Thương mại điện tử bùng nổ tác động tích cực ra sao tới các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống tại Việt Nam?

Chia sẻ Facebook
01/09/2022 19:12:23

Theo chuyên gia chứng khoán VnDirect, TMĐT và bán lẻ truyền thống sẽ phát triển cùng nhau. Nhà bán lẻ nào tận dụng được để thúc đẩy đa kênh thì sẽ duy trì được đà tăng trưởng tốt.


Theo nghiên cứu thị trường thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia.

So với thực trạng thương mại điện tử thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng khá mạnh. Theo Statista, tốc độ phát triển thương mại điện tử toàn cầu có tốc độ phát triển là 16,24% vào năm 2021 và dự báo bứt phá lên 24,5% vào năm 2025. Tại Việt Nam, con số này năm 2021 là hơn 20%, với quy mô 16 tỷ USD. Đến năm 2025, tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở nước ta có thể lên đến 29%, đạt 39 tỷ USD.

Năm 2022, thương mại điện tử tại Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo bước đà cho phát triển kinh tế. Đây cũng là thời điểm để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược và mô hình mới, từ đó khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau đại dịch Covid-19.

Tác động của đại dịch đối với ngành thương mại điện tử là vô cùng lớn. Lần đầu tiên hàng chục ngàn doanh nghiệp chuyển sang hình thức bán hàng trực tuyến. Hàng triệu giao dịch thường diễn ra tại các cửa hàng nay đã chuyển sang hình thức giao dịch trực tuyến. Ngành thương mại điện tử đã đi từ vị trí “được quan tâm” tới vị trí “ưu tiên hàng đầu” đối với hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ.

Với sự trỗi dậy của các doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... liệu có có thay thế được kênh bán lẻ truyền thống trong tương lai?

Thực tế offline và online luôn đi cùng nhau. Mức độ cạnh tranh sẽ giữ ở tỷ lệ phù hợp. Chẳng hạn như các công ty bán lẻ như Thế giới di động vẫn đang duy trì vị thế rất lớn ở trên các kênh online thông qua các trang web về Điện máy xanh, Thế giới di động. Đây cũng là những trang có lượt truy cập lớn tại việt Nam. Thương mại điện tử sẽ cạnh tranh với các nhà bán lẻ nhưng các nhà bán lẻ sẽ có phương án thích nghi với sự cạnh tranh này.

Ngoài ra mức độ cạnh tranh còn phụ thuộc vào các loại sản phẩm. Các nhà bán lẻ đã có kinh nghiệm bán những sản phẩm cần trải nghiệm thì doanh thu của họ vẫn duy trì đà tăng ví dụ như PNJ, các sản phẩm Apple. Như vậy online và offline sẽ phát triển cùng nhau, nhà bán lẻ nào tận dụng được để thúc đẩy đa kênh thì sẽ duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Thực tế những ông lớn như Thế giới di động hiện đang phát triển mạnh mẽ việc bán hàng đa kênh đặc biệt với mảng khó nhằn như bán lẻ thực phẩm. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài tiết lộ kế hoạch phát triển Bách hoá Xanh trong 4 tháng cuối năm 2022 sẽ tập trung vào khâu logistics và Bách hoá Xanh online.

Bách hoá Xanh online trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng. BHX online phát triển rất ngon lành. Giá trị của BHX online là với đơn hàng không lớn làm sao để tiếp tục có lời. Xây dựng để tăng trưởng doanh thu thì ai cũng làm được nhưng xây dựng BHX online để có lời mới là năng lực của từng doanh nghiệp. Đáp ứng nhu cầu khách hàng, có lời là mục tiêu rõ ràng, chứ không phải xây lên để đốt tiền. Đó là sự khác biệt trong thời gian sắp tới

Tối ưu logistics được xem là điểm mấu chốt để Bách Hoá Xanh có lời. Cách đây không lâu, chủ tịch Thế giới di động từng tiết lộ chi phí để Bách Hóa Xanh online giao 1 túi hàng đang chiếm khoảng 10% doanh thu. Trong khi đó với một cửa hàng thuộc chuỗi Thế giới di động, chi phí thuê mặt bằng vận hành đang dưới 8% doanh thu.


Mộc An

Chia sẻ Facebook