Tiêm thử nghiệm virus diệt ung thư trên người
Virus nhân tạo giúp chống lại ung thư đã có hiệu quả trong các thí nghiệm tiền lâm sàng trên động vật. Các nhà khoa học đang dự định thử loại virus này trên người.
Phương pháp điều trị CF33-hNIS với virus Vaxina đã được chứng minh có hiệu quả trên động vật và môi trường phòng thí nghiệm. Thành công này dẫn đến việc bắt đầu thử nghiệm tiêm loại virus này trên các bệnh nhân tại Mỹ.
Vaxina là một loại virus oncolytic, một phiên bản biến đổi gene của một loại virus tự nhiên, được tạo ra để lây nhiễm, tái tạo và tiêu diệt các tế bào khối u. Vaxina kích thích hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể tấn công các tế bào khối u, tăng hiệu quả tiêu diệt khối u và ngăn chặn chúng quay trở lại.
Các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật cho thấy liệu pháp có hiệu quả trong việc thu nhỏ khối u vú, ruột kết, tuyến tụy và các khối u đặc ở buồng trứng. Ngoài ra, Vaxina còn làm tăng hiệu quả của các hình thức điều trị liệu pháp miễn dịch khác, như ức chế các protein ngăn chặn hệ thống miễn dịch của bệnh nhân chống lại bệnh ung thư.
"Các nghiên cứu trước đây của chúng tôi chứng minh rằng virus có thể kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng và tiêu diệt khối u ung thư, đồng thời giúp hệ miễn dịch phản ứng nhanh hơn với các liệu pháp khác, bao gồm chất ức chế kiểm soát", Tiến sĩ Daneng Li, điều tra viên chính, giáo sư trợ lý của nghiên cứu, cho biết. Tiến sĩ Li tin rằng CF33-hNIS có tiềm năng cải thiện kết quả cho bệnh nhân trong cuộc chiến với ung thư.
Bệnh viện The City of Hope, nơi phát minh ra CF33-hNIS đã cấp phép triển khai thử nghiệm cho công ty công nghệ sinh học Imugene.
Nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, nhằm kiểm tra tính an toàn và liều dùng chính xác ở người bệnh. "Chúng tôi hy vọng sẽ thành công về mặt virus học và liệu pháp miễn dịch để điều trị nhiều loại bệnh ung thư chết người", ông Yuman Fong, Chủ tịch Khoa ung thư phẫu thuật tại City of Hope, nhà phát minh chính, cho biết.
Nghiên cứu đầu tiên sẽ tập trung vào một nhóm nhỏ bệnh nhân đã thử 2 lần điều trị theo phương pháp truyền thống. Họ sẽ được tiêm một liều Vaxina cùng với một kháng thể được thiết kế có tên là pembrolizumab. Virus Vaxina sẽ được tiêm trực tiếp vào khối u hoặc tĩnh mạch.
Ngoài Bệnh viện The City of Hope, Công ty Imugene hy vọng trong năm 2022 sẽ thử nghiệm thêm tại 9 địa điểm khác để phục vụ tổng số 100 bệnh nhân trên khắp nước Mỹ và Úc.
Thử nghiệm lâm sàng dự kiến kéo dài 2 năm, mục tiêu chính là đánh giá liệu phương pháp này có an toàn hay không và tìm ra liều lượng thích hợp cho người bệnh.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress , Tuổi Trẻ Online)