Thuốc giá rẻ trúng thầu: Chất lượng điều trị còn bỏ ngỏ
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22/8, PGS.TS chuyên ngành dược Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội cho rằng: “Giá thuốc điều trị có những mặt hàng đang rẻ không bằng một viên kẹo. Thuốc giá rẻ có đảm bảo được chất lượng điều trị hay không là câu hỏi cần phải có nghiên cứu cụ thể để trả lời cho cộng đồng”.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện trên cả nước đã rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế vì vướng các quy định liên quan đến đấu thầu. Trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố lập Trung tâm mua sắm tập trung để mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị cho toàn hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn. Theo kế hoạch dự kiến thì cuối tháng 7 đầu tháng 8/2022 trung tâm sẽ được thành lập. Tuy nhiên, đến nay trung tâm mua sắm tập trung của thành phố vẫn chưa thể chính thức ra mắt.
Đề cập đến vấn đề đấu thầu thuốc, bà Phong Lan cho rằng, thuốc điều trị bệnh là mặt hàng không phải muốn mua sắm là có ngay mà phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu, kiểm định, cấp phép… Nếu các bệnh viện đấu thầu thì "cái bánh" của thị trường thuốc sẽ chia đều cho nhiều công ty. Nếu đấu thầu tập trung, chỉ có 1 đơn vị trúng thì những công ty còn lại nguy cơ đóng cửa. Hiện nay, thị trường dược của Việt Nam là thị trường manh mún, công ty nhỏ lẻ, trước khi thực hiện đấu thầu tập trung thì phải tổ chức triển khai được phương án liên doanh, liên kết để tạo thành chuỗi cung ứng bền vững.
Theo bà Phong Lan, việc đánh giá chất lượng thuốc nếu chỉ mang thuốc giá rẻ đi kiểm nghiệm thì các loại thuốc này vẫn sẽ đầy đủ các hoạt chất. Tuy nhiên, người trong ngành sẽ hiểu được các mánh lới, tại sao loại thuốc biệt dược gốc (patent) độc quyền của hãng lại có giá cao gấp hàng chục lần so với thuốc nhượng quyền (generic). Ngay cả thuốc nhượng quyền generic cũng có sự khác biệt rất lớn giữa đơn vị sản xuất có uy tín, thương hiệu và thuốc được sản xuất bởi những công ty nhỏ lẻ. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách khách quan trên cơ sở vì quyền lợi của người bệnh.
“Việc đánh giá chất lượng của thuốc trong điều trị cần phải được nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, muốn khách quan và công tâm thì phải để các bác sĩ trực tiếp điều trị thực hiện. Điều quan trọng nhất là tác dụng trị liệu trên người bệnh chứ không phải là thông tin công bố sản phẩm từ nhà sản xuất, bởi giữa thông tin công bố và thực tế sản xuất có thể tồn tại khoảng cách rất lớn về chất lượng” - bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề TPHCM lập trung tâm mua sắm tập trung để đấu thầu các loại thuốc, trang thiết bị y tế, bà Phong Lan cho rằng, đây là phương án khó thực hiện. “TPHCM triển khai lập trung tâm mua sắm tập trung nhưng vẫn không giải quyết được những vấn đề mấu chốt của đấu thầu là giá thuốc càng ngày càng rẻ thì sẽ rơi vào tình thế lợi bất cập hại. Thay vì có đa dạng thuốc để cho nhiều bệnh viện sử dụng thì việc đấu thầu tập trung sẽ chỉ khu trú lại trong một mặt hàng cho mỗi nhóm thuốc. Nếu mặt hàng trúng thầu bị đứt hàng thì cả hệ thống y tế của thành phố sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”- bà Lan nói thêm.
Cũng theo bà lan, Nguyên tắc khi đấu thầu 1 năm thì đơn vị chào giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Giá trúng thầu sẽ được đưa lên mạng quốc gia và trở thành giá kế hoạch. Căn cứ giá kế hoạch, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch thầu, mức giá trúng thầu của năm sau sẽ không được vượt giá kế hoạch của năm trước. Như vậy, việc đấu thầu của năm sau sẽ tiếp tục lựa chọn ra một đơn vị cung cấp thuốc với mức giá thấp hơn năm trước. Nếu theo quy trình này, giá thuốc sẽ giảm dần và sẽ bằng 0, điều này trái với quy luật thị trường”.
Khi đấu thầu tập trung, các mặt hàng có mức giá thấp nhất sẽ được lựa chọn, tuy nhiên giá thấp sẽ đi kèm với chất lượng tương đương. Điển hình cho thực tế trên là vấn đề được TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phản ánh về việc dao mổ giá rẻ bệnh viện mua sắm qua đấu thầu phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với ngành y tế (ngày 21/8).