Tiến sĩ Philipp Rösler: "Trở về Việt Nam là sứ mệnh" | VTV.VN
"Tôi đã từng có cơ hội đổi đời và bây giờ cơ hội đó là của 100 triệu người dân tại Việt Nam" - Tiến sĩ Philipp Rösler nói tại Talk Việt Nam số mới...
Sinh ra ở Việt Nam,
nuôi dạy ở Đức,
trở thành một trong những chính trị gia trẻ nhất của nước Đức,
đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại Thụy Sĩ,
cuối cùng lại trở về Việt Nam…
Tiến sĩ Philipp Rösler nói đó là sứ mệnh.
Sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng, Ba Xuyên nay là tỉnh Sóc Trăng, ông Philipp Rösler được viện mồ côi công giáo của nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux nuôi dưỡng. Khi được 9 tháng tuổi, một đôi vợ chồng người Đức nhận nuôi và đưa ông trở về Đức.
Trưởng thành trong gia đình có môi trường giáo dục bài bản, ông được đào tạo để trở thành bác sỹ quân y theo nghiệp của bố nuôi, một sỹ quan quân đội. Với khả năng và quyết tâm to lớn, ông Rösler đã trở thành Bộ trưởng Nội các và Phó Thủ tướng gốc Á đầu tiên của nước Cộng hòa Liên bang Đức. Ông cũng là người trẻ nhất đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức.
Mặc dù Philipp Rösler đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính phủ và cơ quan khác nhau, số phận đó luôn đưa ông trở về nơi ông sinh ra, đó là Việt Nam. Và dần dần, số mệnh ấy đã trở thành trách nhiệm, một lời cam kết sẽ đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Vậy những câu chuyện đằng sau cuộc hành trình đặc biệt ấy là gì? Cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Philipp Rösler, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại tiểu bang Zürich và Zug của Thụy Sĩ, dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều hơn.
Chia sẻ trong cuộc trò chuyện tại Talk Việt Nam, nói về cương vị Lãnh sự danh dự Việt Nam tại tiểu bang Zürich và Zug của Thụy Sĩ mình đảm nhận, Tiến sĩ Philipp Rösler nói: "Tôi thực sự rất vinh dự khi được đảm nhiệm cương vị này bởi trách nhiệm của tôi giờ đây là hỗ trợ tất cả người Việt sống tại Thụy Sĩ mà chủ yếu là tại hai tiểu bang Zug và Zurich. Họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ tôi nếu họ gặp khó khăn về thủ tục hành chính hoặc hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, tôi còn giúp thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.
Tôi đã được bổ nhiệm vị trí này vào năm ngoái và đó cũng chính là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Đó là một dấu mốc rất quan trọng và tôi hy vọng rằng mình có thể xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Thụy Sĩ và Việt Nam".
"Tôi quyết định đây là số phận của mình".
Tiến sĩ Philipp Rösler
Vậy lý do nào khiến ông quyết định đảm nhận cương vị này?
- Như bạn đã nói thì tôi sinh ra ở Việt Nam và có cơ hội được lớn lên và sinh sống ở Đức. Và tôi nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm trao lại cơ hội cho thế hệ kế cận.
Tôi đã đến Việt Nam nhiều hơn bao giờ hết. Tôi đã tiếp xúc với cộng đồng khởi nghiệp, với ngành công nghiệp và cả với những chính trị gia, và tôi nhìn thấy được cơ hội phát triển cho đất nước này. Tôi như đã được truyền cảm hứng trong quá trình tốt đẹp đó. Người dân Việt Nam rất cởi mở và tốt bụng, điều đó đã thực sự làm tôi cảm động. Vì vậy tôi quyết định đây là số phận của mình! Số phận của tôi là phải hỗ trợ người dân nơi đây. Tôi đã từng có cơ hội đổi đời và bây giờ cơ hội đó là của 100 triệu người dân tại Việt Nam.
Bây giờ hãy quay ngược thời gian trở về thời thơ ấu của ông. Ông đã được nhận nuôi bởi cha mẹ là người Đức phải không? Họ có nói với ông rằng ông là người gốc Việt không?
- Bố mẹ tôi lúc đó đã có hai người con gái và tôi coi họ như chị gái ruột của mình. Tuy nhiên, bố mẹ tôi đã ly hôn khi tôi mới 4 tuổi và từ đó tôi sống với bố. Tôi nhớ rằng khi mình 6 tuổi, bố tôi đã đưa tôi ra đứng trước gương cạnh ông ấy và nói rằng tôi và ông ấy trông khác nhau, từ mắt đến mũi nhưng ông ấy không quan tâm đến chuyện đó và chỉ cần tôi biết ông ấy là bố tôi là được rồi. Kể từ đó, tôi đã hiểu rằng mình là con nuôi và tôi cảm thấy không có vấn đề gì với chuyện đó cả.
Vậy ông ở với bố và hai chị ở với mẹ?
- Đúng vậy.
Khi đó cha tôi là một phi công lái máy bay trực thăng trong quân đội. Cũng giống như bao quân đội khác trên thế giới, ông phải di chuyển khắp nơi trên đất nước. Cũng vì thế mà tôi đã lớn lên trong các khu quân sự và không khó khăn gì để quyết định theo nghiệp bố là gia nhập quân đội Đức. Tôi cũng muốn trở thành phi công lái máy bay trực thăng và đã bắt đầu luyện tập từ đó.
Ông biết lái máy bay trực thăng ư?
- Không phải máy bay trực thăng nhưng tôi có một vài bằng lái máy bay tư nhân siêu nhẹ. Tôi bắt đầu con đường này từ năm 14 tuổi. Đó là niềm đam mê từ thuở đi học của tôi, từ trước khi tôi đam mê chính trị. Và sau đó tôi quyết định gia nhập quân đội. Tuy nhiên bạn chỉ có thể trở thành kỹ sư hoặc bác sĩ rồi sau đó mới được trở thành phi công. Hồi đó chỉ có hai bác sĩ sẽ được đào tạo thành phi công trong cả một quân đội lớn và tôi quyết định mình sẽ trở thành một trong hai người bác sĩ mà kiêm cả phi công đó.
Cuối cùng thì tôi được đào tạo trở thành một bác sĩ thông thường nhiều hơn là một bác sĩ trên máy bay trực thăng. Tuy nhiên, quá trình đó đã thực sự rèn luyện được cho tôi tính kỉ luật, sự chăm chỉ và cả tính kiên trì nữa.
Vậy con đường trở thành bác sĩ của ông có gặp nhiều khó khăn không bởi tôi biết sinh viên ngành y luôn phải học tập không ngừng nghỉ?
- Có chứ, bạn phải học rất nhiều và việc đó không hẳn là nhàm chán nhưng cũng khá đều đều. Và việc đó đã khiến tôi bị bỏ lỡ nhiều cuộc thảo luận và hội đàm thú vị. Vì vậy tôi quyết định tìm hiểu song song những nghiên cứu về lịch sử và triết học, và tôi làm điều này trong vòng hai năm trước khi tôi thực sự đi sâu hơn vào con đường chính trị. Tôi đã tham gia vào nhiều cuộc thảo luận về lịch sử còn triết học thì không quá nhiều. Con đường trở thành một bác sĩ với tôi cũng khá là khó khăn.
Tôi có bằng tiến sĩ về phẫu thuật tim và sau này tôi còn muốn trở thành bác sĩ nhãn khoa nữa. Vì vậy tôi vừa có thể thực hiện phẫu thuật mắt hoặc chỉ đơn giản là khám mắt cung cấp dược phẩm, điều trị đặc biệt và kính mắt nữa. Nhưng bạn biết đấy, sau đó tôi tham gia con đường chính trị và rời khỏi quân đội cũng như lĩnh vực y học.
Ông có thể chia sẻ với chúng tôi những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp chính trị của mình được không?
- Có lẽ điều quan trọng nhất thúc đẩy sự đam mê của tôi với chính trị là khả năng lãnh đạo. Tôi không chỉ là một bác sĩ mà còn là một bác sĩ quân y, điều này đã giúp tôi rèn luyện nhất nhiều khả năng lãnh đạo của mình. Lúc đó tôi đã quyết định chính trị là niềm đam mê của mình và tôi đã vừa học vừa hoạt động trong các tổ chức chính trị thanh niên suốt thời đại học.
Chúng tôi đã trải qua thời kỳ khó khăn khi là một đảng bên ngoài quốc hội, và sau đó tôi quyết định tham gia vào tổ chức chính trị thanh niên để gia nhập đảng Dân chủ Tự do (FDP). Sau này tôi trở thành Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do mà đối với tôi khá là giống một vị giám đốc điều hành về chính trị. Tôi và ngài chủ tịch lúc bấy giờ đã thành công đưa Đảng quay trở lại ghế quốc hội của tiểu bang sau 9 năm vắng bóng. Và ngay lập tức tôi trở thành chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng trong nghị viện. Tôi đã dẫn đầu chính quyền liên minh cùng với người đồng cấp của tôi trong liên minh. Và sau đó cố vấn của tôi là ngài Chủ tịch Đảng lúc bấy giờ nói rằng đã đến lúc để tôi làm Chủ tịch.
Nhưng để trở thành Chủ tịch của một Đảng thì trước hết tôi phải trở thành Bộ trưởng của tiểu bang đã. Đảng của chúng tôi hướng tới thúc đẩy tự do về kinh tế-xã hội, cho nên cố vấn của tôi có nói với tôi rằng ông sẽ giúp tôi trở thành chủ tịch kế nhiệm nếu tôi muốn nhưng để làm được điều đó tôi phải trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế của tiểu bang đã. Và rồi tôi không hẳn là đã được đào tạo để trở thành Bộ trưởng vì vị trí này khó mà có thể đào tạo được mà tôi đã được kết nối với tất cả các cộng đồng khác nhau trong nền kinh tế và trong tiểu bang địa phương. Ví dụ như tiểu bang của tôi sở hữu 20% cổ phần của hãng xe Volkswagen nên tôi phải có kiến thức về sản xuất xe hơi của Đức. Trong đà đó thì cố vấn của tôi nói rằng bây giờ lại phải thay đổi. Chúng tôi đã thắng trong chiến dịch tranh cử, lúc đó tôi đã là Chủ tịch của Đảng rồi nhưng cố vấn của tôi nói rằng giờ là lúc để tôi giữ chức Phó thủ hiến kiêm Bộ trưởng Kinh tế của bang. Và đó là sự khởi đầu của sự nghiệp chính trị của tôi ở mức độ trong bang.
Ông cũng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức đúng không?
- Đúng vậy. Sau khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang được 2 năm thì Đảng của chúng tôi bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Các thành viên lúc đó cho rằng cần phải có một sự thay đổi ở bộ máy cầm quyền và bạn biết đấy chúng tôi cũng không có nhiều lựa chọn và mọi người lại tin tưởng vào tôi. Sau đó tôi chuyển từ bộ trưởng Bộ Y tế sang bộ trưởng Bộ Kinh tế. Như tôi đã nói ở trên thì Đảng của tôi thường tập trung nắm các vị trí ở Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Bộ Kinh tế. Đó là những trụ cột chính của Đảng Dân chủ Tự do tại Đức.
Đó là những vị trí bộ trưởng rất quan trọng?
- Đúng vậy, trong khi đó thì Bộ trưởng Bộ Y tế thì không phải trụ cột của Đảng chúng tôi. Cũng giống như người cố vấn của tôi từng nói, để trở thành Chủ tịch của một Đảng Liên bang, tôi phải trở thành bộ trưởng Bộ Kinh tế. Lúc đó tôi đã từng là bộ trưởng Bộ Kinh tế của bang Lower Saxony rồi và tôi cũng rất thích ngành kinh tế, vì vậy tôi đã đồng ý trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ kiêm Phó Thủ tướng. Bởi vì đối tác của một đảng chiếm đa số trong liên minh sẽ nắm vai trò Phó Thủ tướng, lúc đó bà Angela Merkel đang giữ chức Chủ tịch Đảng CDU và là Thủ tướng, vì vậy tôi với vị trí là chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng.
Vậy khi còn là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ, ông có nhận định gì về nền kinh tế Việt Nam?
- Là Bộ trưởng, tôi nhận được rất nhiều lời cố vấn. Tôi còn nhận được một tệp tài liệu lớn trong đó có đầy đủ tất cả các dữ kiện kinh tế vĩ mô hay các con số GDP tính trên đầu người của các quốc gia. Trong quá trình nghiên cứu đó, tôi đã tìm hiểu được rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2012 rất sôi động, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng đầu không chỉ trong khối ASEAN mà thậm chí là toàn bộ châu Á. Điều đó đã thực sự hấp dẫn tôi. Các cố vấn ở bộ của tôi và các công chức cũng bị thực sự bị thuyết phục bởi điều này.
Trước khi thực hiện chuyến đi tới Việt Nam, tôi và những chuyên gia về Việt Nam cũng như khu vực ở trong bộ đã ngồi lại với nhau và bàn luận sôi nổi về quốc gia này. Đó là sự thật, họ đã nói về Việt Nam một cách rất đam mê và tôi chưa từng thấy điều này khi nói về các quốc gia khác. Tôi không tiện đề cập tên các quốc gia đó ở đây nhưng đó là một trải nghiệm rất thú vị đối với tôi. Và quả thực là khi đến tới Hà Nội, tôi cảm nhận được rất rõ đây là một đất nước năng động, sôi động và thực sự thú vị.
"Khi bạn tin rằng niềm đam mê và định mệnh của bạn là đóng góp cho đất nước, thì cách tốt nhất để phục hồi đất nước sau khủng hoảng là bắt đầu ngay từ bây giờ".
Tiến sĩ Philipp Rösler
Những hoạt động kết nối của ông Philipp Rösler với Việt Nam là cả một quá trình lâu dài. Quá trình ấy bắt đầu khi ông vẫn ở trên cương vị Phó thủ tướng Đức, nhưng ngày được thắt chặt hơn khi ông ở trên cương vị lãnh đạo của Diễn đàn kinh tế thế giới và sau này ở vai trò Lãnh sự Danh dự của Việt Nam tại Thuỵ Sỹ. Ít ai biết, con đường đó của ông Philipp Rösler có sự hậu thuẫn rất lớn từ một người phụ nữ đặc biệt - Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Sỹ, bà Lê Linh Lan.
Đại sứ Lê Linh Lan nói rằng lần đầu tiên bà gặp Philipp Rösler là trong chuyến đi của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình. Bà ấn tượng rất mạnh về ông và mong muốn ông cũng giúp đóng góp cho Việt Nam. Khi ông Philipp Rösler cùng gia đình chuyển sang sống tại Thuỵ Sỹ, thì tại quán ăn Việt Nam này, Đại sứ Lê Linh Lan đã trao đổi và gặp gỡ, thuyết phục ông đầu tư tâm sức cho Việt Nam. Một hoạt động cụ thể cho những nỗ lực hướng về Việt Nam của ông Philipp Rösler là vào tháng 11 năm 2020, ông đã dẫn đầu một đoàn các nhà đầu tư châu Âu, vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 để đến Việt Nam.
Đại sứ Lê Linh Lan nói: "Đây là một chuyến đi đặc biệt trên nhiều phương diện bởi vì nó diễn ra đúng vào thời điểm những biện pháp hạn chế xã hội trong thời gian dịch bệnh rất là khách khe, ngặt nghèo. Trong một thời gian khá gấp rút mà tổ chức được một đoàn 10 doanh nghiệp của Thụy Sĩ Đức, châu âu, có cả Israel vào Việt Nam và đã dẫn đến một kết quả rất đáng khích lệ là quyết định đầu tư 350 triệu USD sau chuyến thăm đó là thực sự là một kỳ tích".
Các doanh nhân đến từ Đức, Thuỵ Sĩ và Israel đã quyết định đầu tư 350 triệu USD vào du lịch số, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo số, trang thiết bị y tế cá nhân… vốn là lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên. Trong năm 2022, ông Philipp Rösler sẽ tiếp tục đưa các đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và các nước.
Tiến sĩ Philipp Rösle, ông đã phải đối mặt với một số thách thức để đặt chân được tới đây vào năm 2020 đúng không? Hãy chia sẻ thêm với chúng tôi về trải nghiệm đó được không?
- Đúng vậy. Tôi đã có kế hoạch tới đây trước khi Việt Nam tiến hành chiến dịch tiêm chủng. Vì vậy an toàn dịch tễ chỉ có thể quản lý được qua việc xét nghiệm liên tục. Mọi thứ phải thực hiện theo quy trình cụ thể và chúng tôi đã phải lo rất nhiều thủ tục và giấy tờ theo yêu cầu của nước đối tác để có thể lên được máy bay. Chúng tôi thậm chí còn phải xét nghiệm COVID-19 trong thời gian chờ nối chuyến và thực hiện cách ly đúng quy định. Đó là một quá trình đầy vất vả nhưng công sức bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.
Thời điểm đó cũng không có hãng hàng không nào được khai thác chuyến bay tới Việt Nam vì đất nước đã đóng cửa hoàn toàn. Điều đó đã làm cho chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện được kế hoạch này nhờ sự linh hoạt của Chính phủ Việt Nam khi cho phép một số chuyên gia nước ngoài nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam trong thời gian này. Đó là cả một cuộc phiêu lưu bởi đấy cũng là lần đầu tiên chúng tôi phải mặc bộ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn rồi cả thực hiện cách ly chỉ để bay tới một đất nước khác.
Mặc dù bối cảnh đại dịch lúc đó diễn biến rất phức tạp nhưng Chính phủ Việt Nam đã đúng đắn khi đặc cách cho các nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Bởi Chính phủ hiểu rằng thời gian hậu COVID không sớm thì muộn cũng tới và đất nước sẽ cần các nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam để phục hồi trong giai đoạn này. Đó là một nước đi chiến lược nhưng cùng lúc cũng rất thách thức đối với Việt Nam.
Ông Philipp Rösler coi “đầu tư vào giới trẻ” là việc ông ưu tiên hàng đầu. Với ông, người trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam có đủ yếu tố để cạnh tranh với bên ngoài nhưng lại thiếu một chiếc cầu nối.
Điều gì đã tạo động lực giúp ông vượt qua những khó khăn đó?
- Khi bạn tin rằng niềm đam mê và định mệnh của bạn là đóng góp cho đất nước, thì cách tốt nhất để phục hồi đất nước sau khủng hoảng là bắt đầu ngay từ bây giờ. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi không biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc, nhưng có một điều chắc chắn rằng sẽ đến lúc dịch bệnh qua đi và chúng tôi muốn bắt đầu chuẩn bị cho việc tái phục hồi ngay từ bây giờ. Đó là lý do chúng tôi đưa một số nhà đầu tư đến đây để họ hiểu rõ thêm tình hình, cũng như cơ hội đầu tư ở Việt Nam, từ đó có thể mở rộng kết nối với những nhà đầu tư khác để cùng tìm hiểu và đầu tư vào đất nước này. Theo tôi, cách dễ nhất để thúc đẩy nền kinh tế, cũng như xã hội Việt Nam chính là hỗ trợ những doanh nhân trẻ thế hệ mới. Và các đoàn doanh nghiệp cũng nên chú tâm vào vấn đề này để thay vì cứ tiếp tục rót vốn vào Thung lũng Silicon hay thủ đô Berlin, thì họ có thể chuyển hướng sang thị trường Đông Á. Đó là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh.
Tôi hy vọng rằng cộng đồng các Lãnh sự danh dự Việt Nam tại nước ngoài nói riêng và người Việt ở nước ngoài nói chung sẽ làm nổi bật lên được cơ hội này trước các nhà đầu tư. Nói cách khác thì mỗi một người trong 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài đều có thể trở thành đại sứ cho Việt Nam và giới thiệu rằng đây là đất nước họ sinh ra, họ rất tự hào về nơi đây và Việt Nam là một môi trường đầu tư đầy triển vọng. Và cũng chính họ sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư khác quay trở về Việt Nam để chia sẻ mạng lưới doanh nghiệp và kinh doanh trên quê hương mình.
Rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam chia sẻ rằng ông chính là nguồn cảm hứng cho hành trình của họ. Vậy còn ông thì sao, ông có ấn tượng gì với cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam khi giao lưu với họ?
- Nếu bạn nhận ra rằng số phận của mình là giúp đỡ đất nước nơi bạn sinh ra thì bạn phải xác định rằng chỉ có thể phát triển nền kinh tế mới mang lại sự thịnh vượng cho mọi người. Mà điều này phụ thuộc phần lớn vào cộng đồng khởi nghiệp cũng như nền công nghệ số. Thậm chí bạn còn gần như chẳng cần thuyết phục họ đầu tư vào Việt Nam vì họ đã làm điều này ngay khi nhận ra công nghệ chính là chìa khóa tới tương lai. Thật tuyệt vời khi các bên đều cùng chí hướng, đó là tập trung phát triển công nghệ. Bạn không phải tốn công thuyết phục họ bởi họ có thể còn bị thuyết phục hơn chính bạn rồi. Vì vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để hiện thực hóa điều đó. Chúng tôi đã xác định rằng điều cần thiết nhất lúc này mà cũng là thách thức đó là làm thế nào để có thêm các khoản đầu tư. Và may mắn rằng những nhà chính trị gia trong đó có nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đặc biệt là các công ty khởi nghiệp thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.
"Nếu bạn nhìn nhận từ góc độ nhà đầu tư thuần túy thì bạn sẽ nhận ra rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy triển vọng".
Tiến sĩ Philipp Rösler
Vậy bài toán lại trở thành làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư cũng như đảm bảo rằng họ sẽ được lợi từ việc đầu tư đó? Tôi đã kết nối không ít công ty khởi nghiệp của Việt Nam với những ông lớn tại thung lũng Silicon và họ đã có những buổi giao lưu thực sự sôi nổi. Những doanh nghiệp Mỹ tại đây có ấn tượng rất sâu sắc về người Việt Nam. Bạn biết đấy, ở Mỹ cũng có mạng lưới cộng đồng người Việt rất lớn và tôi nhớ mình đã gặp một anh chàng đam mê công nghệ gốc Việt tại đây. Tôi đã giới thiệu với anh ta rằng mình đang tạo cơ hội kết nối cộng đồng khởi nghiệp của hai nước và anh ấy đã rất hoan nghênh. Từ đó đôi bên đã thiết lập quan hệ đối tác. Đó thực sự là những gì đã xảy ra và thật tuyệt khi bạn gặp được những người cùng chí hướng trên con đường mà bạn đã chọn. Điều đó đã thôi thúc tôi đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa.
Vậy ông đang đóng vai trò như cầu nối giữa các công ty khởi nghiệp Việt Nam với các quỹ đầu tư mạo hiểm phải không?
- Chính xác. Vậy nếu bạn bị thuyết phục những gì tôi đã nói lúc đầu rằng các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam sáng tạo, năng động và có tinh thần khởi nghiệp không kém gì bạn bè quốc tế thì câu hỏi lại được đặt ra là tại sao chúng ta không có nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam như thung lũng Silicon. Bạn biết đấy, phần lớn các khoản đầu tư hiện tại vẫn sẽ được rót vào Mỹ mà đặc biệt là ở khu vực Vùng Vịnh ở California.
Như là San Francisco phải không?
- Đúng vậy. Nhưng tại sao không phải là vào các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng? Nếu bạn nhìn nhận từ góc độ nhà đầu tư thuần túy thì bạn sẽ nhận ra rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy triển vọng.
Những doanh nhân Thụy Sĩ mà tôi đưa tới Việt Nam từng chia sẻ rằng, mặc dù không hề có nguồn gốc từ đây và có khác biệt lớn về khoảng cách địa lý nhưng họ nhận ra có rất nhiều điểm tương đồng với đất nước này. Bạn biết không, Việt Nam là một quốc gia thực sự có danh tiếng ở Thụy Sĩ và thậm chí là cả châu Âu về công nghệ, mà đặc biệt là về lập trình và mã hóa. 90% điện thoại thông minh của nhà sản xuất Hàn Quốc cung cấp cho thị trường toàn cầu được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Kể cả những chiếc tai nghe của một công ty công nghệ có tiếng ở khu vực vịnh San Francisco cũng được sản xuất tại Việt Nam. Và cũng chính người Việt Nam đã mã hóa phần mềm cho hệ thống thanh toán được yêu thích nhất tại Thụy Sĩ. Anh chàng đó sở hữu một công ty công nghệ lớn ở Việt Nam và thậm chí còn thành lập một trường đại học về công nghệ và đó chính là công ty FPT. Phải nói rằng FPT có thể sánh ngang với tập đoàn công nghệ SAP ở Đức. Tôi nghĩ rằng họ thậm chí còn có thể giành phần thắng nếu cạnh tranh với tập đoàn công nghệ của Đức này. Điều đó chứng tỏ chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
Việt Nam giờ đây không chỉ được biết đến qua những sản phẩm may mặc, da giày chất lượng cao, những món ăn ngon hay những bãi biển và khách sạn đẹp mà còn bởi một nền công nghệ phát triển, là tương lai cho nền kinh tế của đất nước.
Sau tất cả những trải nghiệm và gắn bó với đất nước này, từ việc đối thoại với lãnh đạo cấp cao cho tới việc trò chuyện với những người trên đường phố, ông có nghĩ rằng sự hiểu biết sâu rộng về Việt Nam đã tiếp thêm cho mình sự quyết tâm và năng lượng để tiếp tục làm những gì ông đang làm không?
- Tất nhiên rồi. Nếu bạn không biết nguồn gốc của mình ở đâu thì bạn sẽ không thể biết nơi nào bạn muốn đặt chân tới. Vì vậy bạn phải hiểu được đâu là cội nguồn của mình. Khi tôi còn nhỏ, tôi không có chút nghi ngờ gì về gốc gác của mình là ở đâu đó tại Hannover, Đức. Nhưng giờ đây khi càng được tiếp xúc nhiều hơn với Việt Nam, tôi nhận ra rằng Việt Nam cũng là một phần trong tôi và tôi cần phải có trách nhiệm với đất nước này. Tôi đã dành quãng thời gian tuổi trẻ của mình trả ơn cho nước Đức nơi nuôi dạy tôi khôn lớn bằng việc phục vụ trong quân đội và tham gia vào bộ máy chính quyền. Và bây giờ là lúc tôi phụng sự cho Việt Nam và cho xã hội nơi đây. Đó là lý do vì sao tôi lại gắn kết như vậy. Tới đây tôi thực sự được mở mang tầm mắt và đồng thời cũng có thêm động lực để tiếp tục làm những gì mình đang làm.
Việc tôi ngày càng hiểu biết hơn về Việt Nam đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hình cách thức hỗ trợ của mình với đất nước này. Việc gìn giữ lại những giá trị truyền thống vẫn rất là quan trọng vì mỗi cá nhân cũng như cả xã hội cần phải hiểu rõ về cội nguồn của mình. Và điều tôi đang cố gắng làm cho Việt Nam chính là vừa gìn giữ những giá trị truyền thống và cùng lúc là hiện đại hóa chúng. Đối với tôi, việc gìn giữ nét truyền thống đặc sắc như Tết thật tuyệt vời bởi nó mang một thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình. Một nghiên cứu ở Đức từng phân tích rằng tại sao người Việt sinh sống tại nước ngoài lại thành công hơn những người khác là bởi vì họ tập trung vào hai điều, đầu tiên là gia đình và thứ hai là sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Điều đó đã lý giải được sự thành công của họ và tôi nghĩ đây là điều mà mọi người nên học hỏi.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ ngày hôm nay. Chúng tôi xin chúc ông những điều tốt đẹp nhất cho tương lai cùng với Việt Nam.
Talk Vietnam: Sứ mệnh kết nối của TS. Philipp Rösler
Người thực hiện: N.A
Nội dung: Talk Việt Nam