Thủ tướng Phần Lan tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai
Thủ tướng đương nhiệm Sanna Marin được nhiều cử tri Phần Lan đánh giá là “có năng lực”, với phong cách chính trị “trực tiếp” và “mới mẻ”.
Cử tri ở Phần Lan sẽ chính thức đi bỏ phiếu hôm 2/4 trong cuộc tổng tuyển cử có thể chứng kiến sự thay đổi cả Thủ tướng và chính phủ liên minh cầm quyền của đất nước Bắc Âu.
Thủ tướng Phần Lan đương nhiệm Sanna Marin và Đảng Dân chủ Xã hội (SD) trung tả của mình đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất vào tháng 4/2019, ông Antti Rinne - lãnh đạo Đảng SD khi đó - đã đắc cử chức Thủ tướng Phần Lan, nhưng chỉ cầm quyền chưa đầy 6 tháng thì bị thay thế bởi bà Marin.
Lên nắm quyền điều hành chính phủ của đất nước Bắc Âu vào tháng 12/2019, khi 34 tuổi, bà Marin trở thành lãnh đạo chính phủ trẻ tuổi nhất Phần Lan và thế giới.
Trên đường phố Tampere, quê hương của bà Marin, một trung tâm công nghiệp ở phía tây nam Phần Lan, nhiều cử tri cho biết họ đánh giá cao Thủ tướng. Khi được yêu cầu đánh giá hiệu suất của nữ Thủ tướng, các cử tri thường sử dụng từ “có năng lực” và đánh giá phong cách chính trị của bà là “trực tiếp” và “mới mẻ”.
Chính phủ của nữ Thủ tướng đã dẫn dắt đất nước an toàn vượt qua đại dịch Covid-19 , với sự hài lòng của người dân trong nước và nhiều lời khen ngợi từ quốc tế. Bà Marin cũng đi vào lịch sử với tư cách là Thủ tướng khởi xướng quy trình xin gia nhập NATO của đất nước mình.
Trước đây, Phần Lan có quan hệ quân sự chặt chẽ với NATO và phương Tây nhưng không thực sự là thành viên của liên minh quân sự này. Tất cả đã thay đổi vào đầu mùa xuân năm 2022 sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, khi dư luận Phần Lan bất ngờ ủng hộ việc gia nhập NATO.
Trong chiến dịch bầu cử trước (năm 2019), các vấn đề như môi trường, nhập cư và bình đẳng là những chủ đề quan trọng, nhưng năm nay người ta chú trọng nhiều hơn đến kinh tế, khủng hoảng sinh hoạt phí và các ưu tiên trong chi tiêu chính phủ.
“Cuối cùng, mọi thứ đều quy về tiền theo cách này hay cách khác. Cho dù chúng ta đang nói về chính trị xã hội, giáo dục hay nợ công, tôi nghĩ mọi thứ đều liên quan đến tiền”, bà Jenny Kärimäki, một nhà nghiên cứu lịch sử chính trị tại Đại học Helsinki, cho biết.
“Tất nhiên vấn đề là tiền sẽ đi đâu, và đó là một lựa chọn mang tính ý thức hệ, vì vậy mà chúng tôi sẽ quay lại thảo luận về những vấn đề cánh tả rất truyền thống này”, bà Kärimäki nói với Euronews.
Hiện có 9 đảng - trải dài từ cánh tả đến cánh hữu - đang chia nhau nắm giữ 200 ghế trong Quốc hội Phần Lan (Eduskunta), trong đó Đảng SD của bà Marin nắm nhiều ghế nhất, với 40 ghế, tiếp theo là Đảng Finns Party với 39 ghế, và Đảng Liên minh Quốc gia (NCP) với 38 ghế.
Theo các cuộc thăm dò, 3 đảng này đang tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua tam mã sít sao trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Mặc dù ngày 2/4 mới là ngày tổng tuyển cử chính thức, nhưng ngay từ ngày 22/3, bỏ phiếu sớm đã được tiến hành tại các địa điểm trên khắp đất nước Bắc Âu và các Đại sứ quán của nước này trên khắp thế giới. Theo cơ quan dịch vụ thông tin bầu cử của Bộ Tư pháp Phần Lan, đến sáng ngày 27/3, khoảng 25,9% người dân đã đi bỏ phiếu sớm.
Dự kiến, kết quả tổng tuyển cử có thể được biết ngay trước nửa đêm ngày 2/4 (giờ Helsinki). Giờ Hà Nội trước giờ Helsinki 4 tiếng .
Minh Đức (Theo Euronews, Politico.eu)