Thương vụ GoTo - cú hích cho làn sóng IPO công nghệ Đông Nam Á?
GoTo, startup hàng đầu Indonesia vừa có vụ IPO thắng lợi tại sàn chứng khoán Jakarta. Nhưng triển vọng làn sóng IPO Đông Nam Á “cất cánh” trong năm nay vẫn là dấu hỏi.
Khởi đầu thuận lợi của GoTo
Không ngoài kỳ vọng, "kỳ lân" công nghệ số 1 quốc gia vạn đảo GoTo đã thu về hơn 1,1 tỷ USD, đạt giá trị vốn hóa khoảng gần 30 tỷ USD sau vụ IPO hồi tuần trước. Theo số liệu từ Refinitiv, những con số trên giúp GoTo trở thành thương vụ IPO lớn thứ 5 trên toàn cầu kể từ đầu năm. Giá cổ phiếu của hãng cũng đã có màn ra mắt ấn tượng tại Sàn chứng khoán Jakarta, khi có thời điểm tăng tới 23% ngay trong phiên đầu.
Ngay cả Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã gửi lời chúc mừng thương vụ thành công đến GoTo qua một thông điệp video: "Tôi hi vọng vụ IPO này sẽ góp phần tạo động lực cho giới trẻ bỏ nhiệt huyết của mình vào thúc đẩy nền kinh tế Indonesia".
Được thành lập hồi năm ngoái bằng sự sáp nhập hai startup công nghệ hàng đầu nước này - nền tảng gọi xe công nghệ Gojek và hãng thương mại điện tử Tokopedia, GoTo có quan hệ đối tác với hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Indonesia.
Đó phần nào được xem là lý do khiến hãng quyết định tiến hành tiến hành gọi vốn IPO ở trong nước. Như CEO Andre Soelistyo bình luận: "Không có thời điểm nào là hoàn hảo cho thương vụ này. Nhưng chúng tôi đã quyết định sẽ tập trung vào thị trường Indonesia, tìm kiếm cơ hội từ các đối tác trong nước".
Theo GoTo, lợi thế của hãng đến từ hệ sinh thái dịch vụ "độc nhất vô nhị", giống như sự cộng gộp của cả Uber, DoorDash và Amazon tại Mỹ, và còn đi kèm cả mảng thanh toán điện tử. Trong khi với các startup công nghệ lớn khác tại Đông Nam Á, Grab không hoạt động ở mảng thương mại điện tử, còn hệ sinh thái Internet của Sea chỉ hiện diện rất nhỏ với dịch vụ gọi xe.
Màn ra mắt mạnh mẽ của GoTo cũng là một cú hích cho những đại gia đã đổ tiền vào startup này như quỹ Vision Fund 1 của Softbank hay Alibaba, vốn đang chứng kiến nhiều khoản đầu tư của mình rớt giá mạnh từ làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ hồi cuối năm ngoái.
Làn sóng IPO Đông Nam Á vẫn diễn biến thận trọng
Phát biểu trước thềm vụ IPO, CEO Soelistyo từng bày tỏ kỳ vọng "GoTo sẽ là người dọn đường để các startup Indonesia có thể lên sàn, và giúp thị trường vốn của chúng tôi ngày càng mở rộng trong tương lai".
Theo Reuters, một số startup công nghệ khác từ Indonesia cũng đang có kế hoạch IPO sau thương vụ này, trong đó cóTiket.com, một nền tảng du lịch trực tuyến, hay TokoCrypto – một đơn vị chuyên về blockchain và tiền mã hóa, có sự chống lưng từ ông lớn tiền số Binance. "Vụ IPO GoTo là một bước ngoặt với Indonesia" – Joel Shen, chuyên gia từ hãng luật toàn cầu Wither nhận định, "Các startup của nước này đã theo dõi sát sao thương vụ trên, và một làn sóng các đợt IPO tiếp theo hoàn toàn có thể diễn ra".
Dù vậy, GoTo mới chỉ được xem là phép thử đầu tiên cho tâm lý nhà đầu tư, sau khi chứng kiến những tên tuổi công nghệ hàng đầu tại Đông Nam Á rớt giá nghiêm trọng thời gian qua. Cuối năm ngoái, đối thủ chính của Gojek tại thị trường Đông Nam Á là Grab đã có vụ niêm yết đình đám tại sàn Nasdaq (Mỹ), với vốn hóa lên tới gần 40 tỷ USD. Tuy nhiên kể từ sau thời điểm đó, giá trị cổ phiếu của hãng đã sụt giảm khoảng 70%. Cổ phiếu của Sea cũng chứng kiến mức giảm hơn 60% kể từ đầu năm trên sàn New York.
Việc lựa chọn sàn chứng khoán Jakarta và chỉ bán cho nhà đầu tư trong nước, cũng được xem là một bước đi "tránh gió" của GoTo, khi mà thị trường của Indonesia đi ngược xu thế toàn cầu trong năm nay, tăng hơn 5% tính tới trước khi vụ IPO diễn ra. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng chưa quên "bài học" từ Bukalapak, "kỳ lân" đầu tiên của Indonesia lên sàn. Dù niêm yết nội địa, nhưng công ty này vẫn chứng kiến vốn hóa sụt giảm gần 2/3 kể từ khi IPO vào tháng 8 năm ngoái.
Các điều kiện vĩ mô không mấy thuận lợi, như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất nhằm mục tiêu chống lạm phát, hay diễn biến xung đột tại Ukraine, đã tạo ra cú sốc mạnh cho các thị trường tài chính, và khiến giới đầu tư thêm dè dặt với những công ty khởi nghiệp vẫn chưa có khả năng sinh lời.
Điều này cũng đúng với bản thân GoTo, khi hãng đang phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ Grab, Sea và nhiều hãng công nghệ khác ngay trên "sân nhà" Indonesia, nền kinh tế số lớn nhất khu vực. Grab thậm chí đã vượt qua Gojek ở mảng giao đồ ăn, và cuộc đua tay ba giữa các tên tuổi này cũng đã bắt đầu lộ diện ở một số lĩnh vực mới như tín dụng và tài chính trực tuyến. Trong bản hồ sơ IPO, GoTo đã lỗ ròng hơn 530 triệu USD riêng trong 7 tháng đầu năm 2022.
Patrick Cao, chủ tịch của GoTo thừa nhận các điều kiện hiện nay, trong đó có tình hình cổ phiếu của những kỳ lân công nghệ Đông Nam Á khác đã có ảnh hưởng tới việc định giá công ty: "Nếu không có những cú sốc vĩ mô trong thời gian qua, chúng tôi đã có thể IPO với mức giá cao hơn. Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã may mắn với cơ hội của mình".
Trong dài hạn, các công ty như GoTo, Grab và Sea đều sẽ phải đối diện với sự theo dõi sát sao hơn từ các cổ đông về khả năng sinh lời. Ông Jianggan Li, CEO quỹ đầu tư công nghệ Momentum Works nhận định: "Các công ty này cần chứng minh được rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình cuối cùng sẽ sinh lời, và những sản phẩm mới như dịch vụ tài chính số là các dịch vụ nhiều tiềm năng – một con đường còn rất gập ghềnh. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nhỏ lẻ có thể sẽ chuyển hướng sang các startup nhỏ hoặc trung bình đang có hoạt động tốt".
Với GoTo, hãng vẫn tỏ ra lạc quan rằng, tình hình thời gian tới sẽ thuận lợi để hãng có thể tính tới kế hoạch niêm yết song song tại Mỹ. "Chúng tôi sẽ theo dõi các điều kiện thị trường thời gian tới, và sau đó sẽ xác định khi nào có thể thực hiện niêm yết song song".