Thừa Thiên Huế tìm nhà đầu tư rót 1.600 tỷ đồng cho bến số 4 và 5 Cảng Chân Mây

Chia sẻ Facebook
11/08/2022 13:12:47

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế có thông báo về việc mời quan tâm đề xuất đầu tư dự án Đầu tư xây dựng bến số 4 và 5 cảng Chân Mây.

Thừa Thiên Huế tìm nhà đầu tư rót 1.600 tỷ đồng cho bến số 4 và 5 Cảng Chân Mây

Dự án đầu tư xây dựng bến số 4, số 5 cảng Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh năm 2021, định hướng đến năm 2022.

Vốn đầu tư dự án khoảng 1.600 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án tối thiểu 240 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.

Mục tiêu đầu tư xây dựng Bến số 4, Bến số 5 – cảng Chân Mây với hạ tầng cầu cảng, kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống trang, thiết bị,… để đảm bảo điều kiện cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, lưu kho bãi, vận tải hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến vận tải, dịch vụ hỗ trợ liên quan khác.

Quy mô dự án đầu tư xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container, chiều dài 2 cầu cảng là 540 m (mỗi cầu cảng là 270 m), kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống trang, thiết bị,… đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.

Diện tích sử dụng đất và mặt nước dự kiến khoảng 26,3 ha, trong đó diện tích khu đất cảng khoảng 20,4 ha; diện tích khu nước trước bến khoảng 5,9 ha.

Thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án là 30 tháng kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến đầu tư xây dựng cầu cảng số 4 (dài 270 m), khu trung tâm điều hành, hạ tầng kỹ thuật, kho, bãi hàng, giao thông, cây xanh cảnh quan; diện tích sử dụng đất khoảng 12,1 ha, mặt nước khoảng 2,95 ha. Thời gian hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư vào quý 1/2023, khởi công xây dựng vào quý 2/2023, hoàn thành đưa vào hoạt động trong quý 1/2024.

Giai đoạn 2 đầu tư tư xây dựng cầu cảng số 5 (dài 270m), kho, bãi hàng, cây xanh cảnh quan; diện tích sử dụng đất khoảng 8,3ha, mặt nước khoảng 2,95 ha. Thời gian khởi công xây dựng vào quý 1/2024, hoàn thành đưa vào hoạt động trong quý 1/2025.

Thừa Thiên Huế yêu cầu nhà đầu tư tham gia phải có vốn chủ sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và có khả năng huy động vốn (đối với 85% vốn còn lại) để thực hiện án theo tiến độ (Đính kèm tài liệu chứng minh vốn chủ sở hữu và vốn huy động). Ngoài ra, nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm để thực hiện dự án, có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics, quản lý vận hành, khai thác tàu biển chở container (Đính kèm tài liệu chứng minh năng lực kinh nghiệm).

Đầu tháng 6/2022, Bộ GTVT đã có căn bản chấp thuận chủ trương bến số 4, 5 cảng Chân Mây được bổ sung công năng khai thác hàng container với tổng chiều dài 540 m cho tàu đến 70.000 tấn. Đồng thời Bộ cho phép giai đoạn đến năm 2030 khu bến Chân Mây được bổ sung thêm 3 bến (bến số 4, 5 và 6).

Hồi tháng 7/2021, bến số 2 (giai đoạn 1) và số 3 của Cảng Chân Mây đã đi vào hoạt động.


Trong đó, bến số 2 (giai đoạn 1) do CTCP Chân Mây (UPCoM: CMP ) làm chủ đầu tư và quản lý khai thác. Dự án có mức đầu tư 849 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 1 là 385 tỷ đồng, gồm 1 cầu dẫn; cầu chính dài 225 m, rộng 32.5 m kết hợp với trụ neo phía hạ lưu cho phép đón tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải đến 50,000 DWT giảm tải.

Bến số 3 có tổng vốn đầu tư 846 tỷ đồng do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư. Cảng số 3 có diện tích hơn 13 ha, gồm bến bãi trên 10 ha và mặt nước gần 3 ha, chiều dài bến là 270 m, khả năng tiếp nhận 1.8 triệu tấn/năm.

Thu Minh

Chia sẻ Facebook