Thuật nhìn người của 4 nhân vật nổi danh sử sách
Có rất nhiều lời giáo huấn về cách nhìn người và dùng người trong lịch sử và chúng vẫn luôn có ích dù ở thời xưa hay thời nay...
Cổ nhân giảng: “Vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ xương. Biết người, biết mặt, chẳng biết lòng”. Trong lịch sử, có rất nhiều người vì nhìn thấu nhân tâm mà làm thành được việc lớn, nhưng cũng có không ít trường hợp vì không nhận biết được lòng người mà bị kẻ tiểu nhân gây họa nạn. Có rất nhiều lời giáo huấn về cách nhìn người và dùng người trong lịch sử và chúng vẫn luôn có ích dù ở thời xưa hay thời nay.
Trong Lã Thị Xuân Thu của Lã Bất Vi viết rằng: “Dùng vui mừng để xem khả năng tiết chế của đối phương. Dùng sợ hãi để xem khả năng kiên trì của đối phương”.
Con người khi ở vào trạng thái vui vẻ thì thường thường sẽ khó tiết chế được bản thân. Cho nên chỉ người phẩm đức cao mới có thể kiên định ngay chính, không “đắc ý mà cao ngạo”.
Còn ở vào lúc sợ hãi, con người ta sẽ bộc lộ những điều bản thân che dấu. Nếu làm người quang minh chính đại thì không có gì che dấu cả, và năng lực kiên trì đến cùng cũng vượt trội so với những người khác.
Gia Cát Lượng nói về cách nhìn người của ông như sau: “Dùng đúng sai để hỏi nhằm xem xét chí hướng. Giao việc và cho tự hẹn thời gian hoàn thành để xem chữ tín của họ”.
Muốn đánh giá một người có đáng trọng dụng hay không, đầu tiên phải xét xem cách nhìn nhận của người đó có phù hợp với chính đạo hay không. Việc đúng sai có những lúc rất dễ trả lời, nhưng cũng có những khi vô cùng khó biện biệt. Chỉ người có chí hướng cao, có tầm nhìn xa, mới có thể nói rõ đúng sai rành mạch.
Muốn xem chữ tín của một người thì hãy xem họ có đúng hẹn hay không. Kỳ thực đôi khi chỉ cần dùng một cuộc hẹn cũng có thể nhìn ra sự thành tín của một người. Thành tín là cái gốc của làm người, làm việc, nó có sự tương thông và là thể hiện của “chí hướng”.
Tư Mã Quang, sử gia thời Tống, nói: “Lựa chọn nhân tài, nếu không tìm được thánh nhân thì hãy giao trọng trách cho người quân tử, nếu không tìm được ai thì thà rằng giao trọng trách cho kẻ ngốc còn hơn giao cho kẻ tiểu nhân.”
Người quân tử có tài cán sẽ dùng tài cán của mình vào việc thiện. Kẻ tiểu nhân sẽ luôn nghĩ cách dùng tài cán của mình vào việc ác. Người quân tử tự có tiêu chuẩn cao về đạo đức nên luôn hành thiện ở khắp mọi nơi. Kẻ tiểu nhân có chút tài cán, lại được giao trọng trách thì sẽ lợi dụng tài cán mà không việc ác nào không làm nhằm đoạt được lợi ích.
Kẻ ngốc cho dù có muốn làm việc ác thì cũng bởi vì trí tuệ không đủ, khí lực không có nên vẫn sẽ có người khác chế ngự được họ. Trái lại, kẻ tiểu nhân âm mưu quỷ kế có đủ cả, lại táo bạo nên khi được giao trọng trách thì sẽ giống như “ác hổ sinh cánh” , dẫn đến nguy hại khó lường.
Tăng Quốc Phiên, một vị quan đại thần nổi tiếng của nhà Thanh, nói: “Một người làm tướng mà không thể nhìn ra một người là tốt hay xấu thì nói gì đến cách dùng người được?” Ông nói về cách nhìn người rằng: “Chính tà xem mắt mũi, thật giả xem môi. Công danh xem khí khái, phú quý xem tinh thần. Chủ kiến xem tay, phong ba xem bàn chân. Muốn xem quy củ, nhìn vào lời ăn tiếng nói.”
Người mới gặp mặt, xem ánh mắt láo liên, xem mũi lệch, có thể biết được họ có ngay thẳng hay không. Người môi mỏng thì rất nhiều là quen xảo biện, không nói lời thật. Người không có khí khái, tinh thần ủ rũ chán chường thì khó làm nên việc. Tay chân một người lại thể hiện khả năng độc lập của người đó trước khó khăn trong đời. Còn nói dài dòng, không mạch lạc, chứng tỏ rằng người ấy không có tổ chức. Những người như vậy đều là khó dùng.
Thời cổ đại, khi kết giao bạn bè, đối nhân xử thế hay dùng người, đều cần hiểu rõ tính cách, phẩm chất của đối phương. Đây được coi là một việc vô cùng quan trọng là kinh nghiệm đáng giá mà người xưa để lại cho hậu thế.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Nhìn người khác, bạn sẽ hiểu chính bản thân mình
Mời xem video :