Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài cuối: Cần hợp sức từ mọi nguồn lực
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, về phát triển kinh tế số, xã hội số, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng. Nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm 2022 ước tính là 10,41% (năm 2021 là 9,6%). Việt Nam có khoảng 67.300 doanh nghiệp công nghệ số, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021.
Để có thêm góc nhìn về quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn ông An Ngọc Thao, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 67.300 doanh nghiệp công nghệ số, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021. Ông nhận định thế nào về quá trình chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay?
Kết quả tổng kết là những con số biết nói chính xác về sự vận động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Đóng góp vào quá trình này, có nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp từ khối doanh nghiệp nhà nước, đến khối doanh nghiệp tư nhân, từ các tổng công ty, tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong 3 năm qua, nhóm những doanh nghiệp công nghệ đã hoạt động tích cực, sáng tạo để đóng góp trực tiếp cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam bằng việc tiên phong chuyển đổi số bằng những công nghệ của mình, đồng thời tạo nền tảng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin cho các đơn vị khác tiến hành chuyển đổi số.
Theo ông, thời điểm hiện tại, chuyển đổi số có tầm quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của các doanh nghiệp?
Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã nói nhiều đến việc chuyển đổi số là tất yếu, thậm chí cả việc không chuyển đổi số thì doanh nghiệp sẽ chết, sẽ bị đào thải.
Tuy nhiên, hiện tại, nên diễn đạt thế này cho đúng. Mọi thứ đang chuyển đổi, dù cá nhân, tổ chức có thực hiện chuyển đổi số hay không thì xã hội cũng đang chuyển đổi số nên mọi thành phần trong xã hội đều nằm trong sự chuyển mình của chuyển đổi số. Câu chuyện không còn là có chuyển đổi hay không mà là việc các đơn vị tiếp cận chuyển đổi số như thế nào, chủ động tiếp cận hay bị động tiếp cận. Đối với các cá nhân, tổ chức chủ động tiếp cận, sẽ có sự sẵn sàng, sự chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo, không bị tụt hậu và nhanh chóng tạo được lợi thế cạnh tranh cho mình. Tôi nghĩ là, trong giai đoạn này, chúng ta không bàn đến chuyện chuyển đổi số là tất yếu nữa mà nên tìm hiểu xem cần tiếp cận chuyển đổi số theo hướng nào.
Vậy những điều kiện cần thiết của Việt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số là gì thưa ông?
Tại đây, tôi muốn chia sẻ đến câu chuyện hạ tầng số quốc gia. Hạ tầng số được phân thành 6 loại. Đầu tiên, hạ tầng pháp lý của Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số đang nhanh chóng hoàn thiện hơn. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo… đều nỗ lực tạo ra những hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc chuyển đổi số. Hành lang pháp lý đang dần dần rõ nét và thời gian tới sẽ là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số. Tiếp đến, hạ tầng kết nối của Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hàng đầu trong khu vực mà cả trên thế giới. Việt Nam có lượng cáp quang hơn 1 triệu km, 4G phủ sóng 98-99% và 5G đang được thương mại hóa. Chất lượng dịch vụ internet của Việt Nam vừa rẻ vừa tốt là thực tế.
Tiếp đến, hạ tầng dữ liệu đã được Chính phủ chú trọng đầu tư trong thời gian qua. Ngoài 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được Chính phủ ưu tiên triển khai trong các lĩnh vực như dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, dân số, tài chính và bảo hiểm xã hội, còn các cơ sở dữ liệu ngành, địa phương, các tổ chức… đang được các đơn vị hệ thống hóa và trong tương lai sẽ được tích hợp vào dữ liệu quốc gia. Sau khi dữ liệu lớn (Big Data) được tổng hợp và chuyển thành dữ liệu mở (open-data) để các đơn vị có thể tiếp cận, khai thác thì dữ liệu sẽ phát huy vai trò to lớn của mình trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số.
Bên cạnh đó, hiện tại hơn 40 trung tâm dữ liệu (data center) đang được các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của Việt Nam (như Viettel, VNPT, FPT) tập trung xây dựng theo hướng siêu trung tâm dữ liệu, góp phần giải quyết bài toán dữ liệu lớn của Việt Nam. Về hạ tầng ứng dụng giải pháp công nghệ - đây là câu chuyện của ngành phần mềm và những đơn vị hội viên của VINASA trực tiếp tham gia xây dựng trong thời gian qua. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam được quốc tế đánh giá là có năng lực tốt và có tính cạnh tranh cao.
Việt Nam có 2 mảng hạ tầng còn yếu, đó là hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam trong vài năm gần đây đã rất nỗ lực, tập trung đầu tư nghiên cứu và cho ra những sản phẩm công nghệ đầu, cuối Make in Vietnam nhằm làm chủ công nghệ và phục vụ thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Và cuối cùng, hạ tầng nhân lực công nghệ thông tin là lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới để có nguồn nhân lực số đáp ứng được cả về chất lượng cao lẫn số lượng.
Để đồng hành với doanh nghiệp chuyển đổi số, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin VINASA có những chương trình gì thưa ông An Ngọc Thao?
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin VINASA là một trong những đơn vị đầu tiên đặt ra câu chuyện chuyển đổi số tại Việt Nam. Hiệp hội có nhiều chương trình, diễn đàn bàn thảo các vấn đề về chuyển đổi số từ năm 2017-2018. Đến giai đoạn này, Hiệp hội có những xác định mới, chuyển từ bàn thảo sang hành động. Năm 2022, VINASA đã có Ban chấp hành mới và xác định chuyển đổi số là câu chuyện quan trọng nhất. Năm 2023, chúng tôi đặt chủ đề hành động của năm là "Hợp lực chuyển đổi số".
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn chuyển đổi số, đơn giản nhất là có thể vào website của chương trình tại địa chỉ https://dx4sme.vn/ để tham khảo bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số. Mỗi phần tài liệu chỉ hơn 10 trang, viết đơn giản, dễ hiểu và doanh nghiệp soi vào để biết được đơn vị mình đang có những gì, đang thiếu những gì, đặc biệt là thiếu những nền tảng, phần mềm gì để tiến hành chuyển đổi số và bước tiếp theo doanh nghiệp cần làm gì. Trong trường hợp tiếp nữa, VINASA còn có một chương trình cụ thể hơn nữa là hỗ trợ trực tiếp. VINASA hiện đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai chương trình hỗ trợ trực tiếp, tập huấn cho các doanh nghiệp theo từng địa phương như là hành động chung tay, đồng hành cùng các doanh nghiệp, các địa phương chuyển đổi số.
Như ông vừa trao đổi, có thể thấy các chương trình và điều kiện để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số rất nhiều. Tuy nhiên theo số liệu VINASA chia sẻ, hiện nay có hơn 90% doanh nghiệp không biết cách làm như thế nào để chuyển đổi số, 72% doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu. 69% doanh nghiệp không biết chọn giải pháp nào, nhà cung cấp nào uy tín để hỗ trợ chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả. Vậy nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến những kết quả này thưa ông?
Theo tôi, đầu tiên là doanh nghiệp thiếu thông tin và sự thiếu này mang tính chủ động. Thực tế, các doanh nghiệp thường phải lo "miếng cơm manh áo", câu chuyện tài chính, nhân lực luôn được quan tâm đầu tiên. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ thấy rằng không chuyển đổi số hôm nay thì mai họ cũng chưa chết, nên chuyển đổi số là mối quan tâm thứ yếu. Với định vị suy nghĩ như vậy thì khả năng là doanh nghiệp và ở đây là các chủ doanh nghiệp chưa tiếp cận đủ thông tin. Bởi lẽ ngày hôm nay, doanh nghiệp chỉ tập trung lo miếng cơm manh áo, chưa có sự sẵn sàng về chuyển đổi số, ở mức đầu tiên là tư duy, quyết tâm, thì ngày mai, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp và con đường dài hạn cho sự phát triển gặp nhiều khó khăn hơn. Vậy giải pháp ở đây là tích cực truyền thông bằng nhiều kênh, nhiều hình thức để có thể tác động đến chủ doanh nghiệp. Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa các chương trình cụ thể hướng dẫn, định hình chuyển đổi số để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp xúc, tìm hiểu, từ đó thay đổi nhận thức, tâm thế và sẵn sàng để chuyển đổi số.
Vậy lời khuyên của ông đối với những doanh nghiệp chưa sẵn sàng, hay chưa biết cách để chuyển đổi số là gì?
Hiện nay, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cung cấp các chương trình tư vấn miễn phí dành cho doanh nghiệp muốn chuyển đổi số. Ngoài ra, còn có cả những chương trình tập huấn chuyển đổi số cũng miễn phí, hoặc tính phí ưu đãi xuyên suốt năm về từng lĩnh vực cụ thể để doanh nghiệp lựa chọn. Thêm vào đó, các chuyên gia công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ cũng chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Những doanh nghiệp là hội viên của VINASA, tham gia xây dựng Khung chuyển đổi số quốc gia có cam kết hỗ trợ mức kinh phí giảm tới 30% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng công nghệ để chuyển đổi số. Với tiêu chí hợp lực chuyển đổi số, hợp lực từ Chính phủ, từ các bộ, ngành, địa phương, đến các hiệp hội, các doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia… đều có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Vì thế, lời khuyên của tôi với doanh nghiệp chưa sẵn sàng, chưa biết cách thì đầu tiên là tìm đến các đơn vị tư vấn, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số càng nhanh càng tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!