Tiền mặt, chuyện trọng đại quốc gia

Chia sẻ Facebook
19/06/2022 00:07:01

Một nền kinh tế có quá nhiều tiền mặt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nhỏ là mất công kiểm đếm, lớn hơn là tiếp tay cho kinh tế ngầm, rửa tiền... Tiền mặt chảy ngoài ngân hàng, khiến kiểm soát lạm phát khó khăn hơn.

"Khi chúng ta dùng tiền mặt, thanh toán qua bao nhiêu người đều được đếm lại bấy nhiêu lần, mất bao công sức, thời gian…" - Ảnh: THANH ĐẠM


Đầu năm rồi, dư luận sôi lên trước việc một số trạm thu phí thối tiền bằng kẹo. Chuyện là Nhà nước giảm 2% thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, từ đó nhiều khoản thanh toán từ chẵn thành lẻ, trong đó có phí qua trạm. Các trạm thu phí chưa chuẩn bị tiền lẻ, phải trả bằng kẹo.


Sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu các trạm đã triển khai thu phí không dừng. Trả tiền qua tài khoản, khoản thanh toán có lẻ đến mấy cũng chẳng có gì trở ngại.

Kể ra những phiền toái khi dùng tiền mặt sẽ là câu chuyện không hồi kết. Như trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, cả bên bán lẫn người mua quen dùng tiền mặt cầm tiền mà… lo, cứ luôn tay phải xịt khử khuẩn!

Mới đây, Tuổi Trẻ ngày 15-6 thông tin "mua/bán 1 lít xăng 4 lần đếm tiền" gồm: người mua xăng, người bơm xăng, thủ quỹ cây xăng và thu ngân của ngân hàng. Ai chẳng từng đếm tiền, nhưng cả xã hội cứ phải đếm đi đếm lại bó tiền, đó là điểm yếu của nền kinh tế tiền mặt.

Cuối năm 2020, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từng cho biết nhờ hạn chế in mới tiền lẻ phục vụ dịp Tết đã giúp tiết kiệm cho ngân sách 3.500 tỉ đồng. Có lẽ, con số này lớn hơn rất nhiều nếu phải in nhiều tiền mặt khi thói quen dùng tiền mặt còn đó.

Mà đâu chỉ tốn kém có thế. Những nhân viên kế toán đi nộp, rút tiền cho đơn vị hay người phải thanh toán số tiền lớn mới "thấm" được những vất vả khi thanh toán bằng tiền mặt. Những bó tiền được đếm, niêm, cột chặt được bên trả tiền vừa rút ra từ ngân hàng nhưng khi nộp vào ngân hàng khác, lại cắt niêm, đếm, cột lại như ban đầu rồi mới được ghi có vào tài khoản.

Cũng bó tiền đó, thanh toán qua bao nhiêu người đều được đếm lại bấy nhiêu lần, mất bao công sức, thời gian… Trong khi tiền là vốn, phải xoay vòng nhanh mà cứ phải đếm, cột, vận chuyển đi nộp quả là cực kỳ lãng phí.

Vì thế vấn đề tiền mặt không hề nhỏ mà là chuyện trọng đại quốc gia. Với cá nhân, từ bỏ tiền mặt, tiện lợi nhiều thứ, còn thể hiện có phong cách "sành điệu", văn minh, hiện đại. Cả xã hội một khi khắc phục được thói quen dùng tiền mặt sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế.

Thời gian gần đây chúng ta đã có bước thay đổi vượt bậc về không dùng tiền mặt. Tiến bộ của công nghệ cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý, ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán... đã đưa thanh toán không tiền mặt trở nên dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi và ngày càng phổ cập ra mọi tầng lớp.

Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, từ chính sách bảo mật, quy chuẩn trong công nghệ thanh toán, đặc biệt là độ phủ của thanh toán không tiền mặt trong cuộc sống...

Lúc này, chúng ta đang có được "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tiến tới xã hội không tiền mặt. Phải tận dụng cơ hội quý hơn vàng này để thuyết phục những người còn kiên trì với tiền mặt như nông dân, công nhân, người thu nhập thấp... hãy bước vào và khám phá "thế giới thanh toán không tiền mặt".

Mục tiêu là phổ cập, phổ cập sâu rộng cho mọi đối tượng, nâng chất và phát triển nhiều tiện ích để mọi người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ "không tiền mặt".

Đã có sự dịch chuyển nhanh chóng sang các hình thức thanh toán không tiền mặt khi tỉ lệ thanh toán qua ví điện tử, Internet Banking,... chiếm ưu thế.

Chia sẻ Facebook