Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne từ chức dù vẫn “đam mê sứ mệnh này”

Chia sẻ Facebook
11/01/2024 04:42:57

Việc thay đổi Thủ tướng diễn ra sau một năm nước Pháp chao đảo vì các cuộc khủng hoảng chính trị do những cải cách gây tranh cãi về hệ thống hưu trí và luật nhập cư.


Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã từ chức hôm 8/1 trước cuộc cải tổ Nội các được nhiều người mong đợi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron , khi ông cố gắng tạo động lực mới cho nhiệm kỳ thứ 2 của mình vào đầu một năm có nhiều sự kiện lớn ở Pháp, bao gồm các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và Thế vận hội mùa hè Paris.


Thủ tướng đóng vai trò quan trọng ở Pháp. Theo Hiến pháp Pháp, thông qua sự lãnh đạo của Thủ tướng, chính phủ “xác định và thực hiện các chính sách của quốc gia”, và Thủ tướng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội. Bà Borne, 62 tuổi, được bổ nhiệm làm Thủ tướng ngay sau khi ông Macron đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 5/2022 và là người phụ nữ thứ 2 đảm nhận vị trí này ở Pháp.


Điện Elysee (Văn phòng Tổng thống Pháp) cho biết ông Macron đã chấp thuận đơn xin từ chức của Thủ tướng. Nhà lãnh đạo Pháp chưa nêu tên người kế nhiệm bà Borne nhưng bà sẽ tiếp tục là Thủ tướng tạm quyền làm việc cùng với phần còn lại của chính phủ cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.


Trong lá thư từ chức được chia sẻ với giới truyền thông Pháp, bà Borne nói rõ rằng chính ông Macron là người đã quyết định thay thế bà trong khi bà đã gợi ý rằng bà muốn ở lại hơn. Bà lưu ý rằng chính phủ của bà đã thông qua hơn 50 dự luật tại Quốc hội và việc cải cách nước Pháp là “cần thiết hơn bao giờ hết”.


Bà viết: “Vào thời điểm tôi phải trình bày đơn từ chức của chính phủ, tôi muốn nói với các vị rằng tôi đam mê sứ mệnh này như thế nào, được dẫn đường bởi mối quan tâm chung của chúng ta nhằm đạt được kết quả nhanh chóng, rõ ràng cho người dân của chúng ta”.


Tổng thống Pháp và chính phủ của ông đã phải vật lộn để các dự luật của mình vượt qua ải nghị viện kể từ khi mất thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội ngay sau khi ông Macron tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2022.

Các nghị sĩ cánh tả của Đảng La France Insoumise (Nước Pháp bất khuất) giơ cao các tấm biển ghi “Dân chủ” và “64 tuổi, không được!” khi Thủ tướng Elisabeth Borne chuẩn bị tuyên bố chính phủ sẽ buộc dự luật cải cách hưu trí được thông qua mà không cần bỏ phiếu, tại Assemblée Nationale ở Paris, Pháp, ngày 17/3/2023. Ảnh: Le Monde


Động thái này cũng diễn ra chỉ 5 tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, với những người theo chủ nghĩa hoài nghi EU dự kiến sẽ đạt được tỉ lệ ủng hộ kỷ lục trong bối cảnh bất mãn lan rộng trong công chúng về chi phí sinh hoạt tăng cao và sự thất bại của các chính phủ châu Âu trong việc hạn chế dòng người di cư.


Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng trung dung của ông Macron đang kém đảng của nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen khoảng 8-10 điểm trong cuộc bầu cử EU vào tháng 6.


Các cố vấn của Tổng thống Pháp nói rằng ông đã vượt qua được những phần thách thức nhất trong tuyên ngôn kinh tế của mình trong năm rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 2, mặc dù thiếu đa số tuyệt đối và những cải cách trong tương lai, chẳng hạn như về giáo dục và an tử, sẽ đồng thuận hơn.


Đồn đoán về một cuộc cải tổ Nội các đã lan tràn kể từ khi ông Macron hứa hẹn một sáng kiến chính trị mới vào tháng 12 năm ngoái. Trong số những người được coi là ứng cử viên tiềm năng thay thế bà Borne có Bộ trưởng Giáo dục Gabriel Attal, 34 tuổi, và Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu, 37 tuổi. Dù là ai trong 2 người này được chọn thì đều sẽ là Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Pháp.


Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Julien Denormandie cũng được các chuyên gia cho là những lựa chọn khả thi.


Sự thay đổi Thủ tướng ở Pháp không nhất thiết dẫn đến sự thay đổi trong chiến lược chính trị, mà là tín hiệu mong muốn vượt ra ngoài các cải cách hưu trí và nhập cư và tập trung vào các ưu tiên mới, bao gồm cả việc đạt được toàn dụng lao động.


Ngoài ra, cuộc cải tổ Nội các nói chung có thể sẽ làm tăng thêm cuộc chạy đua trong phe trung dung để kế nhiệm ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tiếp theo, với cựu Thủ tướng Edouard Philippe, Bộ trưởng Nội vụ Gerard Darmanin và Bộ trưởng Tài chính Le Maire đều được coi là những ứng cử viên tiềm năng.


Nhưng với việc bà Le Pen đã dành 18 tháng qua tại Quốc hội để nỗ lực cải thiện hình ảnh và đánh bóng uy tín của mình với tư cách là một Tổng thống tiềm năng, nhiều chính trị gia giờ đây suy đoán rằng nhà lãnh đạo cực hữu này rất có thể sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027 .


Minh Đức (Theo France24, NY Times)

Chia sẻ Facebook