Thượng Hải tiếp tục xét nghiệm đại trà COVID-19, Malaysia phát hiện 2 biến thể phụ dễ lây lan của Omicron
Đến sáng 11/6, thế giới có trên 539,48 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,32 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 , Mỹ ghi nhận trên 87,14 triệu ca mắc và hơn 1,035 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 33.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Từ tuần tới, hành khách quốc tế đến Mỹ bằng đường hàng không sẽ không phải trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành. Thông tin này đã được Phó Thư ký Báo chí của Nhà Trắng, ông Kevin Munoz, xác nhận vào ngày 10/6 trên trang mạng Twitter.
Trước đó, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết, quy định về chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính đối với hành khách quốc tế nhập cảnh Mỹ sẽ được dỡ bỏ từ ngày 12/6. Quyết định này đưa ra dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và dữ liệu thực tế cho thấy, quy định về xét nghiệm COVID-19 không còn cần thiết. Theo quan chức này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đánh giá lại quyết định này sau 90 ngày.
Kể từ tháng 12/2021, CDC Mỹ yêu cầu khách du lịch phải cung cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng một ngày trước khi lên các chuyến bay đến Mỹ, thay vì 3 ngày như quy định trước đó.
Nhà Trắng đã công bố kế hoạch cung cấp 10 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này từ ngày 20/6 tới. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ sẽ triệu tập cuộc họp ủy ban chuyên gia vào ngày 15/6 tới để đánh giá khuyến nghị tiêm vaccine của hãng Pfizer cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi theo lộ trình 3 mũi, và tiêm vaccine của hãng Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi theo lộ trình 2 mũi.
Theo kết quả thử nghiệm mà hai công ty trên thông báo, cả hai vaccine này đều chứng tỏ tính an toàn và hiệu quả. Trẻ em dưới 5 tuổi hiện là nhóm tuổi duy nhất chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở hầu hết các nước.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 10/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 667.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,36 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin thông báo, nước này đã phát hiện hai biến thể phụ của biến thể Omicron . Trong dòng trạng thái được đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Khairy cho biết, các nhà khoa học vừa giải mã hai biến thể có tên BA.5 và BA.2.12.1. Đây là lần đầu tiên các biến thể phụ này được phát hiện tại Malaysia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại hai biến thể phụ này là các biến thể phụ đang được theo dõi, thuộc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Khairy cảnh báo, tính đến thời điểm hiện tại, các yếu tố rủi ro vẫn được duy trì vì cả hai biến thể phụ được cho là dễ lây lan hơn.
Thống kê của Bộ Y tế Malaysia cho biết, tính đến ngày 10/6, quốc gia này đã ghi nhận trên 4,5 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm 1.518 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Malaysia bước vào giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/4, với tất cả các hoạt động kinh tế và xã hội được khôi phục, ngoại trừ việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong không gian kín. Khi ở ngoài trời, người dân có thể tùy chọn việc có đeo khẩu trang hay không. Tuy nhiên, 100% người dân hiện vẫn đang duy trì thói quen đeo khẩu trang ở ngoài trời mặc dù không bắt buộc hoặc bị phạt như trước đây.
Indonesia đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19 trên đảo Bali. Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 10/6 cho biết, đảo Bali đã ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Nhà chức trách đang tìm hiểu để xác định khả năng lây truyền của BA.4 và BA.5, cũng như hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine phòng COVID-19 với các biến thể phụ này.
Số ca mắc mới COVID-19 ở Indonesia đã tăng từ 372 ca vào ngày 3/6 lên 627 người vào ngày 10/6. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng trên 6 triệu trường hợp nhiễm COVID-10. Kết quả cuộc khảo sát huyết thanh do Bộ Y tế Indonesia thực hiện vào tháng 3/2022 cho thấy, 99,2% dân số Indonesia có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhờ tiêm chủng, lây nhiễm tự nhiên hoặc cả hai.
Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan xác nhận, Chính phủ nước này sẽ theo dõi tình hình đại dịch COVID-19 trong hai tháng tới trước khi chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện Indonesia, Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh: "Tất cả phải đoàn kết để đối mặt với đại dịch COVID-19 vì chúng ta không thể tiếp tục tình trạng này quá lâu". Ông thừa nhận đang rất lo lắng trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của Indonesia trong 3 ngày liên tiếp gần đây ở mức 500 ca và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng từ mức 0,5 - 0,8% lên 1%, dù vẫn thấp hơn mức tiêu chuẩn 5% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bộ trưởng Luhut kêu gọi người dân không đổ lỗi về số ca mắc mới COVID-19 trong nước gia tăng và không coi Indonesia là nước tốt nhất trong việc xử lý COVID-19. Ông cho biết đã báo cáo Tổng thống Joko Widodo về việc giám sát diễn tiến lây lan COVID-19 trong tháng 6 và tháng 7 trước khi thay đổi tình trạng đại dịch của đất nước thành bệnh đặc hữu. Theo Bộ trưởng Luhut, nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát thành công trong hai tháng này, Indonesia có thể thông báo chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu trong ngày Quốc khánh 17/8 tới.
Bắt đầu từ ngày 10/6, Singapore tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho người dân từ 50 tuổi trở lên. Trước đó, việc tiêm mũi vaccine thứ 4 chỉ áp dụng đối với nhóm người trên 60 tuổi. Bộ Y tế Singapore ngày 10/6 cũng thông báo, bắt đầu từ ngày 1/7 tới, đối tượng được tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 sẽ là những người có vấn đề về sức khỏe từ 18 tuổi trở lên. Các đối tượng này bao gồm những người mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi mãn tính, đột quỵ, ung thư.
Lý do giới chức Singapore mở rộng đối tượng tiêm mũi 4 là do lo ngại về sự giảm dần khả năng bảo vệ sau tiêm của vaccine theo thời gian cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới.
Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn về các di chứng của COVID-19 với sức khỏe người dân. Phát biểu tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết, có nhiều người đã phải chịu hậu quả của COVID-19, nhưng đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề này.
Việc khảo sát quy mô lớn sẽ nhằm mục đích phân tích rõ hơn các triệu chứng và nguyên nhân của di chứng hậu COVID-19 để từ đó đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp cho người dân.C ác di chứng hậu COVID-19 kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi bị mắc bệnh. Các triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, khó thở.
Nhật Bản ngày 10/6 bắt đầu mở cửa có điều kiện cho khách du lịch nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lắng dịu ở nước này. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản mở cửa cho du lịch sau hơn 2 năm.
Theo quy định, những khách du lịch đến từ "vùng xanh" (những nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp) sẽ được miễn hoàn toàn các biện pháp kiểm tra và cách ly khi nhập cảnh, ngay cả với những người chưa tiêm vaccine. Những khách đến từ "vùng vàng" (như Ấn Độ hay Việt Nam) sẽ được miễn kiểm tra và cách ly nếu đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Khách du lịch sẽ phải làm các thủ tục khai báo trước qua mạng Internet, theo đó, thời gian làm thủ tục khi nhập cảnh sẽ chỉ mất khoảng 30 phút thay vì hơn 2 tiếng như trong giai đoạn dịch bệnh.
Hiện nay, Nhật Bản chỉ tiếp nhận khách du lịch nước ngoài đăng ký theo tour qua công ty lữ hành được cấp phép, có các hướng dẫn viên du lịch đi kèm, sổ tay hướng dẫn về đảm bảo an toàn cho các chuyến du lịch cũng đã được ban hành, trong đó có các quy định về phòng dịch như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hay biện pháp xử lý khi phát hiện có du khách mắc COVID-19. Nếu có du khách mắc COVID-19, các hãng lữ hành sẽ phải có trách nhiệm đưa du khách đó tới những cơ sở y tế và hỗ trợ cho họ cho đến khi du khách rời Nhật Bản.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sẽ phong tỏa hàng triệu người để xét nghiệm COVID-19 cuối tuần này, chỉ 10 ngày sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng.
Trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch rộng hơn sau khi phát hiện một số ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó có một ổ dịch có nguồn lây từ một cơ sở làm đẹp nổi tiếng, chính quyền Thượng Hải yêu cầu xét nghiệm PCR đối với tất cả người dân tại 14 trong 16 quận của thành phố vào cuối tuần này. Trong đó, 5 quận thông báo người dân không được ra khỏi nhà trong khi tiến hành xét nghiệm.
Đợt xét nghiệm rộng mới nhất này diễn ra ngay sau khi Thượng Hải yêu cầu xét nghiệm 25 triệu dân của thành phố sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa trước đó.
Trong khi đó, thủ đô Bắc Kinh đã đóng cửa các cửa hàng Internet và địa điểm giải trí tại 2 quận lớn nhất của thành phố sau khi truy vết các ca mắc đến một số quán rượu.
Trung Quốc đại lục ghi nhận 151 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 9/6, trong đó 45 trường hợp có triệu chứng và 106 bệnh nhân không triệu chứng. Hiện hoạt động đi lại đến Trung Quốc vẫn bị hạn chế, phần lớn các tuyến bay quốc tế dừng hoạt động trong 2 năm qua.