Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Dư địa phát triển Đông Nam Bộ còn nhiều, tại sao chưa phát triển?'

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 01:07:27

Dư địa phát triển của khu vực Đông Nam Bộ còn nhiều, nhưng tại sao chưa phát triển được? Đó là vấn đề Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra tại hội nghị tổng kết nghị quyết 53 về phát triển vùng Đông Nam Bộ sáng nay 9-7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CẨM NƯƠNG


Đánh giá nghị quyết 53 đã đạt được kết quả trên mọi mặt, t uy nhiên Thủ tướng nhấn mạnh do tình hình mới, tầm nhìn mới, Đảng xác định cần có nghị quyết mới thay thế để xứng tầm, phù hợp hơn, bám sát thực tiễn.


Thiếu "nhạc trưởng" cho vùng

Nhìn lại 17 năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề: dư địa phát triển của khu vực này còn nhiều, nhưng tại sao chưa phát triển được? Ông đặt câu hỏi và chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là thiếu quy hoạch hiện đại, điều này thể hiện ở những công trình vừa làm đã quá tải, kết nối chưa liên thông, vừa làm vừa sửa.

Thứ hai là liên kết, phối hợp giữa các cơ quan còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, hiệu quả. Cơ chế chỉ huy vùng đã có (tức quy hoạch chiến lược vùng) nhưng chưa rõ "nhạc trưởng".

Ông dẫn chứng trước đây cả nước có "3 Tây" gồm Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và có 3 ban chỉ đạo điều hành, nhưng kết quả cho thấy không làm thay được công việc của cấp ủy, chính quyền.

"Thiếu hụt nhạc trưởng phù hợp với thể chế chính trị, hoàn cảnh cụ thể là cái chưa được của ta" - ông nói. Cùng với đó là thiếu cơ chế huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài nhà nước và thiếu cơ chế tận dụng tối đa tiềm năng, khác biệt, lợi thế cạnh tranh vùng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng những năm qua thể chế hiện hành chưa khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng. Trong khi đó, vai trò của Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức.

Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên "lực kéo" thay vì "lực đẩy" cho phát triển của vùng. Cụ thể như quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết.

Riêng TP.HCM khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu.

Để tăng tốc độ tăng trưởng vùng, một trong những đề xuất được ông Mãi đưa ra là hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc.

Cụ thể là cần có Ban chỉ đạo vùng ở địa phương gồm bí thư các tỉnh, thành trong vùng do một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách.

Xác định những nội dung mà Chính phủ không quyết định theo tỉnh mà phải giải quyết theo sự thống nhất chung của vùng như giao thông trọng điểm của vùng, mở rộng sân bay, cảng biển; điều chỉnh chức năng các khu kinh tế, khu công nghiệp; xử lý rác và hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch…


Huy động sức mạnh tổng lực để "miếng bánh to ra"

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - nêu thực trạng thời gian qua các địa phương trong vùng loay hoay tự thân vận động, mạnh ai nấy làm và chỉ tập trung làm sao cho địa phương mình phát triển. Điều này dẫn đến không có tiếng nói chung trong quy hoạch, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển vùng.

"Vùng chưa có cơ chế đặc thù, chỉ có TP.HCM có cơ chế đặc thù nên nội dung này cần nghiên cứu thấu đáo để xây dựng nghị quyết, chủ trương" - ông thẳng thắn nhìn nhận.

Cơ chế chỉ huy vùng thời gian qua được cho là "câu lạc bộ rất vui vẻ", nhưng không hiệu quả. Do đó, ông Lợi đề xuất tính toán xem hội đồng vùng sẽ chỉ huy vùng thế nào.

Trước thực trạng này, ông đề xuất "nhạc trưởng vùng" nên là một phó thủ tướng; đồng thời cho biết nhiều lần Bình Dương từng đề xuất Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm chỉ huy vùng, nhưng TP.HCM "không thể là cấp trên của các địa phương khác" mà chỉ làm việc trên cơ sở đồng thuận nên khó hiệu quả.

"Nếu chỉ huy tốt thì tự thân chưa cần đến nguồn lực của trung ương mà tự thân nguồn lực của địa phương cũng sẽ bố trí cùng nhau" - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói.

Trong bối cảnh thiếu đủ thứ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói vui rằng thành phố cũng có nhiều cái thừa. Đó là thừa vướng mắc, điểm nghẽn và thừa khát vọng, năng lượng.

Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, năng lượng dồi dào, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vùng cần làm sao để quyết tâm cho đúng và trúng, thật sự mang lại hiệu quả.

Để huy động, tạo ra động lực không gian phát triển mới, toàn vùng cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm hạ tầng chiến lược, chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách đột phá.

Cách tổ chức giữa các địa phương, đơn vị cũng cần chặt chẽ hơn, có "nhạc trưởng" phù hợp với thể chế, điều kiện, khả năng liên kết vùng.

Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành chủ động, tích cực xử lý các vướng mắc của địa phương, không để các tỉnh thành chạy lòng vòng, "lên lên xuống xuống mãi không ra được".

Thủ tướng dẫn chứng thời gian qua khi doanh nghiệp Lego, Intel gặp vướng mắc, Thủ tướng đã cử Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, cùng thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư lập tổ công tác xử lý các đề xuất của doanh nghiệp, có giải pháp xử lý ngay dựa trên thẩm quyền, trách nhiệm mỗi bên.

"Cách làm thế này thì sẽ nhanh, còn cách làm cũ có khi lòng vòng mấy năm hết nhiệm kỳ chưa ra được" - Thủ tướng nói và nhắc nhở nhà đầu tư là người tranh thủ cơ hội. Và cơ hội này đang chuyển dịch, họ không thể đợi mãi.

Cuối cùng là cần có cơ chế huy động nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội nhằm "làm cho miếng bánh to ra".

Thủ tướng ví von nếu chưa làm to miếng bánh mà ai cũng đòi chia nhiều hơn thì khó. Giải pháp là làm miếng bánh to lên, nước nổi, thuyền nổi và các địa phương sẽ có phần của mình.


Ai sẽ là "nhạc trưởng"?

Về việc đề xuất Phó thủ tướng hoặc Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm "nhạc trưởng", Thủ tướng cho biết sẽ cân nhắc sao cho hiệu quả, thực chất.

Song song đó là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tính tự lực tự cường của mỗi địa phương, cơ quan đơn vị. Đảm bảo vừa huy động sức mạnh tổng lực, vừa phát huy sức mạnh mỗi địa phương liên quan phát triển vùng.

Sáng 9-7, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết nghị quyết 53 và kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chia sẻ Facebook