Tiếng dạ lời thưa
Cái sự bao dung và thấu hiểu, thấu hiểu hoàn cảnh, học thức và cả tâm tính của họ để thông cảm và tha thứ dường như đang mất dần theo tiếng dạ lời thưa…
Cách đây mấy năm, mình tình cờ đọc bài viết, “Đâu rồi tiếng dạ lời thưa” của chị Hoàng Xuân, nhớ tới giờ. Hồi nhỏ, việc này mình được ba mẹ dạy kỹ lắm, nói chuyện với người lớn hơn mà không dạ thưa là bị la, bị phạt, bị ăn đòn. Hầu như tất cả bọn trẻ con đều được dạy rất kỹ. Trước khi đi ra khỏi nhà là khoanh tay dạ thưa, khi đi về cũng khoanh tay dạ thưa. Đưa đồ vật gì cho ai phải đưa hai tay. Gặp đám tang phải bỏ nón… Đó là nét đẹp văn hóa cần phải giữ gìn.
Mấy năm đầu chơi facebook, viết blog, comment ở các blog, mình vẫn giữ văn hóa dạ thưa với người lớn tuổi. Nhưng vài lần mình phát hiện người mà mình vẫn hay dạ thưa khi đối thoại thật ra nhỏ hơn mình nhiều. Từ đó, biết tên tuổi rõ ràng mình mới dạ thưa, khi không biết thì mình xưng hô bạn-mình.
Rồi tranh luận, rồi tranh cãi, rồi nhiều người lớn mà không giữ tư cách của một người lớn, rồi nhiều người nhỏ mà không giữ phép tắc, rồi ngày càng nhiều bạn nên không còn kiểm tra để biết người lớn người nhỏ gì nữa, rồi đùa giỡn, trêu chọc… dần dần làm mình nhiều lúc viết bình luận trống không. Tiếng dạ lời thưa vắng dần. Đọc bài của chị Hoàng Xuân, giật mình, điều chỉnh được một thời gian, rồi giờ lại đâu vào đó.
Hôm trước, ông anh nói, “Dạ thưa em..” làm mình chợt ngộ ra. Ừ nhỉ, có quan trọng gì người mình thưa gởi là cô dì chú bác anh chị hay em? Em thì vẫn dạ thưa được chứ sao! Điều quan trọng là mình giữ được nền nếp, giữ chính mình là chính, tại sao lại sợ phải dạ thưa với người nhỏ tuổi hơn mình để rồi tự đánh mất cái hay, cái đẹp?!
Lại nhớ, hồi nhỏ, mình coi bà bác họ là kẻ thù vì bà hay mắng chửi mẹ mình vô cớ. Mẹ hiền, toàn đóng cửa chứ không phản ứng. Mình tức lắm nên đi đường gặp bà thì câng câng mặt không khoanh tay chào hỏi. Bà bác về réo mẹ ra mắng vốn.
Mẹ mắng mình. Mình phản ứng, “Tại sao mẹ phải nhịn khi bác tư toàn chửi sai? Con không chào.” Mẹ nói, “Bác tư sai với mẹ, nhưng bác tư là bác của con, điều đó không thể thay đổi chọn lựa, nên con vẫn là con cháu, là họ hàng, ruột thịt, không được phép hỗn.” “Nhưng mà bác tư sai.” “Ừ, bác tư sai, thời gian sẽ làm bác tư biết bác ấy sai. Mình đừng dùng cái sai này để đối với cái sai kia. Làm vậy là mình lại còn sai hơn cả người ta vì người ta không hiểu biết mà mình là người có hiểu biết.”
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Tiếng cảm ơn
Mời xem video :