Tiên Du phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Những năm qua, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế về giao thông, đất đai, nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) làng nghề. Theo đó, hàng năm, giá trị sản xuất CN trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng khá, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Huyện Tiên Du đã có những định hướng cụ thể mang tính bền vững trong phát triển kinh tế, tiếp tục phối hợp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp: Đại Đồng-Hoàn Sơn giai đoạn 2, Nam Sơn - Hạp Lĩnh. Phối hợp với các cơ quan của tỉnh Bắc Ninh thực hiện thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn theo hướng công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các dự án có công nghệ cao, xuất khẩu đầu tư lớn, sử dụng đất tiết kiệm, tạo nguồn thu cao cho ngân sách.
Quan tâm đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống hiện có và phát triển những làng nghề mới; khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, phát triển nghề; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xây dựng website giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề. Bảo vệ, phát huy giá trị các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống như: Nghề Dệt, Giấy, Đồ gỗ mỹ nghệ...
Để thực hiện mục tiêu phát triển CN-TTCN, huyện Tiên Du chú trọng đến vấn đề phát triển các cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện bao gồm: Khu Công nghiệp Tiên Sơn; Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn, Visip Bắc Ninh, Nam Sơn – Hạp Linh và các Cụm Công nghiệp Giấy Phú Lâm, Tân Chi…
Sản xuất công nghiệp được đẩy mạnh, với quyết tâm không để gián đoạn chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng đảm bảo phục vụ nhân dân, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện hiện Tiên Du có hơn 2000 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Hoạt động của các doanh nghiệp trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, UBND huyện đã đề xuất với tỉnh, các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, có những chính sách hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp dần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020-2023, huyện Tiên Du đã cấp 2.620 giấy phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể; trong đó 2.200 hộ được cấp mới với số vốn kinh doanh 993 tỷ đồng; 420 hộ cấp đổi; 18 hộ thông báo ngừng kinh doanh và nâng tổng số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện là 11.640 hộ, tăng 2.234 hộ so với năm 2020. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện đã phục hồi và phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Ngành CN - TTCN huyện Tiên Du luôn đạt mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng bình quân từ 10% đến 15%/ năm. Công nghiệp phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, tập trung ở 2 xã Đại Đồng và Hoàn Sơn. Hiện nay, bên cạnh việc chú trọng phối hợp xây dựng thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cung cấp các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, các mặt bằng quỹ đất công nghiệp, nguồn lao động và các ngành nghề phù hợp, nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có nhu cầu sử dụng nhiều lao động đầu tư vào các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, huyện Tiên Du đang tiếp tục lựa chọn, phát triển những sản phẩm công nghiệp nông thôn mang tính truyền thống; khôi phục phát triển các ngành nghề, nghề truyền thống, làng nghề.
Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm, huyện Tiên Du khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, từ đó quan tâm tới việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao để không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng công khai minh bạch các trình tự, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giao dịch thuận lợi; quan tâm xây dựng chính quyền điện tử; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai hiệu quả chương trình khuyến công, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, ưu tiên phát triển, nâng cấp một số ngành nghề có thương hiệu; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, gắn với công tác chống thất thu thuế trên địa bàn.
Hoài Thu