Tiệm trà cổ 70 năm ở TPHCM, giá 10 triệu đồng/kg vẫn "hút" khách

Chia sẻ Facebook
06/06/2023 15:23:20

Bằng cách sấy trà thủ công, tiệm trà của gia đình ông Quách Huê (59 tuổi) vẫn luôn nườm nượp khách hàng suốt 70 năm, dù chưa bao giờ quảng cáo.

Chiều tháng 5, có khách đến mua, bà Trần Dung (87 tuổi) cẩn thận gấp giấy thành hình phễu, cho 200g trà lài thơm vào giữa rồi gói lại. Kiểu gói hình "bánh ú", bọc nilon bên ngoài để trà không ẩm mốc, giữ được độ giòn là đặc trưng của tiệm trà bà Dung.

Cách gói trà truyền thống của gia đình bà Dung (Ảnh: Diệp Bình).

Năm 1940, chồng bà di cư từ Triều Châu, Trung Quốc sang Sài Gòn, mang theo phương pháp làm trà truyền thống của gia đình. Ở Việt Nam, ông chọn vùng nguyên liệu thuộc Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Trà được ướp hương lài từ 4-8 tiếng, tùy theo thời tiết. Đi qua 3 lần chạy lửa, trà sấy khô sẽ khử được mùi nồng, mùi tạp nguyên bản. Nhờ vậy, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị thanh, hậu chát của trà.

Người phụ nữ 87 tuổi gói trà cho khách (Ảnh: Diệp Bình).

Con trai bà Dung, ông Quách Huê là thế hệ thứ 2 trong gia đình gìn giữ cách làm trà truyền thống này. Mỗi tháng, ông sẽ làm trà một lần, số lượng khoảng 100kg.

Người đàn ông 59 tuổi cho biết, ba ông tâm huyết với trà, từ những ngày đầu mở cửa tiệm cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Vì thế, tất cả những món đồ trong tiệm luôn được gìn giữ cẩn trọng: Chiếc cân, ấm trà, thùng nhôm, kệ gỗ…

Ông Huê lấy trà từng thùng nhôm có tuổi đời 70 năm (Ảnh: Diệp Bình).

Trà thành phẩm được đặt trong thùng nhôm mà gia đình ông đặt thợ làm cách đây 70 năm. Mỗi chiếc thùng có thể chứa từ 5-6kg trà. Việc giữ trà trong thùng sẽ hạn chế được tình trạng ẩm mốc, hương được lưu lâu hơn.

"Có người đã đến trả giá để mua đồ cổ, nhưng gia đình tôi không bán mà giữ làm kỷ niệm", ông nói.

Đồ vật trong tiệm trà vẫn được giữ gìn cẩn thận qua nhiều thế hệ (Ảnh: Diệp Bình).

Tiệm trà thuộc đường Phú Thọ, quận 11, suốt 70 năm qua không đăng quảng cáo, không xuất hiện trên mạng xã hội nhưng vẫn luôn nườm nượp khách.

Đa phần, họ là khách hàng trung thành nhiều năm. Khu vực này có nhiều người Hoa sinh sống, ông dành một quầy để bày bán bánh, kẹo theo phong tục cưới hỏi của họ, dùng kèm với trà.

Chiếc cân cổ gắn bó với gia đình ông Huê từ lúc thành lập tiệm đến nay (Ảnh: Diệp Bình).


Bên cạnh trà Việt Nam, ông Huê còn mang về những loại trà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, trà Ô Đông Đơn Tùng có giá đắt đỏ, khoảng 10 triệu/kg nhưng vẫn có người hỏi mua. Ông Huê cho biết, họ là những người yêu văn hóa trà, sành trà và có gu thưởng thức trà.

Các loại trà tại cửa tiệm đều trải qua 3 lần chạy lửa, ủ và ướp hương (Ảnh: Diệp Bình).

Tiệm trà thuộc khu vực quận 11, nơi có nhiều người Hoa sinh sống (Ảnh: Diệp Bình).

Nối nghiệp ba gần 40 năm, ông Huê chưa từng có ý định bỏ nghề, dù công việc này khá vất vả, phải thức khuya dậy sớm để ủ trà. Mỗi ngày, ông và mẹ đều dậy từ 5h30 sáng, cẩn thận lau chùi từng kệ gỗ, sắp xếp túi giấy, kiểm tra tình trạng các loại trà lài, trà ô long, trà phổ nhĩ, trà nâu…

"Bởi đó là tâm huyết cả đời của ba tôi", ông nói.

Chia sẻ Facebook