Thương vụ thành công nhất Shark Tank Mỹ: Bị chê "định giá lố bịch", 4/5 Shark quay lưng, vị Shark duy nhất ở lại đã có khoản sinh lời cực lớn

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 09:39:16

Startup cũng chỉ bán sản phẩm không thể đơn giản hơn: Những đôi tất.


Bombas là startup mở đầu cho series Shark Tank Mỹ mùa 6. Startup do 2 nhà sáng lập Randy Goldberg và David Heath tạo ra. Họ đến Shark Tank để kêu gọi 200.000 USD đổi lấy 5% cổ phần.

Bombas chuyên về sản xuất tất thể thao. Theo lời những người sáng lập, thị trường tất thể thao trước đó chỉ gồm những mẫu nhàm chán, cùng kiểu dáng, cùng màu sắc. Vì vậy họ đã dành ra 2 năm để nghiên cứu, phát triển và cải tiến sản phẩm.

Kết quả, họ cho ra đời những đôi tất thoải mái hơn cho khách hàng, sử dụng chất liệu cotton và len merino chất lượng cao, tái cấu trúc đường may nơi ngón chân, tạo ra một hỗ trợ vòm hình tổ ong và sử dụng kỹ thuật khâu cải tiến ở gót chân. Ngoài ra, tất Bombas không bị tuột xuống trong quá trình đi, không hằn vết trên chân hay với dòng tất đến mắt cá chân, khách hàng không thấy khó chịu khi tất cọ xát vào da.

Nhưng điểm đặc biệt với Bombas đó là câu chuyện các nhà sáng lập hướng tới còn lớn hơn việc tái định vị lại thị trường tất. Họ chia sẻ rằng tất là món đồ được những người vô gia cư yêu cầu nhiều nhất. Vì vậy, với mỗi đôi tất bán ra, Bombas sẽ dành một đôi để tặng người vô gia cư. Đây thực tế mới là động lực họ thành lập Bombas.

"Chúng tôi đã không lớn lên với ước mơ thành lập một công ty bán tất. Nhưng chúng tôi bị ám ảnh bởi những đôi tất".

"Thật đáng buồn - thứ mà tôi chưa bao giờ dành hơn một vài giây để suy nghĩ xem có nên mua hay không lại có thể được coi là món đồ xa xỉ đối với người khác".

Ngay cả cái tên của startup, Bombas, trong tiếng Latin nghĩa là "tổ ong", ngụ ý "nếu tất cả đàn ong cùng cổ gắng, tổ ong chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn".

Về chỉ số tài chính, Bombas được thành lập vào năm 2013 và trước khi lên Shark Tank, họ đã từng huy động thành công số vốn cộng đồng lên tới 140.000 USD trên IndieGoGo.

So với những dòng tất cao cấp trên thị trường được bán với giá lên tới 20 USD/đôi, tất của Bombas chỉ có giá 9 USD trên đôi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt và mang lại cảm giác thoải mái. Ngoài ra, sau khi tính toán hết các chi phí, kể cả chi phí tặng cho người vô gia cư, mỗi đôi tất vẫn mang về tỷ suất lợi nhuận lên tới 50%.

Tính đến thời điểm lên sóng Shark Tank, Bombas đã kinh doanh được 9 tháng và đạt doanh thu 450.000 USD. Tất cả đều là đơn hàng bán lẻ online. Họ không đổ tiền cho martking mà tự khách hàng truyền miệng lẫn nhau.

Cặp đôi thừa nhận tốc độ tăng trưởng có chững lại trong vài tháng, nhưng vẫn kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 1,1 triệu USD trong năm đầu tiên, 2,7 triệu USD cho năm thứ hai và tăng lên 4,9 triệu USD cho năm thứ ba.

Cả hai cũng vừa nhận khoản vốn 900.000 USD từ một quỹ đầu tư mạo hiểm và startup được định giá ở mức 4 triệu USD.

4/5 cá mập rời bế, người còn lại liên tục dọa "không đầu tư"

Với khoản đầu tư từ các "cá mập" trong chương trình, Bombas dự định sẽ dùng để thuê thêm chuyên viên bán hàng và đẩy mạnh doanh số. Tuy nhiên, Shark Lori Greiner lẫn Shark Robert Herjavec không thích ý tưởng này. Họ khuyên startup hãy tự mình tìm cách tiếp cận khách hàng mới và nhanh chóng tuyên bố rút lui khỏi thương vụ.

Shark Kevin O’Leary khẳng định mức định giá 4 triệu USD startup đưa ra quá "lố bịch", trong khi sản phẩm mới chỉ bán online chứ không cọ sát trực tiếp với thị trường. Và ông cũng từ chối đầu tư giống như hai bạn cùng bể.

Shark Mark Cuban, tỷ phú duy nhất trong dàn "cá mập", cho rằng mức giá 9 USD/đôi đi cùng khoản lợi nhuận khoảng 5 USD không phải quá hấp dẫn, nếu so với nhiều đối thủ trong ngành tất. Đồng nghĩa để cạnh tranh, startup cần đi nhanh hơn và đi xa hơn nữa. Vì lý do đó, Mark Cuban không đầu tư.

Như vậy, 4/5 cá mập rút lui, chỉ còn lại Shark Daymond John, người cũng làm trong ngành thời trang và là chủ thương hiệu FUBU. Để câu cá mập duy nhất trong bể, hai nhà sáng lập quyết định nâng mức cổ phần từ 5% lên 10%, tương đương khoản đầu tư 200.000 USD.

Màn đàm phán bắt đầu đến hồi gay cấn. Shark Daymond cảnh báo họ ông cũng đang sẵn sàng rời bể, và mong muốn mức cổ phần hoán đổi là 20%. Đáp lại, startup thỏa thuận khoản đầu tư là 200.000 USD cho 15%, cộng thêm một khoản vay 200.000 USD nữa. Ngay lập tức, yêu cầu mới này bị Shark Robert Herjavec cho là "quá điên rồ".

Shark Daymond "chốt" lại ở mức 17,5% cổ phần cho 200.000 USD, và không muốn thỏa thuận thêm nữa.

Lúc này, cặp đôi sáng lập tỏ ra khá lúng túng trước sức ép của cá mập. Daymond tiếp túc hối thúc họ nếu không quyết định, ông sẽ rút lui. Thậm chí, Shark Daymond còn từ chối yêu cầu thảo luận riêng của cặp đôi với CFO, người đã không đưa ra lời khuyên nào hiệu quả mà để mặc họ giữ mức định giá "lố bịch" là 4 triệu USD.

Sau một vài phút thỏa thuận với nhau, cặp đôi quyết định nhận đề nghị đầu tư của Shark Daymond. Thương vụ chốt ở mức 200.000 USD cho 17,5% cổ phần.


Trái ngọt sau "bể cá mập"

Trái với sự hoài nghi của đa số nhà đầu tư trên sóng Shark Tank, đặc biệt ở ý tưởng càng tặng nhiều lại càng bán được nhiều hàng, Shark Daymond John cuối cùng đã chứng minh được tầm nhìn của mình. Ông cùng làm việc với hai nhà sáng lập trong vấn đề cải thiện thương hiệu và nâng cao nhận thức với khách hàng.

Kết quả là 2018, Bombas kiếm được hơn 100 triệu USD lợi nhuận. Daymond tiết lộ Bombas là một trong ba khoản đầu tư hàng đầu của ông trong series Shark Tank.

Theo SCMP, tính đến tháng 5/2021, Bombas là thương vụ thành công nhất Shark Tank về mặt doanh số. Sau khi bán 42 triệu đôi tất, startup có được khoản doanh thu lên tới 225 triệu USD/năm. Trong khi thương vụ thành công thứ 2 là miếng bọt biển rửa bát Scrub Daddy do Shark Lori Greiner đầu tư đạt mức doanh thu trung bình 209 triệu USD/năm.

Một nguồn tin khác cho biết tính đến tháng 4/2022, Bombas đã nâng mức doanh thu trung bình mỗi năm lên 237 triệu USD. Startup hiện có 160 nhân viên trên toàn thế giới và đã trao tặng 45 triệu đôi tất.

Ngoài sản xuất tất, startup còn mở rộng sang hoạt động sản xuất áo phông và đồ lót, với tập khách hàng mở rộng từ người lớn, người cao tuổi cho tới trẻ em. Bombas nhận hàng loạt đánh giá tích cực từ phía khách hàng, kể cả vì chất lượng sản phẩm lẫn các hoạt động xã hội ý nghĩa mà startup này theo đuổi.


Nhật Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook