Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn từ chức, chính phủ Italy nguy cơ sụp đổ
Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn từ chức, chính phủ Italy nguy cơ sụp đổ
Thủ tướng Italy, ông Mario Draghi tối 14/7 đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Italy với lý do không còn nhận được sự ủng hộ của đảng “Phong trào 5 sao”, vốn là đảng lớn nhất trong chính phủ Liên minh, làm dấy lên lo ngại chính trường Italy rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới trong bối cảnh nước này đối mặt với hàng loạt thách thức về lạm phát, khủng hoảng năng lượng và xung đột Nga-Ukraine.
Trong lá đơn từ chức gửi đến Tổng thống Italy, ông Sergio Mattarella, Thủ tướng Italy, Mario Draghi cho biết ông không thể tiếp tục dẫn dắt chính phủ liên minh do chính phủ hiện nay đã không còn đủ các điều kiện để hoạt động hiệu quả sau khi đảng liên minh trong chính phủ là đảng “Phong trào 5 sao” (M5S) tẩy chay một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một dự luật do chính phủ Italy trình lên tại Thượng viện. Theo ông Mario Draghi, hành động của đảng M5S đồng nghĩa với việc hiệp ước giữa các đảng tham gia thành lập chính phủ liên minh đoàn kết quốc gia hồi đầu năm 2021 đã không còn tồn tại.
Trên thực tế, bất chấp việc đảng M5S tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, dự luật về việc chi 23 tỷ euro để trợ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình Italy gặp khó khăn do lạm phát tăng cao vẫn được Thượng viện Italy thông qua trong ngày 14/7 và trong trường hợp đảng M5S rời bỏ chính phủ liên minh, ông Mario Draghi vẫn có đủ đa số để tiếp tục điều hành. Tuy nhiên, Thủ tướng Italy từng nhiều lần tuyên bố ông sẽ không tiếp tục công việc nếu không có sự ủng hộ của đảng M5S và cũng sẽ không dẫn dắt một chính phủ với các thành phần liên minh khác.
“Đầu tiên, tôi sẽ trao đổi với Tổng thống Mattarella về tình hình hiện nay. Thứ hai, tôi đã nói nhiều lần, rằng sẽ không có một chính phủ nếu không có đảng Phong trào 5 sao. Thứ ba, tôi cũng đã nói rằng sẽ không có một chính phủ Draghi nào khác ngoài chính phủ hiện nay”.
Khủng hoảng chính trị hiện nay tại Italy bắt đầu nổi lên từ vài ngày qua sau khi đảng M5S lên tiếng phản đối dự luật mà chính phủ của ông Mario Draghi trình lên bỏ phiếu tại Thượng viện Italy vì ngoài các chính sách trợ giúp doanh nghiệp và người dân ứng phó với lạm phát, trong dự luật đó có đề cập đến việc thúc đẩy việc xây dựng một nhà máy đốt rác ở thủ đô Roma, một dự án mà đảng M5S phản đối quyết liệt. Tối 13/7, lãnh đạo đảng M5S là cựu Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố các Thượng nghị sĩ của đảng M5S sẽ tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.
Tuy nhiên, ngoài mâu thuẫn trên, giới quan sát nhận định đảng M5S cũng không hài lòng với nhiều chính sách khác của Thủ tướng Mario Draghi. Lãnh đạo đảng M5S từng cho rằng chính phủ Italy cần có một gói trợ giúp lớn hơn để ứng phó với nhiều vấn đề xã hội đang gia tăng tại Italy do lạm phát hay giá năng lượng tăng cao. Đảng M5S cũng bất đồng với ông Mario Draghi trong cách ứng phó với xung đột Nga-Ukraine khi nhiều lần phản đối việc Italy viện trợ vũ khí cho Ukraine trong khi Thủ tướng Italy, ông Mario Draghi lại là một trong những lãnh đạo châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất chính quyền Ukraine.
Trong tối 14/7, ngay sau khi nhận được đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, Tổng thống Italy, Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn này và yêu cầu ông Mario Draghi phát biểu trước Nghị viện Italy vào tuần sau nhằm đánh giá tình hình và tháo gỡ các mâu thuẫn. Giới quan sát cho rằng, vẫn có khả năng ông Mario Draghi thoả hiệp được với đảng M5S trong vài ngày tới và khi đó chính phủ liên minh đoàn kết quốc gia của Italy vẫn được duy trì. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào tính toán của đảng M5S bởi đảng này là chính đảng lớn nhất trong liên minh, đồng thời chiếm 30% số ghế tại Thượng viện và Hạ viện Italy nên nhiều khả năng đang có những tính toán chính trị riêng vào thời điểm Italy chỉ còn hơn nửa năm nữa là bước vào cuộc bầu cử quốc gia.
Trong trường hợp ông Mario Draghi ra đi, chính phủ Italy sẽ sụp đổ và Tổng thống Sergio Mattarella sẽ phải chỉ định một Thủ tướng mới đứng ra lập chính phủ thay thế, hoặc quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn ngay trong mùa Thu này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ít có khả năng Italy tổ chức bầu cử trước thời hạn bởi điều đó đồng nghĩa với việc nước này sẽ rơi vào bất ổn chính trị kéo dài vào thời điểm đang phải đối mặt với một loạt các thách thức về suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng và xung đột Nga-Ukraine./.