Tích hợp Al nắm bắt xu hướng tiêu dùng trực tuyến
Sử dụng công nghệ Al là cách để các sàn thương mại điện tử hỗ trợ khách hàng tìm kiếm sản phẩm nhanh nhất cũng như giúp cho doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng tiêu dùng mới.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch COVID - 19, từ năm 2021, tốc độ tăng trưởng của mua sắm trực tuyến có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2022, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Mua sắm và tiêu dùng trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Trong các nhóm ngành, tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh trên thương mại điện tử cho kết quả khả quan, gấp 5 lần so với các kênh khác. Vì vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia, thương mại điện tử vẫn tiếp tục là nền tảng giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả.
Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, các sàn thương mại điện tử “phủ sóng” nhận diện thương hiệu bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn và dày đặc thì hiện nay, một số sàn thương mại điện tử đã chuyển sang giai đoạn tích hợp công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ, tối ưu hoá thời gian giao hàng, hướng đến phát triển bền vững. Ông Nguyễn Thế Quang -Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử là cuộc chiến về chiến lược tư duy bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược bán hàng rất bài bản trên thương mại điện tử, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và phát triển thương hiệu.
“Các doanh nghiệp, nhà bán hàng cần xây dựng thương hiệu có chiều sâu, có chính sách chăm sóc khách hàng, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng. Đầu tư tìm hiểu về thị hiếu khách hàng để phục vụ, chăm sóc, hậu mãi… cũng là cách giữ chân khách hàng mua sắm trong tương lai. Với các doanh nghiệp nhỏ có thể sử dụng các giải pháp, dịch vụ khách hàng do các doanh nghiệp thứ ba cung cấp” - ông Nguyễn Thế Quang nhấn mạnh.
Các sàn thương mại điện tử xuất phát là sản phẩm công nghệ. Vì vậy, những phát triển về chiến lược bền vững được đại diện một số sàn thương mại điện tử khẳng định đều xoay quanh công nghệ. Ông Jinwoo Song - Tổng giám đốc BAEMIN Việt Nam thừa nhận việc cạnh tranh mã khuyến mại giữa các đối thủ trong ngành đang là thách thức của công ty.
Một mặt, các mã khuyến mãi giúp các doanh nghiệp nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với lượng đơn hàng tăng cao; mặt khác cũng khiến thị trường mục tiêu bị thổi phồng, phát triển không bền vững. Ông Jinwoo Song cho rằng, các doanh nghiệp nghiệp cần tập trung thỏa mãn nhu cầu sử dụng của người dùng để họ cảm thấy gắn bó với doanh nghiệp.
Nhận định về mảng thị trường trực tuyến BEAMIN đang khai thác, ông Jinwoo Song cho biết, đây là thị trường hấp dẫn, tiềm năng với nhiều người trẻ sành sử dụng công nghệ, bắt kịp xu hướng hiện đại, sẵn sàng trải nghiệm những thói quen tiện lợi. Đây chính là động lực để doanh nghiệp cải thiện những tính năng mới.
Nhận định này được đưa ra khi BEAMIN hợp tác với các ứng dụng thanh toán trực tuyến thì có đến 70% khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán qua mạng. Trước đó, có tới 80% khách hàng mua đồ ăn thường sử dụng tiền mặt. “Chúng tôi đã quyết định thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam để phát triển ứng dụng mới mà tại các thị trường khác chưa có. Điều này khiến các thị trường lớn của doanh nghiệp trên thế giới phải ngạc nhiên” - CEO của BEAMIN cho biết thêm.
Trong khi đó, tại Lazada, theo bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Logistics, doanh nghiệp này đã sử dụng công nghệ AI để phục vụ khách hàng tốt hơn trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Cụ thể, công nghệ này giúp cá nhân hóa sở thích của người tiêu dùng, giúp họ tìm kiếm sản phẩm yêu thích một cách nhanh nhất. Đồng thời dựa trên những dữ liệu lớn từ công nghệ, các sàn thương mại điện tử cũng đưa ra được dự đoán về sức mua và xu hướng mua hàng để các nhà cung cấp kịp thời nắm bắt phục vụ khách hàng tốt hơn.