Thực hiện cải cách giáo dục hiện gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 13:30:41

Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, việc thực hiện cải cách giáo dục hiện gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như vấn đề sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, chọn tổ hợp môn lớp 10…


Giáo dục là chủ đề được cử tri rất quan tâm và đưa ra nhiều kiến nghị trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày trước Quốc hội sáng 20/10.

Ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, cử tri đánh giá cao ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng chuẩn bị các điều kiện dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học.


Song nhiều ý kiến cử tri cho rằng, hiện nay thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như sách giáo khoa để cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp các môn, chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy, người học và phụ huynh vì các môn học riêng biệt được tích hợp từ nhiều môn học thành môn khoa học tự nhiên, môn khoa học xã hội, môn nghệ thuật. Trong đó, mỗi phân môn gồm một số chương thể hiện sự sắp xếp chương trình gò ép dẫn đến bố trí giáo viên giảng dạy môn học rất khó khăn và thiếu sự thống nhất giữa các trường.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Ảnh: TTXVN

"Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trong toàn quốc tạo nên 'cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách', sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận với kiến thức" - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ.

Nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn.

Cử tri cũng cho rằng cần quan tâm đào tạo nghề phù hợp với quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì hiện nay khi sinh viên một số ngành ra trường cũng không xin được việc làm, phải đi làm công việc không đúng theo chuyên ngành được đào tạo, gây lãng phí rất lớn.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Có sự điều chỉnh cần thiết để đạt được mục tiêu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra; đề nghị nghiên cứu, sớm bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Thích ứng với chương trình lớp 10 mới: Đòi hỏi những thay đổi trong dạy và học Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chia sẻ Facebook