Thượng viện Mỹ cấm nhập khẩu dầu, tước quy chế tối huệ quốc với Nga
100/100 thượng nghị sĩ Mỹ đã bỏ phiếu tán thành việc cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga và ngừng quy chế tối huệ quốc, mở đường cho việc tăng thuế với các mặt hàng khác nhập khẩu từ Nga.
Phiên bỏ phiếu ngày 7-4 diễn ra nhanh chóng khi 100% thượng nghị sĩ tán thành. Theo báo New York Times , dự luật sẽ được chuyển đến Hạ viện Mỹ cùng ngày để bỏ phiếu thông qua một lần nữa trước khi đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden.
Hạ viện đã thông qua một dự luật tương tự vào tháng trước, nhưng khi đưa lên Thượng viện đã tạo ra cuộc tranh cãi không hồi kết, đặc biệt là những đoạn về nhân quyền mà thượng nghị sĩ Rand Paul cho là quá rộng.
Nhà chức trách Mỹ có quyền nâng thuế hoặc áp thuế quan bổ sung với hàng hóa Nga nhập khẩu vào nước này nếu luật có hiệu lực.
Đối với luật cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga, báo New York Times cho rằng động thái này chỉ có ý nghĩa về biểu tượng.
Tác động thực tế sẽ không lớn như kỳ vọng do Mỹ không phải là nhà nhập khẩu năng lượng lớn của Nga.
Tương tự, việc đình chỉ "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" (cách mà Mỹ gọi quy chế tối huệ quốc) cũng chỉ có tác động hạn chế do Mỹ không phải là bạn hàng lớn của Nga.
Năm ngoái Mỹ nhập khẩu chưa tới 30 tỉ USD các loại hàng hóa từ Nga, trong đó có 17,5 tỉ USD dầu thô.
Theo quy chế tối huệ quốc, các nước là thành viên WTO cam kết sẽ dành những ưu đãi thương mại tương tự nhau với các thành viên khác cùng thuộc tổ chức này.
Việc đình chỉ quy chế này cho phép Mỹ áp dụng mức thuế không ưu đãi với hàng hóa Nga, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với hàng hóa tương tự của nước khác.
Để các biện pháp trừng phạt thực sự ảnh hưởng đến quyết định của Nga ở Ukraine, theo New York Times , Liên minh châu Âu cần là lực lượng tiên phong.
Khối này là thị trường lớn của Nga và nhập khẩu nhiều năng lượng nên một lệnh cấm dầu mỏ - khí đốt hay đình chỉ quy chế tối huệ quốc sẽ có tác động lớn hơn Mỹ.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đề xuất cấm nhập khẩu than đá từ Nga trong nỗ lực chặn nguồn tiền "tài trợ cho cỗ máy chiến tranh ở Ukraine". Đề xuất này cần phải nhận được sự tán thành của 27 nước thành viên.
Nếu được thông qua, lệnh cấm này có thể khiến Nga thiệt hại khoảng 4 tỉ USD mỗi năm, một con số tương đối khiêm tốn so với số tiền Nga thu được từ bán dầu và khí đốt cho châu Âu.
"Chúng ta đã cấp cho Ukraine khoảng 1 tỉ euro, và 1 tỉ euro cũng là số tiền châu Âu trả cho Tổng thống Nga Vladimir Putin mỗi ngày vì nguồn năng lượng nước ông ấy cung cấp" - Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell nói.