Tía tô được người Nhật coi là bí quyết tăng tuổi thọ: Tía tô đỏ và xanh loại nào tốt hơn? Nghe xong bạn sẽ muốn trồng ngay!
Tía tô có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe mà không phải ai cũng biết.
Với văn hóa phương Tây, tía tô có thể là một làn gió mới thổi vào nền ẩm thực. Tuy nhiên, tía tô là loại thảo mộc được dùng phổ biến ở các nước châu Á, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,... Ở các nước như Nhật và Hàn, tía tô được sử dụng cuốn sushi, là một phần quan trọng tạo nên bản sắc của các món súp, cơm.
Chúng cũng được sử dụng nhiều để tạo màu món ăn hoặc chiết xuất dầu để nêm nếm. Ở nước ta, tía tô gần gũi hơn khi là món nước giải cảm, thêm vào bát cháo hành khi hạ sốt hoặc giúp món ốc nấu chuối đậu thêm đậm đà.
Suốt nhiều thế kỷ, tía tô đã đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực nhiều nước. Chúng được biết đến nhiều hơn ở phương Tây thông qua các món sốt Pesto hoặc lá cuốn sushi. Trên thực tế, có nhiều loại tía tô, mỗi loại mang một hương vị riêng.
1.Lợi ích sức khỏe của tía tô
Tía tô được dùng nhiều để pha trà vì trong loại lá này có chứa chất chống oxy hóa, cũng như đặc tính chống viêm và chống dị ứng. Trà tía tô giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe làn da.
Nhiều trăm năm qua, tại Nhật Bản, tía tô được dùng đa dạng từ chữa hen suyễn, viêm khớp đến bệnh chàm. Chúng chứa lượng lớn canxi và sắt, bởi vậy đây là nguyên liệu tuyệt vời cho các món salad, súp và hầm.
Tía tô rất giàu vitamin A, nhờ đó chúng có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư. Dầu tía tô cũng là một loại dầu có thể thay thế cho dầu cá, vì nó chứa nhiều omega-3 cho người ăn chay trường.
2. Tía tô xanh có gì khác biệt?
Tía tô xanh được dùng nhiều để trang trí, thêm vào salad, làm sốt hoặc tạo hương vị cho cơm. Thuộc họ bạc hà, tía tô xanh có mùi thơm kết hợp của cam quýt và quế. Loại thảo mộc này rất lý tưởng khi làm gia vị cho các món cá, thịt gà, bò và củ cải.
Để tạo vị thì tía tô xanh tốt hơn tía tô đỏ. Nhưng xét về tạo màu, thì tía tô xanh chẳng thể nào đánh bại được loại tía tô còn lại.
3.Tại sao nên trồng tía tô đỏ tại nhà?
Tía tô đỏ khác biệt với tía tô xanh ở chỗ, chúng được chủ yếu dùng để ngâm chua hoặc tạo màu tự nhiên cho món ăn. Ở nước ta, tía tô đỏ chủ yếu được dùng để ăn sống, nấu cháo giải cảm hoặc nấu nước uống.
Tía tô đỏ được người Nhật ưa thích dùng tạo màu cho món Umeboshi - món mơ muối trứ danh, màu sắc vừa đẹp lại tăng sự bổ dưỡng, thực sự rất đáng để thử.
Chất chống oxy hóa anthocyanin được tìm thấy trong lá màu đỏ của tía tô. Chúng giúp kháng virus, kháng khuẩn, thải độc da. Bên cạnh đó, chúng chứa nguồn axit béo omega-3,6,9 cùng các dưỡng chất khác như canxi, kali, sắt cũng như vitamin A, B2 và C.
Tía tô ngoài việc ăn sống cùng sushi, nấu cháo giải cảm,... còn tạo nên thức uống màu hồng ngọc trong suốt đẹp đẽ, bổ dưỡng. Nhiều nước phương Đông sử dụng tía tô đỏ để nấu trà giải nhiệt, thải độc da.
4.Tía tô trong ẩm thực
Tía tô thái nhỏ có thể dùng để trang trí, tạo hương vị cho món ăn.
Chúng có thể được thêm vào mì Ý thay cho mùi tây, hoặc trộn với dầu mè để tăng vị cho món gà nướng.
Tía tô được dùng ăn kèm với sashimi không chỉ vì hương vị thơm ngon mà chúng còn là chất khử trùng cực tốt giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
5.Trà tía tô đường nâu
Đã có quá nhiều các công thức trà tía tô mật ong, nước tía tô mật ong, tuy nhiên trong công thức gợi ý này, bạn sẽ sẽ dùng đường nâu để pha trà tía tô. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng đường thốt nốt để tạo hương vị tuyệt vời cho món trà này.
Nguyên liệu gồm nước, lá tía tô, đường nâu, giấm táo. Cho nước và lá tía tô vào nồi đun sôi. Đến khi nước chuyển màu thì cho đường nâu vào khuấy đều.
Tắt bếp, cho giấm vào, khuấy đều và vớt lá ra. Để trà nguội. Có thể giữ lạnh và uống hàng ngày.
Tía tô có nhiều tác dụng tốt lành cho sức khỏe. Bởi vậy, bạn có thể trồng tía tô trong chậu tại nhà hoặc ngoài vườn rất hữu ích để có thể pha trà hay nấu ăn bất cứ lúc nào.
Chúc bạn sử dụng tía tô một cách tốt lành nhất!
Theo Kỳ Vân Dương
Trí Thức Trẻ