Thực tập không lương, lấy kinh nghiệm hay "cho không chất xám"?
Chuyện sinh viên đi thực tập không lương ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Người cho rằng cần thiết để lấy kinh nghiệm, bên lại không ủng hộ điều này.
Một bài viết tại Cột sống Gen Z về chủ đề sinh viên đi thực tập đang thu hút rất nhiều sự chú ý của các bạn trẻ. Theo đó, người đăng tải nội dung chia sẻ: "Mọi người nghĩ sao về việc thực tập không lương, không trợ cấp ạ? Em vừa tốt nghiệp đại học và đang đi tìm việc làm. Hiện tại có một công ty yêu cầu em thực tập không lương ít nhất 2 tháng rồi thử việc và mới cân nhắc làm nhân viên chính thức hay không. Em cũng khá đắn đo về vấn đề này. Mong mọi người tư vấn giúp em".
Ngay sau đó, đã có đến hàng nghìn lượt bình luận được đưa ra, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện này, người đồng tình người phản bác tạo nên cuộc tranh luận "nảy lửa": Nên hay không chuyện đi thực tập không lương?
Gen Z nghĩ gì về thực tập không lương?
Thực tập là quá trình chuẩn bị hành trang vững chắc để bước vào thị trường lao động của người trẻ. Các bạn sinh viên năm cuối, vừa mới ra trường thông qua thực tập sẽ được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước trong nghề. Người trẻ không ngại thực tập, thế nhưng có nhiều nơi làm việc không trả lương cho các bạn sinh viên mà chỉ cho phép làm việc lấy kinh nghiệm, điều này khiến cho không ít Gen Z nản chí, uể oải.
Đứng trước vấn đề thực tập không lương, có thể thấy Gen Z có phần phản ứng mạnh hơn so với các thế hệ khác. Nhiều người trẻ không đồng ý với việc thực tập không lương, họ cho rằng bản thân bỏ công sức lao động, nếu không thể nhận lại một chút thù lao quả thật không đáng. Bên dưới những bài viết đăng tải về vấn đề này có không ít những bình luận như: "Bỏ đi, khuyên bạn kiếm công ty khác làm", "Thực tập không lương 3 tháng thì sống bằng gì?", "Không cần trả lương nhiều, mình nghĩ cũng nên có một chút hỗ trợ tối thiểu, chi phí đi lại", hài hước hơn có Gen Z còn đáp trả : "Nếu vậy em sẽ đóng góp tiếng cười",...
Nhiều bạn trẻ đã chỉ ra rằng khi làm việc với tâm lý không lương sẽ khác với một người đi làm nhận lương. Đó là ý thức trách nhiệm của một nhân viên được trao quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Nếu không được nhận lương, năng suất làm việc sẽ không thể tối đa, ý thức trách nhiệm cũng không cao, khả năng bạn làm sai sót trong công việc dẫn đến thiệt hại cho công ty sẽ cao hơn nhiều.
Bên cạnh những phản đối, vẫn có nhiều Gen Z có góc nhìn thoải mái hơn, chấp nhận bắt đầu từ con số 0 để lấy kinh nghiệm:
- Mình hiểu tại sao các bạn tranh cãi, nhưng cá nhân mình cảm thấy khi đi thực tập cũng không nên đòi hỏi quá nhiều ở lương, mà điều quan trọng là mình có được kinh nghiệm để có thể tiến xa hơn.
- Nói đến thực tập không lương chúng ta sẽ thấy rất nhiều khía cạnh tiêu cực. Nhưng thực chất, thực tập không lương đối với một sinh viên chưa có chút kinh nghiệm nào trong tay thì thực sự rất đáng quý. Trước đây, mình đã thực tập tại một công ty và được anh chị hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình.
- Quan điểm của mình thì việc đi làm không lương để lấy kinh nghiệm, đối với những bạn chưa có chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực mình làm, bắt đầu từ con số 0 thì đó là điều bình thường.
Đặt lên bàn cân: Được gì và mất gì?
Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây: " Thực tập không lương, lấy kinh nghiệm hay đang 'cho không chất xám'?" Sẽ khó có một đáp án chính xác bởi nó phụ thuộc vào công việc thực tế, nhu cầu, mong muốn của từng cá nhân. Trong vấn đề này, bạn sẽ được nhiều thứ nhưng cũng mất đi một số điều.
Bạn được gì? Bất kỳ CV xin việc nào có nhiều kinh nghiệm chắc chắn sẽ gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Đối với các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm thì quá trình tham gia thực tập không lương sẽ giúp bạn làm đẹp CV của mình để nổi bật hơn trong các kỳ tuyển dụng trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để người trẻ mở rộng mối quan hệ của mình, được học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích. Quá trình thực tập chăm chỉ và nỗ lực có thể giúp bạn được công ty đánh giá cao, có cơ hội trở thành nhân viên chính thức.
Bạn mất gì? Vấn đề lớn nhất ở đây chính là bạn không thu lại được bất kỳ đồng nào dù làm việc như một nhân viên. Điều này khiến cho nhiều người trẻ băn khoăn vì nếu làm các công việc part-time khác vẫn có thể nhận được tiền lương kha khá dựa trên sức lao động và thời gian làm việc tương ứng. Đa số các bạn trẻ còn nhiều vấn đề trong cuộc sống phải gánh trên lưng như học phí, tiền sinh hoạt, tiền đi lại, tiền thuê nhà,... và giờ là những chi phí khi tham gia thực tập. Điều này khiến nhiều sinh viên không thoải mái, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần cân nhắc để đưa ra phương án tốt nhất. Đối với sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp hay vừa mới ra trường, điều cần được ưu tiên là môi trường có thể học hỏi và phát triển, nâng cao kỹ năng. Hiện nay, có rất nhiều công ty có chế độ thực tập tốt, hỗ trợ cho người thực tập, các bạn có thể tìm hiểu, nhờ những người đi trước giúp đỡ. Dù có lương hay không, phải đảm bảo rằng đó là một công ty uy tín có thể giúp bạn phát triển xa hơn trong tương lai.
Độc giả của YAN nghĩ sao về vấn đề thực tập không lương? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn cùng với chúng tôi!
Mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau về vấn đề thực tập có lương hay không lương. Tùy theo yêu cầu công việc sẽ có những chế độ phù hợp. Quan trọng nhất bạn phải tìm được môi trường mà ở đó mình có thể tiến bộ, phát triển chứ không chỉ dậm chân tại chỗ. Dù chỉ thực tập cũng không xem nhẹ bản thân, đề ra mục tiêu và lộ trình phát triển cụ thể.
Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY !