Thực phẩm chợ đầu mối: Rờ đến đâu thấy rầu đến đó
Gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.
Thông tin trên gây "choáng váng" cho nhiều người tiêu dùng vì lâu nay vẫn nghĩ thực phẩm trên thị trường được quản lý chặt chẽ hơn trước.
Thực phẩm trong chuỗi an toàn kém an toàn
Tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập mới đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra.
Trong đó ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.
Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.
Đặc biệt, qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở TP.HCM, cơ quan này phát hiện tỉ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao.
Cụ thể, nhiều mẫu rau quả phát hiện cùng lúc dư lượng nhiều hoạt chất bảo vệ thực vật, cá biệt có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất.
Tính chung, phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhóm mặt hàng rau, trái cây là 271/570 mẫu (chiếm tỉ lệ 47,54%), trong đó có nhiều mẫu vượt mức giới hạn cho phép.
Đối với hải sản đánh bắt, về kim loại nặng có 42/100 mẫu (tỉ lệ 42%) phát hiện nhiễm cadimi vượt mức cho phép, trong đó 36 mẫu mực và 6 mẫu bạch tuộc. Với thủy sản nuôi, tồn dư kháng sinh cấm sử dụng ciprofloxacin 37/100 mẫu (chiếm tỉ lệ 37%); enrofloxacin 49/100 mẫu; trifluralin 5/100 mẫu...
"Việc đưa ra con số về tỉ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật là chúng tôi xác định không thể cứ mãi để buông xuôi, thả nổi chất lượng. Phải lấy mẫu kiểm nghiệm, phải công bố để biết thực trạng đang ở đâu, còn giải quyết", bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết.
Lấy mẫu kiểm tra quá ít
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả đặc biệt tại các tỉnh tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân chưa được kiểm soát.
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện khoảng 70% nguồn cung thực phẩm hằng ngày cho TP.HCM là từ các chợ, trong đó chủ yếu là 3 chợ đầu mối trên địa bàn.
Theo đó, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức có lượng nông sản nhập về hiện bình quân 2.500 tấn/đêm, trong đó 80 - 90% có xuất xứ trong nước; chợ đầu mối Hóc Môn bình quân 2.037 tấn/đêm gồm nông sản, thịt heo; và chợ Bình Điền gần 2.000 tấn/đêm, trong đó rau củ, trái cây chiếm 983 tấn, thủy hải sản 977 tấn.
Tuy vậy, số lượng mẫu hàng hóa được lấy để test (kiểm tra) tại các chợ đầu mối, lò mổ hiện nay khá khiêm tốn so với lượng hàng, và chủ yếu áp dụng phương pháp test nhanh, mang yếu tố sàng lọc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-7, ông Nguyễn Nhu, giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết thời gian qua lượng hàng hóa bị nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật tại chợ bị tiêu hủy khiêm tốn, do lượng hàng được kiểm tra chưa nhiều, và khi có kết quả kiểm tra thì hàng đã được thương nhân bán đi.
Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận tỉ lệ hàng hóa được lấy mẫu để test tại các chợ đầu mối dù đã tăng mạnh theo từng năm nhưng vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với khối lượng hàng về chợ.
Tăng giám sát, nâng mức phạt
Từ kết quả phân tích kiểm nghiệm trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cho biết đã có văn bản thông báo cho cơ sở được lấy mẫu có kết quả giám sát không đạt và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm của cơ sở, đồng thời yêu cầu cơ sở có báo cáo giải trình.
Theo bà Lan, chỉ kết quả test chuyên sâu mới đủ cơ sở để xử phạt, còn test nhanh chỉ mang yếu tố sàng lọc, và chỉ tác dụng với các hoạt chất cơ bản.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là cơ quan không đủ khả năng, tiềm lực để test tất cả, test chuyên sâu liên tục, mà buộc phải sàng lọc theo dạng nhóm hàng nguy cơ cao, mùa vụ để cảnh báo.
Ngoài ra, test chuyên sâu phải cần nhiều ngày, thậm chí cả tuần mới cho kết quả, trong khi đặc thù thực phẩm tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn, nếu giữ hàng lại bị hư hỏng và khi test cho kết quả không vi phạm thì cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ hàng.
Trường hợp không giữ hàng nhưng nếu test ra kết quả dương tính thì coi như vô nghĩa vì gần như hàng đã được chủ bán đi, cùng lắm là xử phạt nguội hoặc truy xuất nguồn gốc, cảnh báo...
Bà Lan cũng cho rằng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần có sự phối hợp kiểm soát từ tỉnh. Ngoài ra, cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành, theo đó nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc.
Thực phẩm ở TP.HCM nói chung đã an toàn hơn
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, dù thực phẩm trên địa bàn chưa an toàn tuyệt đối nhưng chắc chắn đã an toàn hơn trước.
Có nhiều con số thực tế chứng minh nhận định trên như số vụ ngộ độc thực phẩm giảm từ 18 (giai đoạn từ năm 2014 - 2016) còn 12 (giai đoạn từ 2017 - 2022).
Với các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" thì có tới 95,65% không phát hiện tồn dư hóa chất, chỉ có 3,69% phát hiện tồn dư trong mức giới hạn và không phát hiện tồn dư vượt mức giới hạn.
Từ bé thơ đến cụ già gần đất xa trời ở Việt Nam phải đối diện với vấn nạn thực phẩm bẩn. Ăn gì cũng lo về hóa chất và bệnh tật. Đất nước xuất khẩu nông sản, người dân phải nghiến răng chịu đựng tình cảnh này, vì đâu?