Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư
Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư
Truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư tại dự án luật Nhà ở sửa đổi sau phiên họp 21 hôm 17/3 vừa qua.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ lưu ý, cần bổ sung quy định có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng.
“Đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đề nghị xây dựng 2 phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của Cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến” , Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Vấn đề bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn nhận được nhiều ý kiến quan tâm tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào ngày 17/3.
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ theo quy định của luật.
Giải trình ý kiến tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng việc trình phương án sở hữu nhà chung cư như dự thảo là vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng.
“Dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Các chuyên gia đều phản đối quy định nàyTại các hội thảo góp ý trước đó, các chuyên gia đều phản đối quy định này do cho rằng can thiệp tới quyền sở hữu tài sản của người dân. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói đa số người dân có tâm lý coi nhà ở, trong đó có căn hộ chung cư vừa là “tiêu sản” (dùng để ở, thụ hưởng) vừa là “tích sản” (tích lũy tài sản, làm của cải để dành). Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển, có thể còn mất nhiều năm nữa mới đạt mức GDP 7.000 USD/người, nên giá trị bất động sản, nhà đất, nhất là đất, thường có xu thế tăng giá theo thời gian. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đối với rất nhiều người, căn hộ chung cư là một tài sản rất lớn, tích cóp cả đời. Sau một thời gian, cho dù là sau 80 năm, họ không còn được sở hữu nữa và con cháu họ cũng không được thừa kế là điều rất khó được chấp nhận. Trong khi đó, tại sao một chiếc xe máy, một chiếc ô tô hết hạn sử dụng người ta vẫn được quyền sở hữu, còn một căn hộ thì không? Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho rằng thời hạn sở hữu nhà chung cư tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Vì thế, ông đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Luật sư Trần Xuân Tiền, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho hay “với tâm lý an cư lạc nghiệp, đa số người dân bỏ tiền ra đều muốn sở hữu căn hộ chung cư cùng với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài. Không nên vì khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong nhiều năm qua mà đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn”. |
Khánh Vy (t/h)
HoREA: Cần bỏ đề xuất "chấm dứt quyền sở hữu khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư"
Hôm 13/2, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản góp ý gửi đến Bộ Xây dựng để phản đối đề xuất của Bộ này trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).