Thực trạng chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện: Bài 3: Bộ Y tế làm gì để cải thiện chất lượng?

Chia sẻ Facebook
16/05/2023 16:25:50

VietTimes – Do chưa được chăm sóc toàn diện nên mỗi người bệnh nằm viện đều phải có 1-2 người nhà đi theo chăm sóc. Vì cả nước đang thiếu hơn 100.000 điều dưỡng, đặc biệt, trình độ chuyên môn của điều dưỡng thấp nhất trong khu vực.


Sau khi VietTimes đăng 2 bài “ Thực trạng công tác chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện - Bài 1: Chủ yếu do gia đình người bệnh”“Thực trạng công tác chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện: Bài 2: Chính sách lạc hậu, người bệnh “lãnh đủ” , phác thảo về tình hình chăm sóc bệnh nhân ở các BV, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) Bộ Y tế - đã có cuộc trao đổi với VietTimes về giải pháp cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh của Bộ Y tế.

Đó là Đề án “Tăng cường công tác chăm sóc toàn diện người bệnh giai đoạn 2022 – 2030” đang được Bộ Y tế xây dựng, nhằm giải quyết căn cơ những tồn tại trong công tác chăm sóc bệnh nhân, để nâng cao chất lượng dịch vụ này, hướng đến sự hài lòng của người bệnh và hội nhập quốc tế.


+ Thưa Cục trưởng! Hiện nay, các bệnh viện (BV) vẫn chưa triển khai chăm sóc toàn diện cho người bệnh như chủ trương đã có từ rất lâu của Bộ Y tế. Vì thế, mỗi người bệnh nằm viện thường phải kèm ít nhất 1 người nhà để chăm sóc, vất vả mà hiệu quả không bằng điều dưỡng chuyên nghiệp, chưa kể đến các tác động khác. Tại sao chủ trương thì lâu mà việc triển khai lại chậm vậy, thưa ông?


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê : Chăm sóc toàn diện người bệnh trong cơ sở KCB là việc cung cấp cho người bệnh các dịch vụ chăm sóc y tế, tâm lý, xã hội và tài chính đầy đủ và hiệu quả nhất trong quá trình người bệnh điều trị nội trú trong BV, do đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn phù hợp.

Để chăm sóc người bệnh toàn diện được hiệu quả, đòi hỏi phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp trong phục vụ việc chăm sóc. Đặc biệt, phải có đủ nhân lực lực y tế, trong đó có điều dưỡng.

Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực điều dưỡng rất thiếu nên các chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân như tắm, gội, thay quần áo, vệ sinh cá nhân phải có sự hỗ trợ của người nhà người bệnh, còn điều dưỡng tập trung nhiều vào thực hiện các kỹ thuật chuyên môn xâm lấn.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, thì có 3,5 điều dưỡng/1 bác sĩ, tức là 26 điều dưỡng/vạn dân và Việt Nam cần có 260.000 điều dưỡng. Song, thực tế chỉ có khoảng 140-150.000 điều dưỡng. Tức là còn thiếu hơn 100.000 điều dưỡng nữa.

Vì thế, người bệnh vẫn chưa được chăm sóc toàn diện, mặc dù Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác điều dưỡng: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 đã được Chính phủ phê duyệt; Luật KCB; Thông tư 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 của Bộ Y tế Quy định hoạt động điều dưỡng trong BV.


* Theo một khảo sát mới đây của Bộ Y tế, cả nước còn thiếu hơn 100.000 điều dưỡng, trong khi mỗi năm, khoảng 20.000 điều dưỡng ra trường và rất nhiều điều dưỡng vẫn thất nghiệp. Tại sao không tuyển họ vào chỗ còn thiếu, để người bệnh được chăm sóc tốt hơn, còn họ thì được làm đúng chuyên môn?


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Do cơ chế chi trả, giá dịch vụ chăm sóc chưa được tính đúng, tính đủ, nên các BV chưa thể tuyển dụng đủ nhân lực điều dưỡng.


+ Nhiều gia đình đang phải thuê người trông nom người nhà là bệnh nhân nằm BV với giá rất đắt, tùy tình trạng người bệnh. Trong khi đó, các BV có thể tuyển các điều dưỡng mới ra trường và nguồn chi trả là từ các gia đình bệnh nhân có nhu cầu, đúng không thưa Cục trưởng?


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Các văn bản hiện hành chưa cho phép các BV có cơ chế tuyển các điều dưỡng mới ra trường, hoặc người chăm nuôi tự do để hỗ trợ chăm sóc người bệnh với nguồn chi trả từ gia đình người bệnh.

Tuy nhiên, trước nhu cầu của xã hội, đã có 2 mô hình được áp dụng: BV Phổi TW tổ chức đào tạo chuyên môn cơ bản cho số người chuyên hỗ trợ bệnh nhân do các gia đình thuê, nhưng giá cả là do gia đình bệnh nhân và người chăm sóc thỏa thuận. Còn ở BV Hữu Nghị thì ký kết với một công ty tổ chức tuyển người và đào tạo về chăm sóc người bệnh. Thay vì bệnh nhân tự tìm người giúp việc bên ngoài, có thể thuê người của công ty này.


+ Đang có nhiều bất hợp lý trong công tác điều dưỡng và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc người bệnh. Theo ông, đâu là những rào cản để chất lượng của hoạt động này chưa được như mong đợi?


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Những năm qua, tại Việt Nam, nghề điều điều dưỡng đã khẳng định được những đóng góp rất quan trọng, hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trên các lĩnh vực: Xây dựng chính sách, tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng.

Tuy nhiên, công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Nhiều nơi vẫn quan niệm “nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sỹ”. Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng, nhất là năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước khu vực. Vì thế, công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh.

Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến công tác điều dưỡng là các điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo. Hiện ở nước ta, điều dưỡng có trình độ đại học khoảng 30%, sau đại học khoảng 3%, còn lại là cao đẳng và trung học. Nhưng, trước bệnh nhân, thì các điều dưỡng lại như nhau, dù có trình độ khác nhau, là không hợp lý.

Việc đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Việt Nam đang xếp hàng thấp nhất về tiến trình hội nhập điều dưỡng.


Một vấn nữa là hệ thống lãnh đạo, quản lý điều dưỡng chưa phù hợp. Công tác điều dưỡng có đặc thù nên điều dưỡng làm quản lý sẽ đảm bảo được vai trò tốt hơn. Nhưng ở nhiều BV không đủ người để thành lập Phòng điều dưỡng, nên hiện nay, nhiều người làm quản lý về điều dưỡng không phải là điều dưỡng.

Hiện mới có 10 đơn vị y tế công lập bổ nhiệm điều dưỡng giữ chức phó giám đốc BV, trong đó có BV Nhi Hải Dương và 9 trung tâm y tế quận/huyện; 10 BV tư nhân bổ nhiệm điều dưỡng giữ chức vụ Giám đốc Điều dưỡng như BV Vinmec, BV Quốc tế Sài Gòn… theo mô hình các nước trên thế giới.

Những thách thức này càng lớn khi nhu cầu của người dân về chất lượng chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, sự già hóa dân số cùng với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và đặc biệt đại dịch COVID-19, đòi hỏi công tác điều dưỡng phải nâng cao chất lượng để đáp ứng hoạt động chăm sóc người bệnh trong các BV.


+ Để giải quyết căn cơ những vấn đề này, ngành y tế có giải pháp gì, thưa ông?


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Trước thực trạng hiện nay, để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân và hội nhập điều dưỡng, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án tổng thể “Tăng cường công tác chăm sóc toàn diện người bệnh giai đoạn 2022 – 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các mục tiêu căn bản về công tác điều dưỡng, qua đó, giải quyết những bất cập của công tác điều dưỡng hiện nay. Đó là nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho điều dưỡng tại các cơ sở KCB; nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo, của điều dưỡng các cấp; đảo đảm đủ nhân lực và hành nghề điều dưỡng theo phạm vi chuyên môn; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động chăm sóc người bệnh.


+ Được biết, “Việt Nam đang xếp hàng thấp nhất về tiến trình hội nhập điều dưỡng”. Bộ Y tế sẽ giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Để khắc phục những hạn chế này, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, y tế Việt Nam đang trên con đường đổi mới căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều dưỡng, phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, thúc đẩy phát triển công nghệ và thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện trong các cơ sở KCB, đáp ứng yêu cầu chăm sóc thực tiễn và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN.


+ Cám ơn ông đã trao đổi!


Thanh Hằng (thực hiện)

Chia sẻ Facebook