Thực phẩm giúp “giải rượu” ngày Tết, đi chợ nên mua nhiều hơn
Một số thực phẩm quen thuộc hằng ngày và rẻ tiền có tác dụng giải rượu, bia giúp bạn khắc phục hệ quả sau những cơn say ngày Tết.
Mướp đắng (khổ qua): Loại này có tính mát, có tác dụng giải độc gan, vì thế ngoài tác dụng giã rượu, ăn khổ qua thường xuyên giúp giải nhiệt, giúp gan hoạt động tốt, ngăn ngừa được nhiều bệnh, đặc biệt là tiểu đường.
Nước rau cần: Bạn chỉ cần cho 100g rau cần vào cối và giã nát. Thêm nước lọc vào. Lọc lấy nước uống. Nước từ rau cần giúp giảm triệu chứng nhức đầu do uống nhiều rượu bia. Trong buổi tiệc rượu, món ăn có rau cần cũng có tác dụng giúp cho thực khách tỉnh táo hơn.
Nước cam: Nước cam ép cũng là thức uống giải rượu. Hai quả cam ép lấy nước. Cho vào ly cùng với một ít đường.
Nước đậu xanh: Để làm món nước giải rượu này bạn chỉ cần 70g đ ậu xanh. Cho vào nồi cùng với 1 lít nước. Đun sôi cho đến khi đậu xanh chín. Uống nước và ăn đậu. Nước đậu xanh cũng là bài thuốc dân gian giải rượu, giải độc.
Nước ép dưa hấu, rau cần: Cho 200g dưa hấu và 80g rau cần vào máy ép lấy nước uống. Nước giải khát này có thể sử dụng sau buổi tiệc rượu. Nếu sáng hôm sau, còn cảm giác nặng đầu cũng có thể tiếp tục sử dụng.
Nước ép dưa hấu, cà chua: Cho 150g cà chua, 200g dưa hấu vào máy ép lấy nước uống. Nước giải khát này có thể sử dụng sau tiệc rượu hoặc vào buổi điểm tâm ngày hôm sau.
Dưa hấu: Đây cũng là thức uống giải rượu rất tốt. Bạn chỉ cần 200g dưa hấu, bỏ hạt rồi ép lấy nước uống.
Nước chanh: Sau khi uống rượu, nếu cảm thấy có cảm giác hồi hộp, đau tức ngực. Bạn chỉ cần uống cốc nước chanh để giải rượu. Đây là một cách giúp bạn thoát khỏi cảm giác nôn nao, khó chịu rất nhanh. Nước chanh cung cấp năng lượng và cũng làm giảm tình trạng mất nước do chất cồn.
Cùi quả sấu: Cho 10g cùi quả sấu vào ly nước. Chế nước sôi vào. Ủ khoảng 15 phút trước khi uống. Nước quả sấu cũng là bài thuốc giải rượu khá hiệu quả. Quả sấu có nhiều ở miền Bắc. Nếu ở trong Nam, có thể dùng mứt sấu, ô mai sấu thay thế.
Gừng: Gừng được biết đến rộng rãi từ thời kỳ cổ đại nhờ những lợi ích với hệ tiêu hóa và tác dụng chống viêm. Loại gia vị này có hiệu quả cao trong việc cải thiện chứng buồn nôn, khó chịu trong dạ dày sau khi sử dụng rượu, bia. Đây cũng là lý do một tách trà gừng có thể làm bụng của chúng ta dễ chịu và phục hồi nhanh hơn sau buổi nhậu.
Trứng: Nguồn protein (đạm) từ trứng có thể ngăn chặn các tác dụng phụ trong quá trình cơ thể chuyển hóa rượu. Ngoài hương vị ngon, đa dạng cách chế biến, trứng còn là thực phẩm giàu cysteine, qua đó khôi phục mức glutathione trong cơ thể và cải thiện cảm giác nôn nao sau khi uống rượu, bia.
Củ cải: Ngày Tết mọi người thường ăn uống nhiều. Đặc biệt vào ngày hôm sau của buổi tiệc rượu, nhiều người vẫn cảm thấy bị nặng đầu, không tỉnh táo. Trong trường hợp này, có thể sử dụng nước ép củ cải, hoặc dùng củ cải nấu canh với thịt.
Nước dừa: Nước dừa cũng là một trong những thứ nước giải khát tuyệt vời, giúp làm dịu cơn khát đồng thời cung cấp các chất điện giải cho cơ thể.
Chuối: Khi chúng ta sử dụng rượu hoặc bia đến một ngưỡng nào đó sẽ có cảm giác cơ thể nóng bừng, mặt và thân mình đỏ lựng lên, chảy mồ hôi nhễ nhại. Hiện tượng trên là do các mạch máu ngoại biên giãn ra. Điều này khiến cơ thể chúng ta bị mất nước và các chất điện giải. Vào buổi sáng sau đêm tiệc, việc sử dụng vài trái chuối sẽ cung cấp cho cơ thế nhiều chất bổ dưỡng và chất điện giải kali.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Lao Động)