Thưởng trà không nhất thiết phải “chuyên”, chỉ cần là khoảnh khắc đẹp

Chia sẻ Facebook
02/02/2023 20:04:41

Văn hóa ẩm trà bác đại tinh thâm, tất nhiên cũng chú trọng đến nghệ thuật thưởng thức một cách tinh tế. Tuy nhiên người ta không nhất thiết cần đặt công phu vào việc thưởng trà mới có thể khám phá loại trà yêu thích của mình và cách uống trà dễ chịu nhất. Thưởng trà đôi khi chỉ cần trở thành một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống là đủ.

(Ảnh minh họa: AboutLife, Shutterstock)

Mỗi người đều có những sở thích khác nhau, vậy nên chỉ cần là loại trà hợp khẩu vị của bạn thì đã là trà ngon rồi. Danh tiếng và giá cả của trà còn là kết quả của cung và cầu trên thị trường, một số loại trà đắt đỏ là có lý do, nhưng chưa hẳn bạn đã cảm nhận được vị ngon của chúng.

Có người thích uống trà vì vị chát của nó. Cũng có người thích uống trà vì “hậu vị” ngọt của nó. Trước chát sau ngọt, đó chính là đạo lý của cuộc đời. Thường thì trà có dư vị ngọt sẽ đắt hơn. Trà không quá chát giá cũng sẽ cao hơn một chút.

Tất cả các loại trà đều có mùi thơm riêng. Trên cùng một vùng đất nhưng khác loại trà, hay cùng một loại trà nhưng khác vùng đất, hay khác mùa… thì hương thơm của chúng cũng sẽ có sự khác biệt. Điều này chỉ cần hơi để ý một chút là có thể phát hiện ra.

Thời xưa nguồn nước dùng để pha trà cũng rất quan trọng, nhưng ngày nay thì chỉ cần dùng “nước mềm” cũng khả dĩ rồi. Nước mềm là nước đã qua lọc, chứa ít khoáng chất hòa tan hơn, khi uống trà sẽ cho cảm giác “sánh mịn” hơn.

Thưởng trà

Nếu trời lạnh thì trước tiên hãy đổ chút nước nóng vào ấm, đợi một chút rồi đổ ra. Bởi nếu ấm lạnh thì khi pha trà ấm sẽ hấp thụ nhiệt và khiến nước trà không đủ độ nóng. Với những chiếc ấm nhỏ, lá trà thường cho khoảng chưa đến nửa ấm là đủ, bởi vì lá trà còn cần có không gian giãn nở.

Khi mới rót nước nóng vào ấm đã có trà, cần lập tức đổ nước đầu này vào chén to, sau đó có thể dùng nước này để tráng các chén khác. Mục đích của nước đầu chỉ là để các lá trà đang cuốn chặt vào nhau giãn nở ra. Nước này cũng dùng để làm ấm các chén trà, nhưng không phải để uống.

Lại rót nước nóng vào ấm và ủ trà, tùy theo thời gian thích hợp, nhưng cũng không quá lâu. Nếu có nhiều người cùng thưởng trà thì nên có một chén to để rót, sau đó rót từ chén này ra các chén trà. Làm như vậy thì độ đậm nhạt của nước sẽ không chênh nhau. Nếu không có chén to, thì hãy xếp các chén thành hàng, rót qua lại đều tay. Các nước trà tiếp sau sẽ cần thời gian ủ lâu hơn nước trà đầu.

Nâng chén trà lên, hãy dành thời gian ngửi hương thơm, nhìn màu sắc một chút, sau đó nhấp một ngụm nhỏ để biết vị, rồi mới từ từ uống cạn.

Khi thưởng thức trà không nên dùng đồ ăn nhẹ mà hãy dùng món điểm tâm. Món điểm tâm không nên dùng các loại kẹo bơ sữa, kẹo trái cây làm át vị trà, mà hãy dùng đồ từ hạt hoặc bánh ít ngọt. Khi thưởng thức trà khuya cũng có thể chuẩn bị một chút đồ điểm tâm.

Nếu muốn để ý thêm về nghi thức

Uống trà là một việc thư giãn và thoải mái, nhưng khi có khách thì cũng cần chú ý một số nghi thức cần thiết.

Là chủ nhân thì khi nước gần chạm đáy cần nhanh chóng rót thêm. Nếu phát hiện thấy có cặn trà thì nên tráng lại chén cho khách. Nếu nước trà có vị nhạt thì phải kịp thời thay lá trà mới.

Để phù hợp với lễ nghĩa, hãy cố gắng sắp xếp người lớn tuổi hoặc những vị khách quan trọng ngồi ở phía bên tay trái gần người pha trà nhất. Bởi thông thường người ta sẽ rót theo trình tự từ trái qua phải, cuối cùng mới đến gia chủ.

Nghi thức thưởng trà đòi hỏi phải ăn mặc chỉn chu và rộng rãi, còn cần có phong thái trang trọng và tự nhiên.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Trà đạo hay trà nghệ, hoa đạo hay hoa nghệ?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook