Tiền khách hàng trả trước của doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 19:37:43

37 doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết HoSE có gần 82.000 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, gấp đôi đầu năm. Vinhomes, Novaland có người mua trả trước trên 10.000 tỷ đồng. 6 trong số 7 doanh nghiệp trong top người mua trả tiền trước kể tên cũng nằm trong danh sách có hàng tồn kho lớn.

7 doanh nghiệp có lượng người mua trả tiền trước trên 1.000 tỷ đồng

Người mua trả tiền trước ngắn hạn chính là khoản tiền khách hàng trả trước hay đặt cọc mua sản phẩm, sẽ được ghi nhận thành doanh thu khi dự án đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn bàn giao.

Trong danh sách thống kê, 7 doanh nghiệp có lượng người mua trả tiền trước trên 1.000 tỷ đồng, gồm Vinhomes (HoSE: VHM), Novaland (HoSE: NVL), An Gia (HoSE: AGG), Nam Long (HoSE: NLG), Phát Đạt (HoSE: PDR), Đất Xanh (HoSE: DXG) và DIC Corp (HoSE: DIG).

7 doanh nghiệp có người mua trả tiền trước trên 1.000 tỷ đồng ngày 30/6. Đơn vị: tỷ đồng

Vinhomes có số tiền ghi nhận lớn nhất ở khoản mục này so với các doanh nghiệp khác, đạt 40.016 tỷ đồng, gấp 5,5 lần đầu năm. So với tổng nguồn vốn, giá trị này chiếm tỷ trọng 16%.

Trong nửa đầu năm, Vinhomes có tung ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm nhà thấp tầng thuộc dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire (Hưng Yên), thu về doanh số khoảng 49.000 tỷ đồng. Dự kiến dự án này sẽ được bàn giao vào nửa cuối năm nay. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bán thêm nhiều sản phẩm ở các dự án như Vinhomes Grand Park (TP HCM).

Á quân về số người mua trả tiền trước là Novaland với 12.562 tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm và chiếm 5% tổng nguồn vốn. Khoản tiền này đến từ việc nhận đặt cọc từ khách hàng tại các dự án như Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận), NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) và các dự án bất động sản nhà ở tại TP HCM.

An Gia và Nam Long cùng có khoản mục người mua trả trước không quá chênh lệch, lần lượt đạt 3.733 tỷ đồng và 3.555 tỷ đồng, tăng 12% và 44% so với đầu năm. An Gia có triển khai giới thiệu sản phẩm các dự án căn hộ West Gate (Bình Chánh, TP HCM) và nhà ở thấp tầng The Standard (Bình Dương). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có một số dự án khác là tâm điểm kinh doanh như The Sóng (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Còn Nam Long, công ty tiếp tục giới thiệu ra thị trường các sản phẩm tại Mizuki Park, Akari City (TP HCM) và Southgate (Long An), Izumi City (Đồng Nai), dự án Nam Long Cần Thơ. Doanh số ký bán của Nam Long tính đến tháng 8 khoảng 8.550 tỷ đồng.

Phát Đạt và Đất Xanh có giá trị xấp xỉ nhau, lần lượt đạt 2.204 tỷ đồng và 2.119 tỷ đồng. Trong khi Phát Đạt tăng khoản người mua trả tiền trước 30% thì Đất Xanh lại giảm 3%.  Phát Đạt đang bán sản phẩm tại các dự án như Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội, số 1 Ngô Mây...

Không đứng trong top khoản mục người mua trả trước, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao về chỉ số này như Hải Phát (HoSE: HPX) tăng 280%, Khang Điền (HoSE: KDH) tăng 150%.

Ở chiều ngược lại, mộ t số doanh nghiệp có người mua trả tiền trước giảm so với đầu năm như Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH) giảm 79%, Cen Land (HoSE: CRE) giảm 55%, Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) giảm 42%, An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR) giảm 40%.


Nhiều doanh nghiệp tồn kho lớn

Top 6 doanh nghiệp có giá trị tồn kho lớn. Đơn vị: tỷ đồng

Khang Điền trong nửa đầu năm chưa có dự án mở bán mới, người mua trả tiền trước hơn 392 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm. Tính đến 30/6, Khang Điền có 12.113 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 57% so với đầu năm, đến từ bất động sản dở dang tại dự án Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông. Một dự án khác cũng có tồn kho lớn là Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo (Bình Tân, TP HCM).

Tồn kho của Khang Điền.

Dự án Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông (quận 2, TP HCM) được Khang Điền nhận chuyển nhượng cổ phần từ công ty Phước Nguyên với giá 620 tỷ đồng, ghi nhận lãi từ giao dịch mua rẻ 308 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Còn dự án Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo đã được ghi nhận tồn kho từ nhiều năm nay, là dự án của công ty Xây dựng Bình Chánh (BCCI thời ông Trầm Bê làm chủ) và Khang Điền mua lại từ năm 2015.

Giá trị tồn kho lớn nhất đang thuộc về Novaland với 125.506 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm và chiếm 53% tổng tài sản. Doanh nghiệp đang triển khai nhiều khu đô thị nghỉ dưỡng quy mô hàng nghìn ha không có thuyết minh cụ thể các dự án tồn kho trên báo cáo tài chính, tuy nhiên bất động sản để bán đang xây dựng chiếm 94%.

Vinhomes có hàng tồn kho gấp đôi đầu năm, đạt 57.189 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản. Trong đó, bất động sản để bán đang xây dựng chiếm  96%, chủ yếu tại các đại dự án như Vinhomes Ocean Park 2, Khu đô thị Đại An (Hưng Yên), Grand Park (TP HCM), Ocean Park, Smart City (Hà Nội). Các dự án này phần lớn đều trong quá trình xây dựng, mở bán, đợi hoàn thiện bàn giao.

Nam Long có tồn kho đứng cao thứ 3, đạt 16.026 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản. Giống như Vinhomes và Novaland, Nam Long cũng có các bất động sản dở dang phần lớn là các dự án đang triển khai hoặc sắp mở bán như Izumi (Đồng Nai), Southgate (Long An), Paragon Đại Phước và Waterpoint giai đoạn 2.

Tồn kho của Nam Long.

Tồn kho của Phát Đạt không biến động nhiều so với đầu năm, chủ yếu vẫn là các dự án cũ. Với Đất Xanh, tồn kho là các dự án dở dang như Gem Sky World, Gem Riverside, Home Park City.

Tính chung 37 doanh nghiệp có tổng cộng 286.487 tỷ đồng hàng tồn khó, tăng 23% so với đầu năm. Trong đó, nhóm 5 doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho dẫn đầu chiếm 83% tổng tồn kho. Riêng tồn kho của Novaland chiếm 44%.


Theo PV

Chia sẻ Facebook