Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện khung pháp lý thị trường chứng khoán và TPDN
Chiều 19/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính. Thủ tướng đã có phát biểu chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các thị trường tài chính như chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp...
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện khung pháp lý thị trường chứng khoán và TPDN
Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2022 đầy khó khăn, thách thức với hậu quả của dịch COVID-19; tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa được dự báo trước. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Trong bối cảnh đó, tình hình KTXH năm 2022 đã phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GDP cả năm ước tăng khoảng 8%, cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm (an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu nông sản trên 50 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn); thu đủ chi; xuất đủ nhập (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mốc 700 tỷ USD, xuất siêu trên 10 tỷ USD); bảo đảm đủ năng lượng cho sản xuất và đời sống với giá cả phải chăng; thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động).
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, đời sống nhân dân được bảo đảm và cải thiện, năm nay nhìn chung cao hơn năm ngoái. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập được thúc đẩy và mở rộng sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhiều nước từ chủ yếu là viện trợ, đối tác phát triển trước đây sang giai đoạn hợp tác hai bên cùng có lợi, từ giai đoạn các nước hỗ trợ Việt Nam xóa đói giảm nghèo, vượt qua khó khăn sang giai đoạn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.
Những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Những kết quả khá toàn diện đạt được nêu trên có sự đóng góp quan trọng, trực tiếp của ngành tài chính với nhiều điểm sáng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành tài chính, các địa phương đã nỗ lực, góp phần vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, nhất là về giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất; bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường
Tăng cường quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường; phối hợp tốt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng nhắc lại quan điểm tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải cộng tác trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Trong đó, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch đề ra. Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp đã quá nới lỏng các điều kiện, dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết; các cơ quan quản lý đã ban hành Nghị định 65 nhằm mục đích chấn chỉnh lại, nhưng lại quy định theo hướng quá siết chặt, do đó, cần thiết phải tiến hành sửa đổi phù hợp.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với số vốn nhà nước lên tới 4 triệu tỷ đồng; nghiên cứu sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó ngành hải quan cố gắng 2 năm nữa thực hiện chuyển đổi hải quan thông minh.
Tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, học hỏi những mô hình hay ở một số nước tiên tiến. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương trong nghiên cứu thị trường xuất khẩu để thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Làm thật tốt công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng lấy ví dụ về thông tin để người dân hiểu rằng "lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn".
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, năm 2023 ngành tài chính có nhiều đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành xuất sắc hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước so với năm 2022./.
Nhật Quang