Thượng đỉnh EU-Trung Quốc: Cơ hội cuối gặp mặt trước khi có thay đổi
Một lần nữa sự căng thẳng vẫn còn trong mối quan hệ Trung Quốc-EU được làm nổi bật khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp các lãnh đạo hàng đầu EU ở Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Bắc Kinh trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU lần thứ 24. Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa hai bên sau 5 năm, khi EU cố gắng xây dựng mối quan hệ thực dụng với Bắc Kinh.
Hội nghị được tổ chức tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài (Diaoyutai State Guesthouse) ở Bắc Kinh, ban đầu dự kiến kéo dài 2 ngày, nhưng những bất đồng nội bộ trong EU, đặc biệt liên quan đến Ukraine, đã khiến phía châu Âu phải cắt ngắn lịch trình.
Các sự kiện chính dự kiến diễn ra vào ngày 7/12, sau đó ông Michel sẽ trở lại châu Âu. Hiện vẫn chưa chắc chắn liệu bà Von der Leyen có kéo dài thời gian ở lại Bắc Kinh hay không.
Các lãnh đạo hàng đầu EU, cùng với người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, cũng sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) trong khuôn khổ hội nghị.
Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để họ gặp mặt các quan chức hàng đầu của Trung Quốc trước khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu bắt đầu vào năm tới, gây ra những thay đổi trong ban lãnh đạo của khối.
Nên là đối tác, không phải đối thủ
Tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 7/12, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu là điều cần thiết cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu. Nhiệm vụ của cả hai bên là mang lại sự ổn định cao hơn cho thế giới, động lực phát triển mạnh mẽ hơn cũng như nhiều cảm hứng và hỗ trợ hơn cho quản trị toàn cầu.
“Trung Quốc và EU chịu trách nhiệm củng cố sự ổn định trên thế giới. Chúng ta phải tạo động lực lớn hơn cho sự phát triển, lãnh đạo quản trị toàn cầu và hỗ trợ nó”, ông Tập nói, lưu ý rằng thế giới đang trải qua “những thay đổi đáng kể” và nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc và EU là những thị trường trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi cho toàn cầu hóa và góp phần tạo nên đa cực.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU, ông Tập nói, cho biết thêm rằng tại điểm khởi đầu mới này của quan hệ Trung Quốc-EU, cả hai bên cần xem xét lại lịch sử, điều hướng xu hướng của thế giới, hành động khôn ngoan và tinh thần trách nhiệm, đồng thời duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
“Trung Quốc và EU nên là đối tác hợp tác cùng có lợi”, ông Tập cho biết. Ông kêu gọi cả hai bên tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị hai chiều, xây dựng sự đồng thuận chiến lược và củng cố mối quan hệ cùng quan tâm. Hai bên cần tránh xa các hình thức can thiệp khác nhau, tăng cường đối thoại và hợp tác vì lợi ích của người dân, cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy ổn định và thịnh vượng trên toàn thế giới.
Bầu không khí của hội nghị cho thấy mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc vẫn căng thẳng. Trong khi Trung Quốc ngày càng thân thiện với Nga, Bắc Kinh cũng đang cố gắng tránh đối đầu công khai với phương Tây. Về phần mình, trong khi EU muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường của mình và coi Bắc Kinh là đối thủ địa chính trị, thì khối này vẫn phụ thuộc nhiều vào thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới.
Quan hệ căng thẳng
Về phần mình, Chủ tịch EC Von der Leyen nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Brussels và Bắc Kinh nên giải quyết những khác biệt của mình một cách “có trách nhiệm” khi nảy sinh các xung đột về lợi ích.
“Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU”, bà Von der Leyen cho biết sau khi hội đàm với ông Tập. “Chúng ta có thương mại lớn giữa hai bên… và những khoản đầu tư quan trọng vào nền kinh tế của nhau”.
“Nhưng có những sự mất cân bằng và khác biệt rõ ràng mà chúng ta phải giải quyết. Cả hai bên đều nhận ra tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế của mình. Đôi khi, lợi ích của hai bên trùng khớp. Khi điều ngược lại xảy ra, cần giải quyết và quản lý một cách có trách nhiệm những mối quan ngại của cả hai bên”, Chủ tịch EC nói.
Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu. Bà nói: “Là các cường quốc trên thế giới, Liên minh châu Âu và Trung Quốc có trách nhiệm toàn cầu. Chúng ta có mối quan tâm chung về hòa bình và an ninh, đến việc vận hành hiệu quả trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tìm ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu”.
Kể từ đầu năm khi Trung Quốc mở cửa biên giới, một số nhà lãnh đạo EU, bao gồm Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson và người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, đã đến thăm nước này.
Kể từ năm 2019, tiếng nói ở Brussels ủng hộ việc giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ EU-Trung Quốc ngày càng lớn hơn. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây do những bất đồng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine và cuộc điều tra chống trợ cấp do Brussels khởi xướng đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Minh Đức (Theo EFE/La Prensa Latina, bne Intelli News, China.org)