Tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam tăng mạnh, nguyên nhân do đâu?
Tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, trong đó môi trường sống là một trong những nguyên nhân.
Ung thư dạ dày tại đang có xu hướng trẻ hóa
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư dạ dày.
PGS.Phạm Hoàng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biếtn ung thư dạ dày là một trong những bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong cao ở Việt Nam và đang có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân dưới 30 tuổi. Nhiều trường hợp được phát hiện bệnh sớm nên tỷ lệ khỏi bệnh cao.
Bệnh nhân V.M.C. (38 tuổi, ở Hà Nội) phát hiện mắc ung thư dạ dày trong lần khám sức khỏe định kỳ. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, bệnh nhân C. được chỉ định cắt một phần dạ dày để loại bỏ tế bào ung thư.
Trước khi phát bệnh, bệnh nhân có biểu hiệu bệnh rất mơ hồ, nhiều khi chỉ là cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu và gần đây thường xuyên bị ợ hơi, sút cân.
PGS.Phạm Hoàng Hà cho hay tỉ lệ mắc ung thư dạ dày ở nam giới gấp 2 lần nữ giới, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp khi đến viện phát hiện muộn.
Đang điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân V.V.T. (62 tuổi, phát hiện bệnh ở giai đoạn 3) cho hay trước đó ông thường xuyên bị tức bụng, đi ngoài phân đen, khó chịu vùng bụng mức độ ngày càng đau nên đi khám. Sau khi thăm khám, các bác sỹ thấy kết quả siêu âm khối u lớn ở dạ dày và chỉ định phẫu thuật.
Ca mổ cho bệnh nhân T. đã diễn ra thành công, các bác sĩ đã cắt một phần dạ dày loại bỏ tổn thương kèm nạo vét nhiều hạch lớn nhỏ.
Theo phó giáo sư Phạm Hoàng Hà, ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến, dễ di căn. Có một tỉ lệ lớn bệnh nhân mắc ung thư dạ dày trước đó có tiền sử mắc các bệnh về dạ dày như: Viêm loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP...
Ung thư dạ dày xuất phát từ sự phát triển bất thường của các tế bào ở dạ dày một cách không kiểm soát, tạo nên khối u ác tính. Khối u dạ dày không những phát triển tại chỗ mà còn có khả năng xâm lấn đến các cơ quan lân cận, ở giai đoạn muộn hơn ung thư dạ dày có thể di căn đến các hạch bạch huyết vùng hay di căn xa đến các cơ quan khác trong khắp cơ thể.
Bệnh ở giai đoạn sớm không có biểu hiện gì đáng kể, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ vùng thượng vị, kèm ợ hơi ợ chua, các triệu chứng này thường mọi người không quan tâm đến.
Ở giai đoạn tiến triển, biểu hiện của bệnh rầm rộ hơn: Đau bụng thượng vị, đầy bụng, ăn uống kém, chán ăn, gầy sút cân. Ở giai đoạn muộn, người bệnh suy kiệt, nôn nhiều (hẹp môn vị), nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen (xuất huyết tiêu hóa), viêm phúc mạc do thủng dạ dày…
"Có nhiều người bị các bệnh lý về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường kể dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ. Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, cảm giác luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen..., lúc này có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn", PGS. Hà lưu ý.
Hiện nay, điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, trong đó phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân, nếu phát hiện bệnh sớm, tỉ lệ điều trị thành công lên tới 70%-92%.
Cẩn thận với dấu hiệu đau lưng, sút cân, nhiệt miệng
Theo Bệnh viện K Trung ương, ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Vài năm gần đây số ca ung thư lưỡi ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân L.H.N. (39 tuổi, ngụ Ba Đình, Hà Nội) trong tình trạng sùi loét ở lưỡi nghiêm trọng kèm cảm giác đau nhức.
Trước đó khoảng 2 tháng, anh N. xuất hiện vết gồ nhỏ ở lưỡi. Cho rằng mình bị nhiệt miệng, anh thực hiện súc miệng nước muối và đi khám tại một số nơi. Sau khi đi khám, người này được chẩn đoán loét áp-tơ lưỡi và về nhà dùng thuốc kháng sinh. Tình trạng loét có thuyên giảm, cảm giác đau bớt dần khiến anh an tâm hơn. Nhưng khoảng 2-3 tuần sau đó, vết loét tiếp tục phát triển. Người bệnh vẫn chủ quan khi cho rằng tổn thương sẽ tự khỏi. Một tháng sau, vết loét ở lưỡi lan rộng với kích thước 0,8 cm, cảm giác đau nhức, buộc anh phải đi khám.
Đại diện Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho hay, anh N. được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn 4, đã có xâm lấn ở cơ lưỡi cùng khu vực xung quanh. Kết quả sinh thiết cũng xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập. Nam bệnh nhân đang điều trị với phương pháp xạ trị hóa chất. Được biết người đàn ông này có tiền sử thường xuyên uống bia, rượu.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí ( Quảng Ninh ) vừa phẫu thuật cắt u thận cho nam bệnh nhân 66 tuổi trú tại Đức Chính - Đông Triều. Trước đó, bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng, đau từng cơn, sút 5kg chỉ trong 1 tháng. Sau khi thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm, CT-Scanner ổ bụng, các bác sĩ xác định, ở phần cực dưới thận trái của người bệnh một khối u, kích thước khoảng 4x5cm. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định phẫu thuật sớm cắt u thận phải và nạo vét hạch.
Sau gần 2 tiếng, các bác sĩ đã cắt u thận phải và nạo vét hạch cho người bệnh. Mẫu bệnh phẩm được gửi giải phẫu bệnh làm xét nghiệm mô bệnh học và cho kết quả là ung thư biểu mô tế bào thận. Khi hậu phẫu ổn định, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị theo phác đồ bằng phương pháp xạ trị, hóa chất.
Chia sẻ với báo chí, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cho hay, ung thư thận là thương tổn ác tính của thận, chiếm khoảng 3% các ung thư của người lớn. Bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới với tỉ lệ 2:1. Trong số ung thư thận thì ung thư tế bào thận như bệnh nhân Quảng Ninh trên đây chiếm 90%.
Bệnh ung thư này có tỉ lệ mắc mới thay đổi tùy từng khu vực, ở Mỹ tỉ lệ mắc khoảng 10,9%, Nhật Bản là 5,4% và Việt Nam khoảng 1,2%.
Ung thư tế bào thận có bệnh cảnh lâm sàng rất phong phú và đa dạng. Bệnh có thể diễn biến tiềm tàng và khi có các triệu chứng điển hình thì thường đã ở giai đoạn muộn. Các triệu chứng cơ năng thường gặp của ung thư thận bao gồm: Tiểu ra máu: là triệu chứng hay gặp chiếm 80% trường hợp, có thể tự hết rồi tái phát, không sốt; Đau tức thắt lưng: thường người bệnh có cảm giác đau tức âm ỉ thắt lưng do u làm căng bao thận; Khối thắt lưng: thường khám thấy dấu hiệu chạm thắt lưng khi khối u thận to. Ngoài ra người bệnh có thể có biểu hiện của các hội chứng cận ung thư như sốt kéo dài, gầy sút, đa hồng cầu, tăng huyết áp, tăng canxi máu...
Nguyên nhân tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam gia tăng
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị khoa học thường niên lần 23 và lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Điện quang và y học hạt nhân Việt Nam, GS.TS Mai Trọng Khoa (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) đánh giá tỉ lệ mắc ung thư mới và trẻ hóa ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.
Theo ông Khoa, về nguyên tắc, tuổi càng cao tỉ lệ mắc ung thư càng lớn. Tuy nhiên có những loại ung thư ở thập kỷ trước, thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, trung niên nhưng nay lại xuất hiện ở người trẻ. Ví dụ ung thư dạ dày có thể gặp ở người trẻ, thậm chí là học sinh phổ thông. Trong khi đó, trước đây chủ yếu phát hiện ở những người lớn tuổi, trung niên.
Ông Khoa cũng lý giải nguyên nhân thời gian qua tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư hằng năm vẫn tăng cao là do nhiều yếu tố. "Nguyên nhân thứ nhất là do dân số tăng kéo theo các bệnh chung cũng sẽ tăng, trong đó có ung thư. Thứ hai là do tuổi thọ tăng lên (già hóa dân số), số mắc ung thư càng cao.
Nguyên nhân thứ ba, chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân quan tâm sức khỏe nhiều hơn. Họ chủ động thăm khám hoặc tham gia các chương trình thăm khám, tầm soát ung thư, do đó nhiều người phát hiện sớm ung thư.
Thứ tư là do khoa học công nghệ ứng dụng trong y học ngày càng phát triển. Nếu như trước đây, chúng ta không có máy móc, xét nghiệm để phát hiện ung thư, hiện nay máy móc, thiết bị nhiều và kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện khối u rất nhỏ ở giai đoạn rất sớm. Điều này cũng dẫn đến số ca ung thư đếm được tăng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân số ca mắc ung thư tăng còn do môi trường sống, tuy nhiên đây chỉ là một yếu tố trong rất nhiều nguyên nhân bởi có những quốc gia tiên tiến, môi trường được đảm bảo song tỉ lệ ung thư vẫn tăng. Điểm khác biệt là theo từng quốc gia, các bệnh ung thư phân bố khác nhau. Như tại Mỹ, nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt rất nhiều, còn ở Việt Nam chủ yếu nam giới mắc ung thư gan, ung thư phổi.
Tuy nhiên, môi trường (nước, không khí…) ô nhiễm, kém chất lượng chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng gây nên ung thư. Bên cạnh đó, lối sống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc, uống rượu, lạm dụng chất kích thích, thực phẩm không đảm bảo an toàn… cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều", ông Khoa nhấn mạnh.
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2020 tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (lên vị trí 90/185 quốc gia), từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc, lên thứ 50/185 quốc gia sau 2 năm.
Minh Hoa (tổng hợp)