Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử Thứ 7, 02/09/2023 | 19:00
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử đang trên đà phát triển mạnh mẽ và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như thanh toán điện tử, dịch vụ hậu cần, hoàn tất đơn hàng cũng đã và sẽ là bệ phóng cho thương mại điện tử nói chung.
Hiện nay, ngoài các mô hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), người tiêu dùng - người tiêu dùng (C2C), thị trường thương mại điện tử còn xuất hiện nhiều mô hình mới như: Online - Offline (O2O), Chính phủ - người dân, Chính phủ - doanh nghiệp (hay còn được gọi là G2C, G2B - dịch vụ hành chính công trực tuyến).
Chính vì vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch tại Việt Nam ngày càng chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đặc biệt là thanh toán điện tử thông qua các trung gian thanh toán hoặc các ứng dụng thanh toán còn thấp.
Trên thực tế, các giao dịch thanh toán không qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như giao dịch thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, gửi tiền mặt qua các quầy giao dịch, gửi tiền qua bưu điện... chiếm tỉ lệ cao trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc này tiềm ẩn những rủi ro cho người tiêu dùng trong quá trình giao dịch như: khi hàng hóa/dịch vụ không đạt yêu cầu có thể không được người bán tiếp nhận chuyển hoàn, người tiêu dùng cũng không thể khiếu nại hoặc được bảo vệ trong các giao dịch như trên.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, nguyên nhân chính của việc này là thói quen mua sắm của người tiêu dùng còn sử dụng tiền mặt; niềm tin của người tiêu dùng vào các hạ tầng thanh toán điện tử hỗ trợ cho thương mại điện tử chưa cao; các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và người bán hàng trong giao dịch sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa có tính đồng bộ, nhất quán.
Hiện tại, tại Việt Nam chỉ mới xuất hiện hình thức thanh toán đảm bảo (thanh toán tạm giữ) thông qua tài khoản ví điện tử của người dùng hoặc được tạm giữ bởi chính các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Về bản chất số tiền giao dịch này được trung chuyển trong tài khoản ngân hàng thuộc công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử hoặc công ty sàn thương mại điện tử. Điều này còn tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng và doanh nghiệp thương mại điện tử do dòng tiền trong ví điện tử không được đảm bảo bởi một ngân hàng thương mại hoặc một tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước.
Thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 và Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Bộ Công Thương đặt mục tiêu cao đối với thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ triển khai nhiều các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành như: Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay; Nghiên cứu triển khai hệ thống thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử theo phương án trọng tài thương mại (ESCROW) hướng đến mục đích bảo vệ cả người tiêu dùng và người bán hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt trong một giao dịch thương mại điện tử.
Lãnh đạo Trung tâm Tin học và Công nghệ số cho biết, nhằm hỗ trợ các bên tham gia vào giao dịch sử dụng thanh toán trực tuyến được bảo vệ, thời gian tới, Trung tâm Tin học và Công nghệ số dự kiến sẽ cho ra mắt hệ thống đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử. Hệ thống sẽ hướng đến hướng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường điện tử, bảo vệ lợi ích của các bên tham gia giao dịch trực tuyến, cụ thể: Tăng lượng thanh toán điện tử qua Escrow, giảm tỉ lệ COD (thu hộ); Tăng độ tin cậy và thúc đẩy gia tăng giao dịch; Giải quyết tranh chấp với cơ sở pháp lý rõ ràng; Bảo vệ lợi ích cho cả bên mua và bên bán.
Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tại Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành ngân hàng, với vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quán triệt, thống nhất, tổ chức triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại; chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng triển khai Đề án 06.
Rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Thứ hai, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số.
Đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa các hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng; các bộ ngành, cơ quan liên quan đẩy mạnh việc thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu, kết nối các hạ tầng tập trung để cho phép khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu tạo điều kiện cho chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt thành công hơn nữa trong thời gian tới
Thứ ba, ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên Internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, minh bạch và tiện lợi trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân, tội phạm trên môi trường mạng liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới như Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn.
Thứ sáu, tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tin tưởng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông và nhân dân, sự đồng lòng, quyết tâm và tinh thần chủ động, sáng tạo của tất cả các đơn vị với những kết quả đã đạt được và dư địa phát triển, chắc chắn ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước.
Hương Anh (t/h)