Thương mại điện tử Trung Quốc thấm đòn giảm tốc kinh tế

Chia sẻ Facebook
17/09/2022 04:28:52

Mặc dù đã có một số dấu hiệu hồi phục nhưng tôi nghĩ rằng sẽ cần thêm nhiều thời gian để mọi thứ trở lại như cũ cũng như niềm tin của người tiêu dùng quay lại


Theo tờ Wall Street Journal, người tiêu dùng Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu và ngày càng khắt khe hơn trong việc mua hàng trực tuyến trước bối cảnh nền kinh tế nước này giảm tốc. Hậu quả là hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh của những ông lớn trong ngành trở nên ảm đạm.


Trong quý II/2022, tập đoàn Alibaba lần đầu tiên báo cáo sụt giảm doanh thu trong khi JD.com cũng cho thấy mức tăng trưởng chậm nhất lịch sử. Ngoài sự suy giảm về chi tiêu của khách hàng thì việc đại dịch phức tạp cũng khiến chuỗi cung ứng của ngành thương mại điện tử chịu ảnh hưởng.

Mặc dù các CEO và chuyên gia kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III/2022 nhưng với tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện nay thì khó nói trước được điều gì. Mới đây, Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa Thành Đô, nơi có 21 triệu dân, và Thâm Quyến, trung tâm tài chính kinh tế lớn để phòng chống dịch bệnh.

Thị trường lớn nhất thế giới

Theo số liệu chính thức, Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới với tổng mức chi tiêu online lên đến 6,1 nghìn tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên ảnh hưởng từ đại dịch đang khiến đà tăng trưởng của thương mại điện tử chững lại.

Báo cáo của Insider Intelligence cho thấy doanh số thương mại điện tử của Trung Quốc chỉ tăng 9,1% trong năm 2022, thấp nhất kể từ năm 2008 và thấp hơn mức 9,4% của Mỹ.

Quay trở lại câu chuyện của Alibaba, tập đoàn này công bố suy giảm 0,1% doanh thu trong quý II, điều lần đầu tiên diễn ra kể từ khi niêm yết vào năm 2014. Nguyên nhân chính là do doanh số thương mại điện tử ở thị trường Trung Quốc giảm tới 1%.

Chính CEO Daniel Zhang của Alibaba đã phải thừa nhận rằng dịch bệnh khiến doanh số của các nền tảng như Taobao hay Tmall của họ giảm mạnh ở Trung Quốc.


Tương tự, đối thủ của Alibaba là JD.com cũng công bố tăng trưởng doanh thu 5,4% trong quý II, mức chậm nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2014.

Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Pinduoduo Inc, nền tảng thương mại điện tử thường xuyên có khuyến mãi và khá nổi tiếng trong giới thu nhập thấp là có mức tăng trưởng doanh thu lên đến 36%. Tuy con số này chỉ vào khoảng 4,7 tỷ USD, tương đương 15% doanh thu của Alibaba nhưng nó cho thấy người dân Trung Quốc đang chi tiêu tiết kiệm hơn.

Theo WSJ, người tiêu dùng Trung Quốc đang phải đối mặt với mức tăng lương chậm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và lạm phát đi lên. Tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất 2 năm và rủi ro xì hơi bong bóng bất động sản đang khiến niềm tin của người dân nước này đi xuống.

Doanh số mảng bất động sản của Trung Quốc đã nhích nhẹ trở lại, tăng 2,7% trong tháng 7/2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ trước đại dịch cũng như so với năm ngoái. Xin được nhắc là trong suốt 20 năm trước đại dịch, doanh số bán lẻ nhà ở tại Trung Quốc đã tăng trưởng bình quân 12%/tháng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sức chi tiêu của người dân đang khá thấp do phần lớn những khoản hỗ trợ của chính phủ nhắm vào đầu tư cơ sở hạ tầng hơn là hỗ trợ trực tiếp. Thêm nữa những diễn biến phức tạp của đại dịch cũng khiến mọi người hoang mang.

Dự trữ

Mặc dù kết quả kinh doanh khá ảm đạm nhưng số liệu của Tổng cục thống kê (NBS) cho thấy doanh số bán sản phẩm hiện hữu (Physical Good) trực tuyến, mà chủ yếu là đồ gia dụng lại tăng đến 11% trong quý II.

Anh Ma Enbiao, một cư dân 36 tuổi sống tại Thượng Hải cho biết gia đình mình đang chi tiêu tiết kiệm hơn và tích trữ lương thực nhiều hơn nhằm đối phó với tương lai bất ổn. Vốn là một người mê đồ điện tử nhưng anh chưa hề mua một thiết bị nào từ đầu năm đến nay và cả gia đình cũng hạn chế đi ăn ngoài như trước đây.

Theo WSJ, tăng trưởng doanh số trực tuyến với mặt hàng lương thực, đồ gia dụng đã vượt qua cả những sản phẩm như quần áo trong năm nay.

Hãng Fitch Ratings dự đoán doanh số thương mại điện tử sẽ chiếm đến 29% tổng doanh số bán lẻ năm 2022 của Trung Quốc, cao hơn mức 15% tại Mỹ. Dù người dân tiết kiệm chi tiêu nhưng họ sẽ gia tăng các khoản chi cho các sản phẩm thiết yếu.

Trên các nền tảng của Alibaba, nhu cầu cho những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ cho thú nuôi đã tăng vọt trong quý II. Số liệu của hãng tư vấn WPIC cũng cho thấy doanh số bán đồ leo núi 6 tháng đầu năm 2022 trên Tmall của Alibaba cũng tăng đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quay trở lại Thượng Hải, chính quyền địa phương đã phát 200 triệu Nhân dân tệ, tương đương 29 triệu USD dưới dạng thẻ khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân. Bản thân anh Ma cũng nhận được 3 thẻ khuyến mãi trị giá 100 Nhân dân tệ, tương đương 15 USD nhưng anh cho biết mình sẽ chỉ dùng nó để mua lương thực.

Tôi đang phải hạ thấp tiêu chuẩn sống của mình xuống


*Nguồn: WSJ

Chia sẻ Facebook