Thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế thiếu ở khắp nơi
Từ bệnh viện cho đến các trạm y tế tại nhiều nơi đang rơi vào tình trạng thiếu nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc bảo hiểm y tế.
Người bệnh có bảo hiểm y tế phải bỏ tiền túi ra ngoài mua thuốc với giá đắt đỏ hoặc phải đi xa lên các tuyến trên điều trị.
Từ đó quyết tâm "nâng tầm" các trạm y tế sau đại dịch COVID-19 và kéo người dân đến đây khám, chữa bệnh trong bối cảnh đó đang gặp không ít trở ngại.
Việc thiếu thuốc, vật tư và sinh phẩm y tế không còn là câu chuyện riêng của bệnh viện nào mà đang xảy ra trên toàn quốc. Có nơi bệnh nhân phải tự mua sợi chỉ, dây truyền, băng gạc... Tình trạng "khát" thuốc này ngày càng gây khó khăn cho bệnh viện và gây thêm gánh nặng bệnh nhân.
Lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội
Thiếu từ bệnh viện đến trạm y tế
Từ hai năm nay, bà N.T.T. (ngụ phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM) đã quen với việc ra trạm y tế để lãnh thuốc định kỳ điều trị bệnh tiểu đường vì gần nhà. Thế nhưng những tháng gần đây bà phải lặn lội đến Bệnh viện quận 7 để thăm khám và lãnh thuốc, bởi trạm y tế ở sát nhà nhiều tháng nay toàn thông báo hết thuốc.
"Bác sĩ ở trạm cứ nói không có đủ loại thuốc theo toa, hoặc là tự bỏ tiền túi ra ngoài mua hoặc là cứ lên tuyến trên để khám. Người già như tôi uống thuốc nào quen thuốc đó, rất ngại đổi thuốc thay thế", bà T. phân trần.
Tại Hà Nội, ông N.Đ. cho biết vợ ông bị giãn tĩnh mạch hai chi dưới, phải lấy thuốc theo đơn thường xuyên nhưng đã 3 - 4 lần đến khám và xin cấp thuốc bảo hiểm y tế tại một bệnh viện ở Hà Nội thì đều trả lời không có thuốc vì thuốc chưa về.
"Mỗi lần tới khám tôi đều vào nơi cấp phát thuốc hỏi xem đã có thuốc chưa và đều được trả lời chưa có", ông Đ. chia sẻ thêm.
Bác sĩ Lâm Phước Trí - trạm trưởng Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) - cho biết tình trạng hết nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế kéo dài từ vài tháng nay, đặc biệt là từ sau đợt dịch COVID-19.
Mặc dù trạm y tế đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vẫn chờ đợi trong vô vọng, nhất là người bệnh mãn tính. "Trạm y tế hiện chỉ còn 29 loại thuốc thuộc danh mục thuốc bảo hiểm y tế, trong khi danh mục thuốc bảo hiểm y tế cấp cho trạm là hơn 310 loại. 5 tháng qua, khoảng 90% trong tổng số 154 bệnh nhân đến trạm đều tự bỏ tiền mua thuốc", bác sĩ Trí nói.
Giữa tháng 5-2022, một số thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cũng đã không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhiều bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế phải ra ngoài mua thuốc. Tháng 4-2022, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hết một số loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn 6 - 15 triệu đồng.
Hay mới đây, vụ thiếu huyết thanh ở một số địa phương, thiếu hóa chất khi dùng máy chẩn đoán ung thư... cũng gây cho bệnh nhân bảo hiểm y tế nhiều phiền toái.
Vì sao thiếu thuốc?
Đại diện Sở Y tế TP.HCM lý giải nguyên nhân dẫn đến thiếu cục bộ một số loại thuốc ở một số bệnh viện do từ đầu năm 2022 đến nay số lượng bệnh nhân tăng nhanh tại hầu hết các bệnh viện sau dịch COVID-19.
Một số trường hợp khách quan không lựa chọn được sản phẩm trúng thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc sản phẩm có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch (sau dịch bệnh có một số mặt hàng tăng giá) hoặc một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm hiện nay không còn được sản xuất...
Một lãnh đạo bệnh viện tại Phú Thọ thì cho biết từ khi dịch COVID-19 bùng phát, bệnh viện đã gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thuốc do mắc kẹt ở cửa khẩu, một số nước cũng hạn chế xuất khẩu một số loại biệt dược.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã kiến nghị Bộ Y tế sớm gia hạn, cấp lại số đăng ký cho các thuốc đã hết số đăng ký; Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đồng thời, tái lập trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tế theo hướng chuyên nghiệp.
Về việc thiếu thuốc ở các trạm y tế, bà Lê Thiện Quỳnh Như - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện việc cung ứng thuốc tại một số trạm y tế bị thiếu một số thuốc nhất định do theo thông tư 30 của Bộ Y tế, trạm y tế là cơ sở khám chữa bệnh hạng 4.
Khi người bệnh mãn tính chuyển về khám tại trạm y tế từ các bệnh viện (hạng 1, 2) thì thiếu thuốc do trạm y tế không thể thực hiện việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt hạng.
Ngoài ra, hiện nay số người đến khám tại các trạm y tế chưa nhiều nên việc mua sắm thuốc tại trạm cũng đang gặp khó khăn do không có nhà thầu tham gia cung ứng thuốc.
Một vị lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội cũng cho rằng điều cần thiết bây giờ là việc cấp phép gia hạn thuốc, đấu thầu cung cấp thuốc cần được tiến hành. Nếu chờ đến khi hết hạn đấu thầu mới tiếp tục tìm nhà cung ứng sẽ rất khó cho bệnh viện, không kịp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân.
Thiếu thuốc, trạm y tế lại trở nên... xa
Như đã nói, sau đại dịch COVID-19, nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm "nâng cấp" trạm y tế để gần gũi hơn với người dân và "chia lửa" cho tuyến trên nhưng việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế khiến quyết tâm này chưa có biến chuyển khi bệnh nhân đa số vẫn phải chuyển lên các tuyến trên.
Từ thực tế ở trạm y tế, bác sĩ Nguyễn Vũ Trường An - trưởng Trạm y tế phường Tân Quy (quận 7) - cho biết hiện tại trạm có hơn 200 người cao tuổi, trong đó hầu hết đều có bệnh lý nền và có nhu cầu được lấy thuốc bảo hiểm y tế tại trạm.
Tuy nhiên danh mục thuốc sẽ giới hạn dần từ trên xuống, khi bệnh nhân đang khám điều trị và sử dụng thuốc phối hợp chỉ có trong danh mục hạng trên thì chắc chắn về trạm y tế sẽ không có thuốc đáp ứng. Cùng với đó, trạm y tế bản thân là hạng 3 và 4, cơ số thuốc đã hạn chế nên khi đấu thầu thuốc cũng sẽ rất gian nan.
Đại diện Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cho rằng có những loại thuốc rất cần thiết nhưng trạm y tế lại không được duyệt thanh toán bảo hiểm y tế, ví dụ như thuốc chống đông dùng điều trị cho một số bệnh mãn tính không lây. Thực tế này khiến nhiều người bệnh phải quay trở lại các bệnh viện quận huyện để theo dõi sức khỏe.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho rằng để giải quyết tình trạng này, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức họp với các trung tâm y tế và trạm y tế để thông tin về việc thực hiện lập danh mục thuốc vượt tuyến tại các trạm, quy trình mua sắm thuốc... Tuy nhiên về lâu dài, việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế nên thực hiện theo hướng mua sắm tập trung để đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng.
Một bác sĩ ở trạm y tế tại quận 3 cũng đồng tình và cho rằng đến lúc phải nghiên cứu việc cấp thuốc vượt tuyến để người bệnh tới trạm y tế nhận thuốc định kỳ, chỉ đến bệnh viện để tầm soát chuyên sâu khoảng 3 tháng/lần.
Đại diện Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng đồng tình việc để trạm y tế thu hút người dân đến khám chữa bệnh, cần xây dựng danh mục thuốc, đặc biệt là danh mục thuốc vượt tuyến để cung ứng kịp thời, phục vụ đủ nhu cầu người bệnh. Tuy nhiên, danh mục thuốc phải sát với thực tế, tránh tình trạng dư thừa, tồn kho gây lãng phí.
Các bệnh viện phải thường xuyên tính toán, dự trù
Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) - cho biết trong quá trình hoạt động, chắc chắn bệnh viện nào cũng có thể xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ, ví dụ năm nay bệnh viện tiếp nhận 1.000 bệnh nhân viêm gan, tuy nhiên năm sau bệnh viện có mua sắm thêm thiết bị giúp chẩn đoán bệnh nhanh hơn, từ đó sẽ kéo thêm nhiều bệnh nhân đến điều trị thì chắc chắn sẽ thiếu thuốc nếu không có sự tính toán, dự trù trước.
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay tất cả đấu thầu thuốc đều phải thông qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt về danh mục, số lượng, tổng kinh phí. Vì vậy, tại đơn vị hằng tháng, hằng quý đều phải xem xét xuất nhập, kiểm tra thuốc tồn và chiều hướng của mô hình bệnh tật.
Từ đó chủ động làm hồ sơ đề nghị Sở Y tế cho phép bổ sung số lượng nếu thiếu hoặc ngược lại, với những bệnh có chiều hướng giảm đi thì bệnh viện sẽ báo cáo với Sở Y tế để xem xét điều chuyển thuốc đến các bệnh viện khác thiếu.
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nhà thầu không có khả năng cung cấp, đứt hàng, khi đó các bệnh viện cũng có thể xảy ra thiếu thuốc cục bộ và phải có phương án đổi mặt hàng khác tương đương để điều trị.
Đà Nẵng: cố gắng dùng thuốc hợp lý
Vừa qua tại nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Đơn cử như tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng thiếu thuốc Mycophenolat, bệnh nhân ra ngoài mua thuốc thay thế giá cao. Tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng xảy ra tình trạng nhà thầu không cung ứng kịp thời, bệnh nhân phải tự mua hoặc hoãn mổ...
Trao đổi với Tuổi Trẻ , lãnh đạo một bệnh viện tuyến cuối ở Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho biết có một số loại thuốc tại bệnh viện đã hết, hiện đang làm các thủ tục thầu theo quy định và dự báo tới tháng 9 sẽ có kết quả. Đồng thời vị này nhìn nhận việc đảm bảo cung ứng thuốc bảo hiểm y tế hiện chậm hơn so với mọi năm do nhiều nguyên nhân khách quan.
"Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, với các loại thuốc có nguy cơ thiếu hụt thì khi điều trị các bác sĩ phải sử dụng thuốc cho phù hợp và hợp lý trong điều trị lẫn hợp lý trong chi phí.
Trong trường hợp không có thuốc hoặc vật tư y tế mà cấp thiết mới tính đến phương án chuyển bệnh nhân đi nơi khác", vị này nói. Ngoài ra theo vị này, với một số trường hợp đặc biệt phía bệnh viện vẫn được chỉ định thầu đối với một số loại thuốc, vật tư y tế theo quy định.
TRƯỜNG TRUNG
ĐBSCL: trước mắt phải xin chủ trương áp thầu dùng tạm
Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nhiều người bệnh khám bằng thẻ bảo hiểm y tế bất ngờ khi không nhận được thuốc mà phải ra ngoài mua, có người thì được cấp 50% toa thuốc.
Nguyên nhân khách quan là trước đó Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ cho chuyển đổi công năng toàn bộ để làm bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng của TP (từ tháng 8-2021), mọi thứ khám và điều trị bệnh thông thường đều bị dừng lại.
Nguyên nhân tiếp theo là bắt đầu năm nay, Sở Y tế Cần Thơ giao cho các bệnh viện chủ động tự đấu thầu, chứ không đấu thầu tập trung như trước đây, các bệnh viện lúng túng trong thực hiện theo quy trình vì "giờ không ai dám làm tắt thủ tục đấu thầu", một lãnh đạo bệnh viện chia sẻ.
Bác sĩ Ông Huy Thanh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết hiện tại bệnh viện cũng đang hết một số loại thuốc thông thường, trước mắt bệnh viện vận động gia đình người bệnh tự mua. "Đấu thầu bệnh viện hiện chúng tôi đã bán hồ sơ thầu, xong hết các thủ tục chắc cũng từ 2 - 3 tháng", ông Thanh nói.
Tương tự, tình trạng thiếu thuốc cho khám và điều trị bệnh nhân cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, đã mấy tháng nay bệnh viện đi vay mượn thuốc từ một số công ty quen, đơn vị bạn, đến khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu có thì đem trả lại, còn chỉ dùng được trong 2 tháng lại tiếp tục hết.
Để giải quyết tình trạng này, ông Huỳnh Minh Phú - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho hay trước mắt đã có tờ trình kiến nghị xin chủ trương UBND TP giải quyết gói mua sắm trực tiếp để giảm áp lực tạm thời, với tổng giá trị hơn 50 tỉ đồng, sử dụng trong 2 - 3 tháng trong khi chờ đấu thầu.
Hiện tại bệnh viện đã gửi kiến nghị về Sở Y tế và trình qua UBND TP, khi có chủ trương thống nhất giá gói thầu tạm này, bệnh viện sẽ tiến hành áp thầu và mua sắm ngay trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cho hay trong thời gian chờ Sở Y tế đấu thầu tập trung, bệnh viện cũng làm tờ trình xin chủ trương cho mua thuốc áp thầu trị giá khoảng 1 tỉ đồng phục vụ công tác khám, điều trị trước mắt.
"Chỉ có cách này và vận động người bệnh mua thêm thuốc bên ngoài, hoặc nếu không chuyển tuyến trên... chứ trước mắt không ai dám làm tắt các thủ tục", vị lãnh đạo này nói.
T.LŨY - L.DÂN
Ông Phạm Văn Học (phó chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam):
Cần phải đồng bộ nhiều giải pháp
Theo tôi, vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc "khát" thuốc bảo hiểm y tế hiện nay là do hệ thống pháp lý trong Luật khám chữa bệnh chưa quy định đầy đủ.
Cụ thể trong Luật khám chữa bệnh năm 2009 chưa có quy định cụ thể nào về xã hội hóa, khái niệm về tự chủ trong bệnh viện công và về việc cơ chế quản lý tài chính, đấu giá, đấu thầu, thuốc men và vật tư tiêu hao.
Thực tế hiện nay, tất cả các bệnh viện công đã có xã hội hóa và có một số bệnh viện tự chủ. Tuy nhiên, bản thân tôi đang tham gia góp ý kiến dự thảo luật sửa đổi lần này vẫn thấy trong dự thảo cũng chưa đưa ra ý kiến về những khái niệm và quy định trên. Như vậy, từ trước đến nay đã khó, đang khó và sẽ còn khó nếu luật sửa đổi không quy định cụ thể những vấn đề này.
Bên cạnh đó, toàn bộ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiếu bị đều do các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhập khẩu và cung cấp trên thị trường. Tính đến thời điểm này, không còn doanh nghiệp nhà nước nào làm việc này.
Trong khi đó còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc đấu thầu, các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế đã có, tuy nhiên không hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến các bệnh viện công không biết làm thế nào, nên cách tốt nhất là không tham gia.
Để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế cấp bách hiện nay, Chính phủ cần vào cuộc bằng những nghị quyết trong tình huống khẩn cấp, tháo gỡ để ngay lập tức các bệnh viện nhanh chóng mua được thuốc men, vật tư tiêu hao.
Tiếp đến, Quốc hội cần phải chỉn chu hoàn chỉnh Luật khám chữa bệnh để ngoài việc hành nghề, phải giải quyết được các vấn đề liên quan đấu giá, đấu thầu, thuốc men, vật tư tiêu hao, thiết bị y tế, vấn đề xã hội hóa và tự chủ của bệnh viện.
Chuyển "việc nhỏ" cho y tế xã - phường
Cũng theo ông Học, việc cấp thuốc bảo hiểm y tế cho cơ sở y tế địa phương cần được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Hiện chúng ta đang áp dụng cơ sở y tế 4 cấp (cấp xã - phường, cấp quận - huyện, cấp tỉnh - thành phố và trung ương).
Trên thực tế mỗi xã - phường đều có trạm y tế nhằm giải quyết khám chữa bệnh ban đầu nhưng 10 năm trở lại đây, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thông tuyến được thay đổi. Điều này vô tình khiến trạm y tế không được đầu tư và gần như tê liệt, có những trạm y tế xã - phường không còn hoạt động khám chữa bệnh nữa.
Ở thành phố có thể người dân tiếp cận bệnh viện dễ dàng hơn, không gặp khó khăn nhưng ở các vùng ngoại thành, các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì đây là sự thiệt thòi cho người dân.
Có những người dân phải đi 20-30km mới lấy được thuốc cấp phát, thậm chí tiền đi lại còn tốn kém hơn tiền thuốc. Chúng ta hoàn toàn có thể chuyển những việc không quá khó, không quá nghiêm trọng như việc cấp phát thuốc chữa bệnh mãn tính (cao huyết áp, tiểu đường...) cho trạm y tế địa phương.
D.LIỄU ghi
Gia hạn danh mục thuốc hết hạn đăng ký
Trước tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế diễn ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước, ngày 2-6, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn công bố danh mục gồm 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc xin và sinh phẩm y tế gồm: 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vắc xin, sinh phẩm y tế.
Đây là danh mục các loại thuốc, vắc xin, sinh phẩm đã hết hạn đăng ký từ ngày 31-12-2021 đến 30-6-2022 sẽ tiếp tục được gia hạn đăng ký.
Dự kiến trước ngày 15-7 sẽ ban hành các thuốc còn lại trong gần 10.000 giấy đăng ký sắp hết hiệu lực chỉ trong năm 2022.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật dược sửa đổi, ban hành thông tư thay thế thông tư 32/2018 nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu hiện nay và tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn, giải quyết một cách triệt để nguy cơ thiếu thuốc.
D.LIỄU
Bộ Y tế chính thức thông tin việc Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc chống thải ghép. Bộ này đang chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương đấu thầu thuốc cấp quốc gia.