Thương Thánh Phạm Lãi và bí quyết “giàu mà có đức”
Một lý do quan trọng khiến Phạm Lãi trở nên giàu có trong kinh doanh là đạo lý “giàu mà có đức”. Mặc dù trở thành đại phú ông, Phạm Lãi luôn trọng nghĩa khinh tài, thường xuyên làm việc thiện.
Câu chuyện “Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật”, chắc hẳn không xa lạ gì với nhiều người. Cuối cùng, dưới sự trợ giúp của một số trọng thần, Câu Tiễn đã đánh bại Ngô Vương, trở thành một bá chủ thời Xuân Thu. Trong số các trọng thần bày mưu tính kế phụ giúp Câu Tiễn thành tựu, có một người rất quan trọng là Phạm Lãi. Phạm Lãi không chỉ được nhìn nhận như một vị quân sư tài trí, mà cũng được hậu thế tôn sùng là một vị Thương Thánh “giàu mà có đức”.
Phạm Lãi sau khi trợ giúp Câu Tiễn phục quốc thành công đã lựa chọn lui thân, không làm quan, mà quay sang kinh doanh buôn bán. Ông được hậu nhân dùng cách nói “lấy lòng trung phụng sự quốc gia, biết dùng trí để giữ thân, biết kinh doanh nên giàu có, từ đó mà danh nổi tại thiên hạ” để khen ngợi .
Thông minh cơ trí, trung thành với đất nước
Khi Câu Tiễn bị Ngô Vương Phù Sai bao vây ở Cối Kê, Phạm Lãi đã khuyên nhủ: “Vào lúc nguy cấp thì điều quan trọng nhất là bảo toàn tính mạng, quản gì việc dùng lời lẽ khiêm nhượng, lấy lễ hậu để lấy lòng vua Ngô, quản gì việc cúi người hầu hạ vua Ngô” . Thế là Câu Tiễn trải qua nhiều năm bị cầm tù giam lỏng, nằm gai nếm mật, nhẫn nhục cam chịu, cuối cùng đánh bại Phù Sai, rửa sạch được nỗi nhục ở Cối Kê, trở thành bá chủ.
Trong giai đoạn đối đầu giữa hai nước, ngoài hai vị quân vương ra, nhân vật hết sức quan trọng ở nước Ngô là Ngũ Tử Tư và Thái tể Bá Hi, ở nước Việt là hai vị đại phu Văn Chủng và Phạm Lãi. Trong đó, Phạm Lãi đã dựa vào cơ trí, đưa ra kỳ mưu, trở thành nhân vật truyền kỳ trợ giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc.
Nước Việt sau khi phục quốc, Phạm Lãi không tham tước cao lộc hậu, lại cực kỳ hiểu rõ con người Câu Tiễn là “có thể cùng chịu khổ nhưng không thể cùng hưởng vinh hoa”, Phạm Lãi liền phân chia gia tài của mình cho người thân và bạn bè ở quê nhà, sau đó từ bỏ quan tước, bí mật ra đi. Ông đến nơi giao thông tấp nập trong thiên hạ, “chuyển nghề” sang buôn bán.
Bí quyết làm giàu
Với tài năng cơ trí của Phạm Lãi, tất nhiên có thể thấy là làm giàu không khó. Trong “Sử ký” đã miêu tả về sách lược tích lũy tài sản của Phạm Lãi: “Tích trứ chi lí, vụ hoàn vật, vô tệ tức. Dĩ vật tương mậu dịch, hủ bại nhi thực chi hóa vật lưu, vô cảm cư quý”.
“Vụ hoàn vật” nghĩa là phải bảo đảm chất lượng của thương phẩm, ví như bán thứ dễ hỏng phải bán trong lúc nó còn tốt, bán một cách nhanh nhất. “Vô tệ tức” có nghĩa là phải đẩy nhanh quá trình lưu thông tiền tệ, đừng vì tham muốn để lấy được món lợi nhuận kếch xù mà tích trữ hàng hóa. Khi thương phẩm đắt giá thì phải xem khả năng nó chuyển sang hướng rẻ để bán đi kịp thời, khi thương phẩm rẻ thì kịp thời mua vào… Nói chung, theo Phạm Lãi thì hàng hóa và tiền chỉ có không ngừng lưu thông thì mới có thể đạt được lợi nhuận.
Những đạo lý này thì thương nhân về cơ bản là biết, chỉ là không giữ được tâm mình mà thôi. Nhưng chỉ là vậy thì có tạo nên được Thương Thánh Phạm Lãi?
Giữ tâm nhân hậu, giàu mà có đức
Phạm Lãi dựa vào thành thật, giữ chữ tín nên rất được dân chúng đón nhận. Hơn nữa, ông còn kết thiện duyên một cách rộng rãi với nhiều người, thường xuyên giúp đỡ những người cần trợ giúp, chính điều này đã giúp ông có nhiều đối tác kinh doanh và cũng cho phép ông có được những lợi ích bất ngờ khi cần thiết.
Có một câu chuyện như vậy. Việc kinh doanh của Phạm Lãi có lúc không đủ tài chính. Phạm Lãi đã vay của một người mười vạn tiền. Một năm sau, người đó mang theo khế ước theo hẹn tới đòi nợ, không may bọc khế ước và tiền lộ phí bị rơi xuống sông nước. Người kia tìm đến nhà Phạm Lãi và nói rõ ngọn ngành. Dù không có khế ước nhưng Phạm Lãi vẫn trả đủ cả gốc và lãi, đồng thời cũng tặng lại một chút tiền lộ phí. Tấm lòng lương thiện của Phạm Lãi được truyền rộng trong thiên hạ. Cũng nhờ vậy mà khi gặp khó khăn, người khác đều sẵn lòng giúp Phạm Lãi vượt qua.
Trong kinh doanh, Phạm Lãi coi trọng nhân nghĩa, cũng không hám lợi. Đối với người hợp tác cùng, ông khiêm tốn nhún nhường. Đối với người làm thuê thì rộng rãi hào phóng. Khi gặp phải năm không may giảm sản lượng, thì ông miễn giảm địa tô, còn phát gạo cứu tế. Cứ vào đầu năm, ông và nông dân, thương nhân sẽ ký kết hiệp ước thu mua thương phẩm, nhưng đến cuối năm nếu như giá cả thương phẩm tăng lên thì Phạm Lãi sẽ chiếu theo giá cả hiện tại của thị trường lúc đó mà thu mua. Còn nếu như giá xuống, ông vẫn nghiêm khắc giữ giá, thực hiện hiệp ước.
Phạm Lãi hai lần tích lũy tài phú đến cực điểm, được xưng là “phú khả địch quốc” , tài sản có thể sánh với cả một quốc gia. Tuy vậy khi làm được điều này, ông lại phân tán hết tài sản của mình, rồi chuyển chỗ ở. Đến nơi ở mới, chỉ một thời gian ngắn sau, ông lại nhờ kinh doanh mà tích lũy được tài sản không nhỏ, rồi lại phân phát hết tài sản của mình. Một lần từ bỏ quan cao lộc hậu, hai lần tán phát tài sản rời đi, điều này đã làm nên truyền kỳ về Phạm Lãi.
Trong “Sử ký” , Tư Mã Thiên viết về Phạm Lãi rằng: “Phạm Lãi ba lần đổi chỗ ở mà thành danh trong thiên hạ. Không phải ông chỉ bỏ đi một cách dễ dàng và thế là hết. Ông ở đâu là nổi danh ở đấy”.
Nhiều người không hiểu vì sao Phạm Lãi nhiều lần đạt đến đỉnh cao rồi lại tự hạ mình xuống. Kỳ thực đây chính là đạo lý “vật cực tất phản” , người ta chỉ biết dùng phúc đức mà đổi lấy giàu có, chứ không mấy ai hiểu rằng phúc đức hết rồi, giàu có đến đỉnh điểm rồi, thì sẽ rất nhanh rơi rớt xuống. Lúc này chỉ có hành thiện tích đức, thậm chí tán đi sự giàu có và tài phú thì phúc đức mới có thể được giữ không cạn.
Nhìn chung, chính bởi vì bí quyết làm giàu của Phạm Lãi là “giàu mà có đức” nên ông mới có được thành tựu lớn, mới được hậu nhân tôn xưng là “Thương Thánh” .
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Tìm hiểu cách làm giàu của thương gia thời xưa
Mời xem video :