Thực phẩm nhập khẩu: có lỗ hổng kiểm soát chất lượng
Nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến khi nước ngoài công bố thu hồi, chúng ta mới đi rà soát, kiểm tra. Khi đó có thể nhiều người đã bị ảnh hưởng. Có lỗ hổng nào?
Mới nhất Bộ Công thương đã chỉ đạo kiểm tra sản phẩm kẹo trứng Kinder Surprise sau khi nhà sản xuất thu hồi sản phẩm tại 7 nước châu Âu do nghi ngờ sản phẩm liên quan tới hàng chục ca nhiễm khuẩn salmonella (gây nhiễm trùng đường ruột, có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, đau bụng...).
Do kinh phí hạn chế nên không lấy được nhiều mẫu để giám sát chủ động. Nên có trường hợp cơ quan quản lý của nước ngoài thông báo thu hồi, cơ quan trong nước mới kiểm tra, giám sát và hậu kiểm.
Đại diện Bộ Công thương
Thiếu kinh phí nên lấy ít mẫu
Trả lời Tuổi Trẻ về cơ chế hậu kiểm với thực phẩm nhập khẩu có kẽ hở không, theo đại diện Bộ Công thương, cơ chế hậu kiểm được lồng ghép vào... các đợt kiểm tra liên ngành hằng năm. Bên cạnh đó còn có cơ chế giám sát chủ động trên cơ sở phân tích, đánh giá từng sản phẩm cho từng thời kỳ, lấy mẫu kiểm nghiệm. Các cơ quan kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu (gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương) đã được phân công theo từng nhóm sản phẩm nên sẽ phối hợp kiểm tra, chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên, vị đại diện Bộ Công thương công nhận do kinh phí hạn chế nên không lấy được nhiều mẫu để giám sát chủ động. Nên có trường hợp cơ quan quản lý của nước ngoài thông báo thu hồi, cơ quan trong nước mới kiểm tra, giám sát và hậu kiểm.
Đại diện Bộ Công thương kiến nghị để việc kiểm tra, hậu kiểm với sản phẩm nhập hiệu quả hơn, cần bố trí thêm kinh phí để lấy được nhiều mẫu thường xuyên. Bởi hiện nay kinh phí chưa cho phép làm việc này thường xuyên và trên diện rộng. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông từ trung ương đến địa phương về an toàn thực phẩm để việc quản lý, kiểm tra sản phẩm thực phẩm nói chung và sản phẩm nhập khẩu hiệu quả hơn.
Có nguy cơ không cảnh báo kịp
Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết những vụ phát hiện thực phẩm có lỗi chất lượng phạm vi toàn cầu như vụ nghi có vi khuẩn salmonella trong kẹo sôcôla trứng thì thông thường các nước ghi nhận vụ việc sẽ báo tin cho Infosan (Mạng lưới các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc tế). Infosan sẽ trích xuất thông tin từ nhà sản xuất xem sản phẩm xuất khẩu đi nước nào và báo cho quốc gia nhập sản phẩm.
Bên cạnh đó các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cũng theo dõi thông tin an toàn thực phẩm ở nước ngoài để cảnh báo sớm.
Việt Nam từng báo tin cho Infosan khi ghi nhận chuỗi ngộ độc gây liệt cơ do Botulinum hiếm gặp sau khi ăn thực phẩm chay đóng hộp thời điểm 2020. Tuy nhiên vị này cũng cho biết Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia có nguy cơ lọt cửa cơ quan quản lý, không cảnh báo kịp cho người tiêu dùng.
"Lượng thực phẩm có trên thị trường rất lớn, số được hậu kiểm chỉ chiếm một tỉ lệ nhất định. Quản lý chất lượng thực phẩm phải trên cả quá trình từ nuôi trồng, thu hái, giết mổ, bảo quản, chế biến chứ không chỉ quản lý sản phẩm cuối cùng" - đại diện Cục An toàn thực phẩm nói.
Bên cạnh đó vị này cũng cho hay thông thường các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn đều có phòng xét nghiệm, định kỳ sẽ lấy mẫu kiểm tra và trường hợp sản phẩm lỗi sẽ báo để thu hồi. Người tiêu dùng nếu phát hiện sản phẩm lỗi cũng có thể báo cho nhà sản xuất, như vụ kẹo trứng lần này cũng là từ một số người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng, báo cho nhà sản xuất kiểm tra và sau đó nhà sản xuất phát hiện có sản phẩm lỗi, tự nguyện thu hồi.
Theo ghi nhận tại thị trường TP.HCM, loại kẹo trứng Kinder Surprise mà nhiều nước châu Âu đang thu hồi, không có nhiều. Thay vào đó là loại Kinder Joy được bán phổ biến hơn.