Thuộc top 1% điểm SAT cao nhất với GPA 3.95, học sinh Mỹ vẫn trượt cả 6 trường Ivy League: Khi "xuất sắc" là chưa đủ để trúng tuyển đại học
Thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa xuất sắc cũng không đủ giúp nữ sinh Mỹ này chiến thắng trong cuộc đua khốc liệt vào các trường đại học Ivy League tại Mỹ.
Kể từ lúc bắt đầu học đại số vào năm lớp 3, Kaitlyn Younger luôn nằm trong top những học sinh xuất sắc.
Năm lớp 10, Kaitlyn đã theo học khóa AP đầu tiên tại trường trung học McKinney, Dallas. Chương trình này giúp học sinh làm quen với một số môn học được giảng dạy trong năm nhất đại học. Mùa xuân này, cô sẽ tốt nghiệp với số điểm SAT 1550/1600 (thuộc top 1%), cùng GPA 3,95/4,0.
Ngoài ra, cô gái 18 tuổi còn là gương mặt tích cực trong các hoạt động ngoại khóa. Cô sáng lập CLB kế toán trong trường, tham gia dàn hợp xướng, chỉ đạo và diễn xuất gần 30 vở kịch. Cô thậm chí còn hỗ trợ điều hành trại hè và làm thêm một công việc bán thời gian, mà vẫn đạt điểm cao ở mọi bài kiểm tra của 11 lớp AP khác nhau trên trường.
"Cô bé thật sự xuất chúng", Jeff Cranmore - cố vấn học tập tại trường trung học McKinney - nhận xét.
Với thành tích học tập này, Kaitlyn khá lạc quan khi ứng tuyển vào một loạt trường top đầu nước Mỹ. Thế nhưng, kết quả lại không như cô mong đợi: ĐH Stanford, ĐH Harvard, ĐH Yale, ĐH Brown, ĐH Cornell, ĐH Pennsylvania, ĐH Southern California, ĐH California, Berkeley và ĐH Northwestern đều gửi thư từ chối.
"Tôi biết nhiều trường sẽ không nhận mình", cô nói. "Nhưng tôi không nghĩ tình hình lại tệ đến mức này".
Tỷ lệ chọi 1/32, hồ sơ xuất sắc cũng trượt nếu không đủ nổi bật
Kaitlyn Younger chỉ là một trong số những học sinh xuất sắc đang "ngập lụt" trong cơn bão từ chối bởi các trường đại học top đầu nước Mỹ. Chưa có năm nào mà kỳ tuyển sinh lại khốc liệt đến như vậy.
Trong số 61.220 hồ sơ, ĐH Harvard chỉ nhận 1.954 chỉ tiêu, lập kỷ lục với tỷ lệ chọi 1/32. ĐH Brown có 50.649 hồ sơ, nhưng chỉ nhận 2.546 chỉ tiêu, tương đương tỷ lệ chọi 1/20. ĐH Yale có 50.015 hồ sơ, nhưng chỉ nhận 2.234 chỉ tiêu, tương đương tỷ lệ chọi 1/20.
Một trong những lý do khiến số lượng hồ sơ tăng vọt năm nay là hơn 3/4 các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã cho dừng các bài thi đầu vào bắt buộc. Rào cản này được loại bỏ, tăng thêm cơ hội cho những học sinh muốn tiếp cận chất lượng đào tạo xuất sắc. Trong khi đó, những cơ sở giáo dục ít tên tuổi hơn lại phải chật vật để tuyển đủ chi tiêu.
Số lượng xét tuyển tăng đồng nghĩa ban tuyển sinh của các trường top đầu chỉ có vài phút để đọc qua hồ sơ ứng viên. Để vượt qua cửa ải này, học sinh phải thực sự nổi bật, chỉ xuất sắc thôi là chưa đủ.
Năm nay, ĐH Pennsylvania tiếp nhận 55.000 hồ sơ, nhiều hơn 15.000 so với cách đây 2 năm. Theo Whitney Soule - hiệu phó kiêm trưởng ban tuyển sinh của trường - cho biết, nhiều ứng viên đã đoạt "giải thưởng trong nước và quốc tế cho những nghiên cứu có đóng góp quan trọng về học thuật".
Với những học sinh như Kaitlyn, xác suất trúng tuyển của họ không cao. Cô xuất thân từ một gia đình trung lưu da trắng, học trường công tại Texas, có dự định theo ngành kinh doanh. Theo Sara Harberson - cựu chuyên viên tuyển sinh của ĐH Pennsylvania, những đặc điểm này khiến Kaitlyn bị xếp vào nhóm đa số.
Gần một nửa số sinh viên da trắng được nhận vào ĐH Harvard trong giai đoạn 2009-2014 đều thuộc trường hợp đặc biệt. Họ là vận động viên, con cháu của nhân viên trong trường, hoặc có phụ huynh là cựu học sinh, thường xuyên đóng góp tài chính cho trường.
Tại ĐH Harvard, tầng lớp sinh viên nghèo xuất sắc có tỷ lệ được nhận là 24%. Ngôi trường này tin rằng việc đa dạng hóa các đối tượng tuyển sinh sẽ giúp sinh viên học cách giao tiếp và làm việc với những người có hoàn cảnh khác nhau.
"Tầng lớp trung lưu đang bị thờ ơ", Hafeez Lakhani - một cố vấn tuyển sinh ở New York - cho biết. "Nếu là 20 năm trước, những người như Kaitlyn Younger sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các trường Ivy League".
Áp lực duy trì thách tích cao để vào trường top đầu
Cha của Kaitlyn Younger từng học tại ĐH Oklahoma, còn mẹ cô học ĐH bang Montclair. Đây đều là những trường đại học bình thường tại Mỹ. Vì thế, cô gái trẻ không quen biết giáo viên hay cựu sinh viên ở các trường top đầu. Cô cũng không thuê gia sư hay cố vấn tuyển sinh riêng để chuẩn bị.
Trường trung học của Kaitlyn cũng không thuộc dạng quá danh tiếng. Khoảng một nửa số học sinh tốt nghiệp tại đây trúng tuyển đại học, hầu hết đều là các trường công lập trong khu vực Texas. Theo TS. Cranmore, trong 10 năm qua, chỉ có 2 học sinh của trường từng đỗ vào ĐH Yale và ĐH Princeton.
"Cô bé cũng không còn lựa chọn nào khác", ông chia sẻ.
Theo bà Debra Younger - mẹ của Kaitlyn, nữ sinh này đã tập trung cao độ vào việc học ngay từ bé. Cô bé là người có tính cạnh tranh cao, lại khá cầu toàn.
Năm 7 tuổi, Kaitlyn bắt đầu phải uống thuốc để chữa căn bệnh rối loạn lo âu. Vì là nữ sinh duy nhất học toán cao cấp từ năm cấp hai, cô bé bị bạn bè tẩy chay và bắt nạt.
Đến năm lớp 10, trầm cảm và đau khớp càng khiến cho tình trạng của Kaitlyn thêm tồi tệ. Cô đã phải điều trị ngoại trú khoảng 2 tháng, giới hạn giờ học xuống còn 2 tiếng/ngày. Cô chỉ đạt điểm B trong lớp Văn học và Lịch sử Thế giới AP, do không có đủ thời gian để đọc bài.
Trong suốt thời gian trường học đóng cửa vì đại dịch, Kaitlyn đã nỗ lực cải thiện kết quả học tập. Tuy nhiên, điểm B đã kéo GPA xuống, khiến cô chỉ xếp hạng 23/668 toàn trường.
Các trường đại học không bao giờ giải thích cụ thể lý do từ chối cho ứng viên, vì quy tắc bảo mật. Các trường top đầu mà Kaitlyn nộp hồ sơ xét tuyển từ chối bình luận về trường hợp của cô, cũng như về tỷ lệ chấp thuận của họ.
Jon Burdick - phó ban tuyển sinh của ĐH Cornell - cho biết, nhà trường đang cố gắng để tăng số lượng sinh viên trúng tuyển thêm 1.000 người. Tuy nhiên, họ không có đủ chỉ tiêu để nhận hết các học sinh xuất sắc.
"Chúng tôi biết những học sinh bị từ chối hoàn toàn đủ khả năng để đạt kết quả tốt tại ĐH Cornell. Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi phải đánh trượt các em", ông bày tỏ.
Kaitlyn nói rằng cô không biết chắc tại sao mình bị từ chối, nhưng có thể là do hai điểm B mà cô nhận được vào năm lớp 10, cũng như xuất thân không nổi bật của mình.
Theo Harberson, thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa của Kaitlyn vô cùng ấn tượng. Thê nhưng, chừng đó là không đủ để làm cô nổi bật so với những ứng viên khác cũng cạnh tranh vào các trường Ivy League.
Trong số 12 trường mà Kaitlyn nộp hồ sơ, cô gái 18 tuổi đang ở trong danh sách chờ của ĐH Rice và được ĐH Texas chấp thuận. Tuy nhiên, đây đều không phải những ngôi trường có thế mạnh đào tạo ngành kinh doanh. Cô dự định sẽ nhận học bổng tại ĐH bang Arizona để có thể theo học ngành mình yêu thích. Tỷ lệ chấp thuận tại đây lên tới 88%.
Kaitlyn tâm sự, nếu phải học lại phổ thông, cô sẽ vẫn đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân, nhưng không gây áp lực quá mức như trước.
"Ngày xưa, một điểm A- trở xuống cũng có thể khiến tôi buồn bực. Tôi sợ mình không đủ tiêu chuẩn để vào ngôi trường mơ ước", cô nhớ lại. "Nỗi căng thẳng đó hoàn toàn không đá. Tôi muốn làm hết sức mình, nhưng không phải trả giá bằng chính sức khỏe tinh thần của mình".
(Theo WSJ)