Thực hiện thành công ca gạn tách bạch cầu ở trẻ em đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Bệnh viện Trung ương Huế lần đầu tiên thực hiện thành công ca gạn tách bạch cầu cho bệnh nhi 15 tuổi, trú tại Quảng Nam.
Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhi N.T.H. (15 tuổi, trú tại Núi Thành, Quảng Nam) khởi bệnh với biểu hiện mệt mỏi, đau đầu nhiều, được đưa đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam phát hiện bạch cầu tăng rất cao: 370.000/l. Sau đó, bệnh nhi được chuyển ngay đến Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 25/2.
Tại đây, bệnh nhi được tiến hành làm ngay các xét nghiệm chẩn đoán với tủy đồ, công thức máu và sinh hóa máu. Đồng thời, với số lượng bạch cầu tăng quá cao: 400.000/l, bệnh nhi mệt và đau đầu nhiều, nguy cơ tắc mạch, trong đó tắc mạch não có khả năng xảy ra.
Trung tâm Nhi phối hợp với Trung tâm Huyết học Truyền máu, tiến hành gạn tách bạch cầu . Trong quá trình gạn tách, bệnh nhi được theo dõi sát và không xảy ra tai biến gì. Sau 4 tiếng gạn tách, số lượng bạch cầu của bệnh nhi xuống còn 220.000/l, bệnh nhi có cảm giác khỏe hơn và không còn đau đầu nữa.
Đồng thời, kết quả tủy đồ ban đầu xác định bệnh nhi bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, nên được tiếp tục điều trị nội khoa tích cực với: truyền dịch, thuốc hạ bạch cầu. Khi có kết quả gene Philadelphia dương tính, bệnh nhi được điều trị ngay với thuốc điều trị đích Imatinib.
Hiện tại, bệnh nhi khỏe mạnh, bạch cầu đã trở về giá trị bình thường 3.000/l. Bệnh nhi được cho xuất viện và uống thuốc điều trị, tái khám định kỳ.
Theo các bác sĩ, tăng bạch cầu là một cấp cứu nhi khoa. Tăng độ quánh máu, số lượng tế bào bạch cầu cao và tăng kết dính bạch cầu, dẫn đến ứ đọng trong các mạch máu nhỏ hơn, dẫn đến các biến chứng thần kinh, phổi hoặc dạ dày ruột. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến ngưng kết bạch cầu, tắc mạch và tử vong.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện cho biết: "Kỹ thuật gạn tách bạch cầu là một kỹ thuật cao, được sử dụng để điều trị trong các bệnh lý huyết học ác tính, giúp hạ nhanh số lượng bạch cầu trong giai đoạn cấp, đồng thời việc điều trị nội khoa bao gồm truyền dịch, dùng thuốc hạ bạch cầu… cũng đóng vai trò quan trọng. Đây là trường hợp đầu tiên gạn tách bạch cầu điều trị cho trẻ em tại Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng, cũng như trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung".
Hàng ngày, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành điều trị cho gần 100 bệnh nhi bị ung thư với các loại khác nhau: như ung thư máu, các khối u đặc... Hiện tại, ung thư máu trẻ em (đặc biệt là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho) là một bệnh ung thư chữa lành. Tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm đối với nguy cơ thường khoảng 70% và trên thế giới lên đến 95%.