Thủ tướng: Tiêm vắc xin mũi 3 chưa đạt tiến độ như mong muốn
Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt hơn 5%.
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022 n gày 4-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong bối cảnh có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, song kinh tế - xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp với xu thế chung của thế giới.
Đánh giá quý 1-2022 vừa qua, Thủ tướng cho rằng các dự báo tương đối sát tình hình, với nhận định sẽ có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Đáng chú ý, tình hình ở Ukraine ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa; cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra; giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, nhưng kinh tế - xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới.
Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó, việc kinh tế thế giới phục hồi sẽ khó khăn hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt hơn 5%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1 dưới 2% mặc dù sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.
Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh từ cuối tháng 3.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội còn có những tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc phân tích, đánh giá để có giải pháp khắc phục, như giải ngân đầu tư công còn chậm; một số chương trình phục hồi chưa được triển khai kịp thời theo tiến độ đề ra; thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, vấn đề hàng hóa ở biên giới được xử lý tích cực nhưng chưa được giải quyết triệt để; đời sống một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt tiến độ mong muốn, việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần cố gắng hơn.
Vì vậy Thủ tướng đề nghị đánh giá sâu sắc hơn những mặt được, chưa được, phân tích kỹ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đóng góp thêm về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm thời gian tới, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thế nào để khắc phục được các tồn tại, hạn chế, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới có thể phát sinh, tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài…
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay kinh tế xã hội quý 1-2022 tiếp tục duy trì ổn định và đạt kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Với mức tăng trưởng 5,03%, nền kinh tế có mức tăng trưởng khá so với các nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát…
Tuy vậy, ông Dũng nhận định bước sang quý 2, kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen của tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu.
Tình hình kinh tế xã hội trong tháng 1 chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần không chủ quan, lơ là nhưng tự tin mở cửa trở lại, không để lỡ nhịp phát triển.