Thương ba mẹ, chàng nam sinh chọn học nghề để sớm báo đáp
Từ ngày mẹ Luân bị suy thận, mọi gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai ông Phương. Mặc dù khó khăn nhưng lúc nào ba mẹ Luân cũng động viên em học hành đến nơi đến chốn.
Thời điểm này là lúc nhiều tân sinh viên đang chuẩn bị nhập học. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng dư dả để cho con lên đại học, cao đẳng mà không cần suy nghĩ quá nhiều về vấn đề kinh tế. Đó cũng là câu chuyện về nam sinh Trần Vũ Luân, 18 tuổi, có bố là ông Trần Văn Phương (45 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh Hiếu (41 tuổi, ngụ ấp 3A, TT.Bảy Ngàn, H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).
Con trai từng định thôi học nhưng cha mẹ quyết không đồng ý
Báo Thanh Niên đăng tải, Luân sắp trở thành sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ. Tuy nhiên lúc này em lại phân vân giữa 2 con đường, 1 bên là đi làm công nhân để có tiền phụ giúp ba mẹ, 1 bên là đi theo con đường học tập để có tương lai hứa hẹn hơn. Nguyên nhân là bởi hoàn cảnh Luân rất khó khăn, ba em là thợ hồ, mẹ lại bị suy thận giai đoạn cuối.
Trong căn nhà mái tôn vách lá, gia đình Luân chẳng có tài sản gì đáng giá. Trước đây, nhà em cũng có 3 công ruộng nhưng do mẹ bị bệnh nên phải bán đi lấy tiền chạy chữa. Được biết, mỗi tuần chi phí lọc thận, thuốc men, thuê xe của mẹ Luân tốn khoảng 1 triệu đồng.
Ông Phương mỗi tháng đi làm kiếm được khoảng 9 triệu đồng, số tiền này để trang trải rất nhiều khoản bao gồm chữa bệnh cho vợ, sinh hoạt hàng ngày, nuôi 3 đứa con ăn học. Thế nhưng không phải lúc nào thu nhập cũng đều, nhất là vào mùa mưa, nghề thợ hồ bị chững lại khiến cuộc sống bấp bênh.
Do vậy, những lúc có việc ông luôn cố gắng làm hết sức, dù trời dầm mưa hay nắng gắt, thậm chí trong người không khỏe cũng chẳng dám nghỉ, chỉ sợ đến hạn nộp học phí lại không có tiền thì tội nghiệp con. Để san sẻ gánh nặng cho chồng, tranh thủ lúc khỏe bà Hiếu lấy vé số đi bán.
Thương ba mẹ vất vả, Luân từng nghĩ sẽ dừng học nhưng ba mẹ em không đồng ý. Họ tâm sự, ước mơ cả đời là con cái ăn học đến nơi đến chốn, để không phải lao động bươn chải như mình. Được cha mẹ động viên khuyến khích, Luân quyết định đăng ký vào ngành Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ. Lý do là bởi học phí không quá cao, thời gian đào tạo ngắn, có thể 3 năm là ra trường.
Ủng hộ con học là vậy nhưng nghĩ đến khoản tiền sắp tới, bà Hiếu lại thở dài bởi có bao nhiêu tiền trong nhà đều đã dành để chạy thận cho mình. "Chuyến này đi học xa, phải tốn phí sinh hoạt hằng ngày, gia đình chưa biết có kham nổi không", bà Hiếu bày tỏ.
Những ngày này, Luân bận rộn với việc cắm câu, bắt cá ngoài đồng rồi làm thêm ở chỗ ba. Dự định của cậu nam sinh là sau khi lên Cần Thơ sẽ đi làm thêm đỡ đần gia đình, học tập chăm chỉ bởi Luân hiểu rằng ba mình đã phải chịu nhiều nhọc nhằn.
Câu chuyện về Luân đã khiến nhiều người nhớ đến tấm lòng hiếu thảo của em Lê Thị Thúy (18 tuổi, ngụ tại thôn Hồng Khánh, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Vì hoàn cảnh eo hẹp nên Thúy cũng lưỡng lự trước cánh cửa tương lai.
Đạt 28,75 điểm nhưng vẫn không dám học Đại học
Báo Vietnamnet viết, Thúy là thủ khoa khối C của trường THPT Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, nhưng niềm vui của em chẳng trọn vẹn bởi em đang có suy nghĩ sẽ tạm khép lại ước mơ đại học vì gia cảnh khó khăn.
Biết Thúy thi đạt thành tích cao, rất nhiều người chúc mừng, động viên nhưng đáp lại, Thúy chỉ buồn rầu: "Nếu đi học đại học sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình."
Được biết, ba Thúy gặp sự cố khiến sức khỏe suy yếu cách đây nhiều năm, một mình bà Thơ (mẹ Thúy) nuôi 2 con ăn học. Kinh tế của cả nhà chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng.
Nghĩ đến tương lai sắp tới, bà Thơ nghẹn ngào: "Bây giờ nếu cho Thúy học lên đại học theo ý nguyện thì vợ chồng tôi không thể kham nổi. Hai vợ chồng cũng động viên Thúy đi theo ngành sư phạm để đỡ tiền học nhưng đó lại không phải là mong muốn của con gái. Nếu bắt con gái nghỉ học thì vợ chồng tôi cũng không đành vì con có điểm thi rất cao". Sau cùng, Thúy đã quyết định nộp hồ sơ vào trường Đại học luật Hà Nội.
Có lẽ chính hoàn cảnh đã khiến Luân cũng như Thúy trở nên mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách. Mong rằng ước mơ của các em sẽ sớm trở thành hiện thực.
Cùng YAN cập nhập thêm nhiều thông tin hấp dẫn!
Mỗi người đều có quyền lựa chọn một tương lai riêng cho mình. Cũng giống như Luân, em không chọn học đại học, mà chọn học nghề vì biết rằng đó là điều phù hợp nhất với mình. Trên thực tế cũng có rất nhiều người học nghề thành tài, có tương lai tươi sáng. Quan trọng là chúng ta dám chịu trách nhiệm về lựa chọn đó và học tập, rèn luyện hết mình để ba mẹ, người thân không thất vọng. Và hơn cả đó chính là không hổ thẹn với chính ý chí của mình.
Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !