Thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học
3 đại học của Việt Nam sẽ cùng với các đối tác và trường đại học của Hoa Kỳ triển khai nhiều sáng kiến về đổi mới, tập trung vào những vấn đề cấp thiết hiện nay.
Mạng lưới các nhà khoa học và sáng kiến đổi mới từ dự án này được kỳ vọng sẽ là những hạt nhân thúc đẩy đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam trong thời gian tới.
Xây dựng chiến lược đào tạo trong tình hình mới, nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến được Đại học Đà Nẵng tích cực triển khai như học theo dự án, học từ trải nghiệm thực tế. Thời gian sinh viên thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp được tăng lên gấp đôi. Những đổi mới này sẽ còn được thúc đẩy hơn nữa trong 5 năm tới, khi Đại học Đà Nẵng tham gia Dự án Đổi mới giáo dục đại học cùng với các đối tác Hoa Kỳ.
Hoàn thiện mô hình quản trị đại học là 1 trong những ưu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội . Sắp tới, 27/140 chương trình đào tạo đại học của đơn vị này cũng sẽ được đổi mới theo chuẩn quốc tế. Nghiên cứu khoa học cũng sẽ phát triển về cả quy mô và chiều sâu, khi quy tụ những nhà khoa học và giảng viên hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ, đảm bảo đào tạo nhân lực chất lượng cao.
PHER - Dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với ngân sách 14,2 triệu USD, sẽ thực hiện tại 3 trường đại học là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng với 4 trụ cột chính là đổi mới quản trị đại học, nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy liên kết ĐH - doanh nghiệp
Dự án này sẽ đem lại lợi ích cho hơn 200.000 sinh viên. Không những vậy, những cán bộ làm công tác quản trị đại học, chương trình đào tạo mới và các nhóm nghiên cứu từ 3 trường đại học hàng đầu sẽ chính là hạt nhân thúc đẩy đổi mới toàn diện cho cả hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.