Thương vụ mua Twitter và trò đùa quá trớn của Elon Musk

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 19:44:58

Ngay từ đầu, tuyên bố mua Twitter có thể chỉ là một trò đùa vô bổ nhưng rất tốn kém của Elon Musk.

Những ngày gần đây, Elon Musk đang gây bão mạng xã hội khi tuyên bố không mua lại Twitter nữa. Hành động này đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Matt Levine – biên tập viên tờ Bloomberg đã có bài viết bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Tôi nghĩ nên bắt đầu từ việc nhìn vào bức tranh lớn. Elon Musk là người giàu nhất thế giới và giống như nhiều người giàu có khác, ông ấy có những sở thích không giống bình thường và dĩ nhiên khá đắt đỏ. Một trong những sở thích đó là ông thỉnh thoảng giả vờ rằng mình sẽ mua một công ty đại chúng.

Ông ấy dường như coi đó là niềm vui. Nhưng tại sao lại vậy? Khi Musk vờ tỏ ra là mình sẽ mua một công ty đại chúng, việc này sẽ tạo ra một drama lớn mà ở đó, Musk là trung tâm của vấn đề. Chưa kể khi ấy, ông sẽ có quyền ra lệnh cho mọi người, quy tụ nhiều ngân hàng, luật sư và các quỹ tài chính khác nhau để giúp đỡ mình.

Nhưng đó thực sự là một sở thích đắt đỏ! Vào năm 2018 khi Musk nói rằng ông đang tính đưa Tesla thành công ty tư nhân, ông đã phải trả cho SEC 20 triệu USD tiền phạt và không còn là chủ tịch HĐQT Tesla. Theo SEC, hành động của Musk là gian lận, thao túng chứng khoán. Nhưng sự thèm muốn với việc mua một công ty đại chúng của Musk chắc chắn vẫn không suy giảm.

Vì thế vào tháng 4 này, Musk tuyên bố ông muốn mua lại Twitter. Tại sao không? Musk dường như rất thích thú khi sử dụng Twitter và vờ mua Twitter là một cách tốt để tạo drama trên Twitter. Tại thời điểm đó, tôi cá là như việc đưa Tesla thành công ty tư nhân, ông ấy cũng chỉ đùa thôi. "Thông thường, nếu một CEO tỷ phú của công ty đại chúng muốn mua một công ty, tỷ lệ người này đang đùa là khá thấp. Nhưng nếu là Elon Musk, tỷ lệ này là 50:50".

Việc gây bất ngờ với tôi là sau đó, Musk đã rất nhanh chóng, xông xáo thu xếp tài chính (trả hàng triệu USD tiền phí cho ngân hàng để có được thư cam kết cung cấp vốn) và ký thỏa thuận với Twitter. Nếu thực sự Musk giả vờ sẽ mua Twitter, những việc làm kể trên thực sự gây ra hậu quả to lớn.

Nhưng lịch sử cho thấy, đây không phải lần đầu tiên Musk làm như vậy. Ông đã bán 20.000 súng phun lửa khi đùa về đồ vật này. Ngoài ra ông cũng thành lập công ty Boring để thực hiện trò đùa về một đường hầm. Liệu việc thu xếp hàng tỷ USD và ký thỏa thuận với Twitter kèm theo điều kiện và mức phạt 1 tỷ USD nếu hủy hợp đồng cũng là một trò đùa? Tôi đoán là không ai có thể làm vậy nhưng Musk thì có thể!

Dù là thế nào đi chăng nữa, ngay sau khi ký thỏa thuận, thị trường đã đi xuống. Cổ phiếu Twitter đóng cửa ở mức 44,48 USD vào ngày 12/4 – một ngày trước khi Musk đưa ra lời đề nghị. Ông đã đồng ý ở mức giá 54,2 USD mỗi cổ phiếu. Kể từ sau đó cổ phiếu Twitter đã mất dần giá trị. Cổ phiếu công ty đóng cửa ở mức 36,81 USD vào ngày thứ 6 và cổ phiếu các công ty công nghệ khác cũng giảm đáng kể kể từ tháng 4.

Trong khi đó, cổ phiếu Tesla – nguồn chính tạo ra khối tài sản của Elon Musk đã giảm 27% kể từ khi ông tuyên bố mua twitter. Twitter có giá rẻ hơn cả mức giá Elon Musk đề nghị mua và Musk đang nghèo đi so với khi ông đòi mua mạng xã hội này. Nếu thực sự không có ý định đùa cợt ngay từ đầu, đây có thể là lý do Musk không muốn mua Twitter nữa.

Tuy nhiên, vẫn còn khả năng bỏ ngỏ rằng Musk đùa khi ký kết thỏa thuận này. "Elon Musk mơ hồ nghĩ rằng sẽ khá vui nếu sở hữu Twitter vì vậy ông đã ký thỏa thuận mà không xem xét nghiêm túc và sau đó mất hứng thú chỉ vài tuần sau". Phản ứng đầu tiên của tôi với lời đề nghị của ông ấy mua Twitter là "chắc chỉ là trò đùa". Chỉ là sau đó, Musk dường như thực hiện nhiều cam kết hơn tôi dự tính.

Chia sẻ Facebook