Thủ tướng Nhật Bản nêu điều kiện tổ chức bầu cử sớm

Chia sẻ Facebook
14/06/2023 15:18:37

Để lựa chọn có tổ chức bầu cử sớm, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ cần xem xét một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của nó.


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 13/6 cho biết ông không loại trừ khả năng tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Bình luận của ông Kishida được đưa ra trong bối cảnh có những đồn đoán rằng ông có thể sớm giải tán Hạ viện để mở đường cho cuộc bầu cử sớm – một bước đi thường thấy để giúp liên minh cầm quyền củng cố vị thế vào thời điểm phe đối lập ít có cơ hội “lật ngược thế cờ”.


“Chính quyền của tôi đang giải quyết các vấn đề vốn đã bị trì hoãn cho đến nay, cả về chính sách đối nội và đối ngoại. Liên quan đến cuộc bầu cử sớm, tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp với lập trường cơ bản này sau khi cân nhắc các yếu tố khác nhau”, ông Kishida cho biết trong một cuộc họp báo, đề cập đến các cuộc tranh luận đang diễn ra tại nghị trường quốc hội về các dự luật quan trọng.


Kiến nghị bất tín nhiệm

Cho đến trước hôm 13/6, ông Kishida vẫn sử dụng cách diễn đạt tương tự, nói rằng ông không cân nhắc một cuộc bầu cử sớm vào lúc này. Nhưng theo Japan Times, phản ứng lảng tránh của Thủ tướng Nhật Bản tại cuộc họp báo đã làm gia tăng khả năng rằng ông ấy có thể đã “đổi ý” về vấn đề này.

Trước cuộc họp báo, ông Kishida đã gặp ông Toshimitsu Motegi, Tổng thư ký Đảng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, và cựu Thủ tướng Taro Aso tại trụ sở của đảng này ở Tokyo.

Đối với ông Kishida, việc Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) đối lập chính đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chống lại Nội các của ông có thể khiến Thủ tướng Nhật Bản tìm kiếm một nhiệm kỳ mới với tỉ lệ ủng hộ cao hơn bằng cách kích hoạt một cuộc bầu cử sớm.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lắng nghe câu hỏi của giới truyền thông trong cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo, ngày 13/6/2023. Ảnh: Zawya

Một dự luật nhằm đảm bảo kinh phí cho việc tăng ngân sách quốc phòng đã được đề xuất từ cuối năm ngoái, mà CDP cho đến nay vẫn kiên quyết phản đối, hiện đang được tranh luận tại một ủy ban của Thượng viện Nhật Bản. Trong các cuộc thảo luận cuối cùng vào cuối tuần này, CDP có thể đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm nhằm nỗ lực nâng cao vị thế của mình và bày tỏ sự phản đối đối với chính quyền Kishida.

“Nếu kiến nghị bất tín nhiệm từ phe đối lập là ngòi nổ cho một cuộc bầu cử sớm, thì điều đó sẽ tốt cho chúng tôi”, Lãnh đạo CDP Kenta Izumi nói với các phóng viên hôm 9/6, nhưng không đề cập đến mốc thời gian cụ thể sẽ đệ trình một kiến nghị như vậy.

Trong khi đó, các thành viên có ảnh hưởng lớn trong Đảng LDP cầm quyền của ông Kishida đã nhiều lần tuyên bố rằng kiến nghị bất tín nhiệm sẽ là lý do đủ để Thủ tướng kích hoạt cuộc bầu cử sớm.

“Xét rằng kiến nghị bất tín nhiệm tương đương với tuyên bố không tán thành Nội các, đó có thể là một lý do chính đáng cho một cuộc bỏ phiếu sớm”, ông Hiroshi Moriyama, chủ tịch ủy ban chiến lược bầu cử của LDP, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tuần trước.


Dự án quốc gia

Chính quyền Kishida đã biến vấn đề tỉ lệ sinh ở Nhật Bản thành dự án quốc gia lớn nhất của mình trong bối cảnh nước này ghi nhận tỉ lệ sinh thấp nhất từ trước đến nay vào năm ngoái với chỉ 800.000 ca sinh hàng năm.

Cho rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để “xứ sở mặt trời mọc” đảo ngược xu hướng này vào năm 2030, ông Kishida hôm 13/6 cũng tiết lộ chi tiết về gói biện pháp mới của chính phủ nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tỉ lệ sinh, chẳng hạn như tăng ngân sách chăm sóc trẻ em lên 70% trong 3 năm tới và tăng trợ cấp khi sinh. Ban đầu, chính phủ sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để tài trợ cho các biện pháp này, Thủ tướng Nhật Bản cho biết.

Tuy nhiên, một số đảng đối lập đã chỉ trích chính quyền Kishida vì đã cố gắng thực hiện các đợt tăng thuế quy mô lớn để đảm bảo tài trợ cho các chính sách chăm sóc trẻ em cũng như kế hoạch mở rộng chi tiêu quốc phòng của đất nước.

Đáp lại, ông Kishida cho biết, chính phủ của ông sẽ không làm tăng thêm gánh nặng cho công chúng đối với chính sách chăm sóc trẻ em, đồng thời hứa sẽ “cắt giảm triệt để” chi tiêu trong các lĩnh vực khác để đảm bảo kinh phí.

Lãnh đạo các nước G7 (Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Anh), EU và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chụp ảnh trước khi bắt đầu phiên làm việc về Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, ngày 21/5/2023. Ảnh: CNA

Tại Nhật Bản, các cơ quan lập pháp thường kết thúc trước khi hết nhiệm kỳ và chính phủ sử dụng các cuộc bầu cử như một cách để đánh giá sự ủng hộ của công chúng trước khi thực hiện các chính sách lớn.

Khi lựa chọn có tổ chức bầu cử sớm hay không, Thủ tướng Kishida cũng sẽ cần xem xét một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của nó, bao gồm quyết định cuối cùng sau cuộc tranh luận về tăng thuế, mối quan hệ rạn nứt của LDP với Đảng Công minh (Komeito) – đối tác trong liên minh cầm quyền, và sự trỗi dậy của Đảng Duy tân (Nippon Ishin no Kai) đối lập – hiện là thế lực lớn thứ 3 trong nghị viện.

Ngoài ra, một cuộc thăm dò của NHK được tiến hành vào cuối tuần qua cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Kishida đã giảm 3 điểm phần trăm so với tháng trước. Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỉ lệ không tán thành tăng 6 điểm phần trăm.

Việc tỉ lệ ủng hộ của Thủ tướng Nhật Bản bị suy giảm được cho là do một loạt vấn đề gần đây liên quan đến hệ thống nhận dạng cá nhân My Number Card do chính phủ ban hành trong nỗ lực thúc đẩy số hóa, và vụ con trai cả của ông Kishida bị sa thải khỏi vai trò thư ký Thủ tướng vì có hành vi “không phù hợp” với chức vụ của mình.


Trước đó, tỉ lệ ủng hộ của ông Kishida đã tăng vọt vào đầu tháng 3 sau những dấu hiệu nối lại quan hệ với Hàn Quốc. Việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5 và một loạt các tín hiệu tích cực trên mặt trận kinh tế như sàn giao dịch chứng khoán Tokyo đạt mức cao nhất trong 33 năm vào đầu tháng 6 và nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến – dường như cũng đã mang lại động lực cho ông Kishida trong những tuần gần đây .


Minh Đức (Theo Japan Times, La Prensa Latina, Xinhua)

Chia sẻ Facebook