Tiền gửi tại hệ thống ngân hàng giảm gần 74.000 tỷ đồng trong một tháng
Theo các chuyên gia, nhu cầu rút tiền mặt mùa cao điểm cuối năm và Tết Nguyên Đán tăng cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống khiến các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7/2022 đạt hơn 11,39 triệu tỷ đồng, giảm gần 74 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 6.
Nguyên nhân do nhóm khách hàng doanh nghiệp khi ghi nhận tiền gửi giảm hơn 83,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 7 xuống mức 5,76 triệu tỷ đồng.
Huy động vốn từ dân cư vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại đáng kể. Người dân chỉ gửi ròng vào hệ thống ngân hàng hơn 9,6 nghìn tỷ đồng, nâng tổng tiền gửi lên hơn 5,6 triệu tỷ đồng. Mức tăng trong tháng 7 thấp hơn nhiều các tháng trước đó: tháng 6 (hơn 50 nghìn tỷ), tháng 5 (gần 37 nghìn tỷ), tháng 4 (hơn 57 nghìn tỷ),…
Theo đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 4,09% trong 7 tháng đầu năm. Tốc độ này chậm hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng (9,55%). Cuối tháng 7, tổng dư nợ của nền kinh tế đã lên hơn 11,44 triệu tỷ đồng.
Chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng vẫn tiếp tục kéo dài trong tháng 8, tháng 9. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).
Nhiều chuyên gia cho biết, kể từ quý 2/2022, trong bối cảnh tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn hơn vì hạn mức eo hẹp, nhiều khách hàng đã phải dùng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng để phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Lãi suất huy động trong 9 tháng đầu năm mặc dù đã tăng đáng kể nhưng vẫn còn thấp hơn trước dịch Covid-19, chưa đủ hấp dẫn đối với nhiều người dân khi đặt bên cạnh các kênh đầu tư khác khiến tiền gửi khó bật tăng mạnh. Điều này đã gây sức ép nhất định tới thanh khoản của các ngân hàng.
Do đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ 23/9, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiền gửi thêm 1-1,5%/năm. Hiện mức lãi suất 8%/năm trên thị trường đã không còn hiếm gặp, thậm chí có những nhà băng niêm yết sát 8,9%/năm.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Viêt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Thanh khoản thị trường 1 cũng chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, sẽ buộc các NHTM nâng lãi suất huy động. Nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.