hình. Hình tượng của Trương Phi có thể nói là kẻ thù của vạn người khi sử dụng vũ khí là bát xà mâu, cưỡi ngựa Ô Vân Đạp Tuyết.

Trương Phi được coi là kẻ thù của vạn người.


Tam Quốc diễn nghĩa có mô tả về Trương Phi: " Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én..., lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi ".

Theo ghi chép trong lịch sử, Trương Phi, thường được gọi là Dực Đức, là người Trác Quận, nay là Trác Châu, Bảo Định, thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, làm nghề bán rượu, Trương Phi có thân hình to lớn và dung mạo oai phong.

Văn, võ tuy là hai chuyện khác nhau, nhưng Trương Phi lại được học cả sách vở và võ nghệ. Ông được coi là một vị tướng văn võ song toàn. Trương Phi có khả năng viết chữ rất đẹp và có sở trường vẽ tranh, đặc biệt là tranh mỹ nhân.


Theo Tam Quốc chí , Trương Phi tuy nóng nảy nhưng được đánh giá là đại sự có kế, mưu lược hơn người.

Trương Phi từ khi còn trẻ đã gặp gỡ và kết giao với Lưu Bị và Quan Vũ. Cả ba rất thân thiết với nhau. Trương Phi và Quan Vũ là hai trong số những mãnh tướng mạnh nhất theo phò tá Lưu Bị xây dựng cơ nghiệp và hướng tới mục tiêu phục hưng Hán thất, thống nhất thiên hạ.

Trong cuộc đời lẫy lừng của mình, Trương Phi từng có cơ hội đơn đả độc đấu với không ít mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc, trong đó có thể kể đến trận đấu với Lã Bố ở Hổ Lao quan năm 190.

Trương Phi và Lã Bố đã đánh hơn 50 hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại. Quan Vũ bấy giờ đứng ngoài thấy thế nên cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao phi ngựa đến cùng đánh. Cả ba đánh tiếp 30 hiệp mà Quan Vũ, Trương Phi vẫn chưa hạ được Lã Bố. Sau cùng, Lưu Bị cũng cầm song kiếm thúc ngựa phi vào cùng đánh. Tuy nhiên, Lã Bố đã nhanh chóng mở góc của trận và phi ngựa chạy thoát. Điển tích này được gọi là "Tam anh chiến Lã Bố".

Thành tích của Trương Phi trên chiến trường rất hiển hách. Ngay từ khi tham chiến, Trương Phi đã hạ gục được rất nhiều võ tướng.


Thậm chí, trong Tam Quốc diễn nghĩa , Trương Phi khiến Hạ Hầu Kiệt vỡ mật mà chết chỉ với một tiếng hét. Có lẽ Trương Phi cũng chính là nhân vật duy nhất trong Tam Quốc có thể giết chết tướng địch chỉ bằng một tiếng hét.

Vậy tiếng hét của Trương Phi mạnh cỡ nào và sự thật có thể đẩy lui hàng vạn quân Tào ra sao?

Tiếng hét của Trương Phi có sức mạnh ra sao?


Trước tiên, cần phải biết về bối cảnh nơi Trương Phi hét lên đầy uy lực như trên. Cụ thể, năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân tấn công Kinh Châu. Con trai của Lưu Biểu là Lưu Tông đầu hàng.

Trong khi đó, do chống đỡ không nổi với đại quân của Tào Tháo, Lưu Bị thất bại nặng nề nên phải tháo chạy, thậm chí còn phải bỏ cả gia quyến. Tuy nhiên, Tài Tháo dẫn đại quân đi truy kích và đuổi kịp Lưu Bị tại Đương Dương – Trường Bản. Lúc bấy giờ, Lưu Bị đã sai Trương Phi dẫn theo 20 kỵ binh đi chặn hậu ở cầu Trường Bản để ngăn cản quân Tào truy đuổi.

Trương Phi đã chọn đầu cầu Trường Bản vì đây là nơi có địa thế thuận lợi cho việc quan sát tình hình quân địch. Sau đó, Trương Phi cũng bố trí cho 20 kỵ binh của mình mai phục ở phía sau.


Khi các tướng lĩnh của Tào Tháo nhìn thấy Trương Phi đứng trên cầu nên không ai dám manh động. Thậm chí ngay cả Hạ Hầu Đôn, Hứa Chử, Nhạc Tiến, Trương Cáp và các võ tướng có khả năng đơn đấu khác của Tào Tháo cũng không dám tiến lên phía trước. Sau đó, Trương Phi hét lớn: " Ta là Trương Dức Đức, người nước Yên. Ai dám cùng ta quyết trận tử chiến ".

Trương Phi đơn thương độc mã trên cầu Trường Bản để chặn đại quân Tào.

Tiếng hét của Trương Phi to như tiếng sấm khiến quân Tào nghe thấy đều run sợ. Sau đó, Trương Phi tiếp tục quát lớn và không ngờ khiến Hạ Hầu Kiệt, một võ tướng đang ở bên cạnh Tào Tháo sợ chết khiếp. Hứa Chử, Hạ Hầu Đôn cùng hàng vạn quân Tào thấy vậy liền không dám tấn công và cuối cùng phải rút lui. Cũng chính nhờ có Trương Phi chặn hậu mà Lưu Bị và các thủ hạ khác có thể chạy thoát thân.

Vậy sự thật về sức mạnh tiếng hét của Trương Phi là gì? Hóa ra, sở dĩ tiếng hét của Trương Phi không những có thể khiến một tướng Tào vỡ mật mà chết mà còn đẩy lui được hàng vạn quân, là vì 3 nguyên nhân sau đây.

Vì sao Trương Phi đẩy lui hàng vạn quân địch?

Bản lĩnh của Trương Phi khiến quân địch phải kiêng dè.


Thứ nhất, Trương Phi không hề sợ hãi, thậm chí còn có kế nghi binh.

Trương Phi khi đó một mình đứng trên cầu Trường Bản, đối mặt với đại quân hàng vạn người cùng nhiều tướng lĩnh của Tào Tháo mà không hề tỏ ra sợ hãi. Chính sự tự tin này của Trương Phi khiến Tào Tháo nghi ngờ.

Theo tính cách đa nghi của Tào Tháo, Trương Phi dám đứng ở đây một mình thì ắt hẳn phải có rất nhiều binh lính mai phục chờ sẵn. Tào Tháo cũng là người giỏi quan sát nên đương nhiên không dám manh động mà dễ dàng tiến quân. Hơn nữa, trước khi một mình đứng ở đầu cầu Trường Bản, Trương Phi cũng ra lệnh cho 20 kỵ binh buộc những cành cây vào đuôi ngựa và cho phi ngựa chạy sau rừng. Đây là cách nghi binh để đánh lừa quân Tào.


Thứ hai, Trương Phi có võ nghệ cao cường nên các võ tướng xung quanh Tào Tháo lúc bấy giờ khó lòng địch nổi. Võ lực với khả năng địch vạn người của Trương Phi không còn là điều phải bàn cãi. Bởi trước đó, Trương Phi từng đơn đả độc đấu với "chiến thần" Lã Bố trong nhiều hiệp mà vẫn không phân thắng bại. Thử hỏi tướng của Tào Tháo có mấy người có được khả năng như vậy?

Hơn nữa, ngay sau khi Trương Phi hét lớn, Hạ Hầu Kiệt cũng phải bỏ mạng, thấy vậy nên quân Tào đương nhiên cũng run sợ. Những tướng lĩnh hàng đầu như Hứa Chử, Trương Liêu cũng không dám lao tới.

Nếu như các tướng sĩ xung quanh biết được bản lĩnh của Trương Phi, thì Tào Tháo lại càng biết rõ về khả năng của mãnh tướng này. Năm xưa, khi Quan Vũ chém Nhan Lương, Văn Xú, Tào Tháo khen ngợi Quan Vũ là kẻ thù của vạn người. Nhưng Quan Vũ lúc bấy giờ lại khiêm tốn và cho rằng võ công của ông còn kém Trương Phi một chút. Đối với Quan Vũ, Trương Phi mới thực sự là kẻ thù của vạn người.

Tam Quốc diễn nghĩa

Ta mới nhớ lời Vân Trường (tức Quan Vũ) nói khi trước rằng Trương Dực Đức ở trong đám quân trăm vạn mà lấy đầu thượng tướng dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật. Nay gặp gỡ không nên khinh địch

Tào Tháo nghi ngờ có mai phục đằng sau Trương Phi trên cầu Trường Bản.


Thứ ba, sau khi Gia Cát Lượng xuất sơn, Tào Tháo không dám coi thường Lưu Bị.

Trước khi được Gia Cát Lượng phò tá, tuy Lưu Bị có Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân, nhưng trong các trận giao đấu với quân Tào Tháo vẫn thua nhiều, thắng ít. Tuy nhiên, kể từ sau khi Gia Cát Lượng xuất sơn, đồng ý phò tá Lưu Bị, không ít mãnh tướng trong đại quân của Tào Tháo đều lần lượt bị đánh bại.

Sau khi Tào Tháo biết tin Lưu Bị có nhân tài phò tá, đương nhiên trong mọi việc đều cẩn trọng hơn vì sợ rằng sẽ chịu thêm tổn thất. Nhìn thấy Trương Phi một mình đứng trên cầu Trường Bản, lại thêm có dấu hiệu bụi bay ở phía sau, Tào Tháo nhiều năm chinh chiến nên đương nhiên cho rằng không ai có thể ngốc đến mức một mình đứng đây chịu chết. Đằng sau Trương Phi ắt hẳn phải có quân mai phục.

Điều này Tào Tháo cho rằng chắc hẳn là mưu kế của Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Ngoài ra, tiếng hét vô cùng mạnh mẽ và tự tin của Trương Phi khiến Tào Tháo càng chắc chắn rằng có quân mai phục ở phía sau.

Tào Tháo nổi tiếng là người đa nghi và cẩn trọng. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của vị quân chủ này. Không ngờ, chỉ vì đa nghi mà Tào Tháo lại bỏ lỡ mất cơ hội tiêu diệt Lưu Bị và cuối cùng chọn cách rút lui. Đây quả là điều đáng tiếc.


Bài viết tham khảo nguồn: KKnews, Sohu, Baidu

Nếu Tào Tháo mạo hiểm đồng ý cho Hoa Đà mổ sọ, chuyên gia: Chỉ có kết cục này!

Chia sẻ Facebook