Thương vụ sáp nhập 25 tỷ USD của 2 gã khổng lồ bán lẻ Mỹ: ‘Song kiếm hợp bích’ chống lại Amazon, Walmart nhưng bị coi là 'thảm họa'

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 16:28:14

Đây sẽ là một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử bán lẻ Mỹ, vượt qua thương vụ mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD của Amazon.

Ngày 14/10, gã khổng lồ bán lẻ Mỹ Kroger đã thông báo kế hoạch mua lại chuỗi siêu thị Albertsons trong một thỏa thuận trị giá gần 25 tỷ USD. Theo CNN, điều này có thể thay đổi ngành bán lẻ ở quốc gia này đồng thời tác động đến cách hàng triệu khách hàng của họ.

Thỏa thuận trên dự kiến hoàn thành vào năm 2024, sáp nhập hai trong số những chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ và tạo ra một trong những nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất. Hai công ty có tổng cộng 710.000 nhân viên, gần 5.000 cửa hàng và hơn 200 tỷ USD doanh thu. Đến nay, họ đã tiếp cận được tới 85 triệu hộ gia đình Mỹ.

Trong vài năm gần đây, ngành bán lẻ Mỹ đã hợp nhất và thương vụ mua lại của Kroger sẽ mang lại cho họ quy mô lớn hơn để chống lại sự cạnh tranh từ Amazon, Walmart cùng các gã khổng lồ bán lẻ khác. Một số công ty đang chịu áp lực bởi những “thế lực” trên bao gồm chuỗi cửa hàng giảm giá Dollar General và Aldi, hệ thống siêu thị Costco và các cửa hàng tạp hóa trực tuyến.

Việc sáp nhập của Kroger sẽ “đẩy nhanh vị thế của chúng tôi như một giải pháp thay thế hấp dẫn so với các đối thủ cạnh tranh lớn hơn”, ông Rodney McMullen – CEO của Kroger, cho biết trong một tuyên bố ngày 14/10.

Ảnh: Internet.

Theo Morgan Stanley, thị phần kết hợp của công ty sau sáp nhập trong ngành tạp hóa trị giá 1,4 nghìn tỷ USD của Mỹ sẽ là 13,5%. Điều này giúp họ trở thành chuỗi tạp hóa lớn thứ hai sau Walmart (thị phần 15,5%).

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các công ty phải đối mặt với chi phí cao hơn và lạm phát lương thực đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ tại Mỹ. Giá tại các cửa hàng tạp hóa tiếp tục tăng cao trong tháng trước.

Kroger cho biết thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và họ sẽ sử dụng nửa tỷ USD tiết kiệm chi phí từ việc sáp nhập để điều chỉnh giá thấp hơn. Albertsons được biết đến là có giá cao hơn Kroger và các nhà phân tích cho rằng Kroger đang tìm cách giảm giá hàng hóa của công ty sau sáp nhập để thu hút người tiêu dùng.

Hiện, Kroger và Albertsons đang vận hành hàng chục chuỗi cửa hàng tạp hóa. Trong khi Kroger điều hành Ralphs, Harris Teeter, Dillons, Fred Meyer và một số đơn vị khác, Albertsons sở hữu Safeway và Vons. Hai công ty cho biết họ sẽ tách ra gần 400 cửa hàng để tạo thành một đối thủ mới trong ngành. Các nhà phân tích cho rằng một số cửa hàng sẽ đóng cửa nếu thỏa thuận được thông qua đồng thời bày tỏ lo ngại về vấn đề độc quyền.

Joseph Feldman - nhà phân tích tại Telsey Advisory Group, cho biết: “Một thỏa thuận ở quy mô này sẽ có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý chống độc quyền. Vì vậy, có thể sẽ mất nhiều thời gian để được phê duyệt”.

Trong khi đó, một số cơ quan giám sát đã phản đối mạnh mẽ thỏa thuận của Kroger vì cho rằng nó sẽ gây ra sự cạnh tranh. Bên cạnh đó, nó cũng có thể thúc đẩy một làn sóng hợp nhất mới trong ngành giữa các công ty nhỏ hơn đang cố gắng tăng tính cạnh tranh của mình.

Ảnh: Internet.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders gọi đây là một "thảm họa lớn" và kêu gọi chính quyền Mỹ từ chối thỏa thuận. Bà Lina Khan - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), là một trong những người chỉ trích việc hợp nhất của Kroger và Albertsons. Trước đó, cơ quan này từng ngăn chặn một số thương vụ sáp nhập lớn trong ngành bán lẻ tại Mỹ.

Theo CNN, FTC hiện đang xem xét các hoạt động chống cạnh tranh trong ngành hàng tạp hóa. Năm ngoái, họ còn yêu cầu Kroger cùng một số nhà bán lẻ khác cung cấp thông tin về việc để nhiều kệ hàng trống và giá hàng hóa tăng cao.

Một tổ chức chống độc quyền của Mỹ cho biết “việc sáp nhập sẽ là thảm họa đối với cạnh tranh thị trường, các doanh nghiệp nhỏ và đặc biệt là túi tiền của người tiêu dùng”.

Ảnh: Internet.

Trước đó, thương vụ thâu tóm Whole Food của Amazon cũng từng chịu một số chỉ trích liên quan đến vấn đề độc quyền. Nó cho thấy Amazon có tham vọng tấn công mảng kinh doanh bán lẻ truyền thống với các cửa hàng vật lý ngay cả trong thời điểm nhiều hãng bán lẻ khác chật vật hay thậm chí là phá sản vì sự bành trướng của Amazon và thương mại điện tử.

Sự phát triển của Amazon và Walmart đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều chuỗi siêu thị tại Mỹ bị ảnh hưởng. Sau thông tin Amazon mua lại Whole Foods, Kroger dự kiến lợi nhuận của họ trong năm đó sẽ thấp hơn dự đoán của Phố Wall.

Theo Forbes, thương vụ của Amazon đã khiến các hãng bán lẻ truyền thống như “ngồi trên đống lửa”. Do đó, họ bắt đầu đầu tư mạnh hơn vào dịch vụ bán hàng trực tuyến và dịch vụ giao hàng. Walmart sau đó đã triển khai dịch vụ giao nhận thực phẩm không giới hạn với mức phí 98 USD/năm trong khi Kroger triển khai dịch vụ giao nhận thực phẩm tới khách hàng trong vòng 30 phút.


Nguồn: CNN, Forbes


Mộc Tiên

Chia sẻ Facebook